Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 21,93 tỉ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.
Thanh Hóathu hút vốn FDI lớn nhất
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có 677 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,87 tỉ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2016 và 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,12 tỉ USD, tăng 109,7% so với cùng kỳ 2016.
“Tính chung trong 7 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 21,93 tỉ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016”, Cục này cho biết.
Bên cạnh đó, trong 7 tháng năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 10,83 tỉ USD, chiếm 49,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,25 tỉ USD, chiếm 23,98% tổng vốn đầu tư. Thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,28 tỉ USD, chiếm 5,86% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, trong đóHàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 5,62 tỉ USD, chiếm 25,63% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,46 tỉ USD, chiếm 24,92% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,8 tỉ USD, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư.
Về địa bàn đầu tư, Thanh Hoá là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nhất với tổng số vốn đăng ký là 3,06 tỉ USD, chiếm 13.9% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 2,95 tỉ USD, chiếm 13,48% tổng vốn đầu tư. Nam Định đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,2 tỉ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng đầu năm, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam được cấp phép thuộc về Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,7 tỉ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW; xếp ở vị trí thứ hai là Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỉ USD tại Bắc Ninh; Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỉ USD do nhà đầu tư Singapore đứng thứ 3.
Phụ thuộc vào FDI
Theo nhận định vủa Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trong Báo cáo Kinh tế quý 2/2017, các chỉ báo đang cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung.
“Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017”, báo cáo nêu.
Theo đó, dù suy giảm trong nửa cuối năm 2017 nhưng dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2017. Trong khi đó, lượng lao động sử dụng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Ngược lại, số lao động sử dụng trong khu vực ngoài nhà nước thậm chí đã giảm tuyệt đối trong sáu tháng đầu năm 2017.
“Những điều này cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng”, báo cáo cho biết.
Có chung nhận định, trong báo cáo vừa công bố của mình, ngân hàng HSBC lưu ý rằng khu vực FDI tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu, trong khi xuất khẩu từ khối trong nước (bao gồm doanh nghiệp nhà nước) gần đây đã tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cũng như trước đây, tăng trưởng trong khối đầu tư nước ngoài luôn luôn cao hơn tăng trưởng của khối trong nước. Mặc dù đây không phải là một hiện tượng mới, các khuynh hướng này cho thấy tiềm năng của đất nước trong quá trình chuyển dịch theo hướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, để thúc đẩy sản xuất nội địa và cải thiện vị thế thương mại”, báo cáo nhấn mạnh.
Dù kinh tế tăng trưởng tích cực, các chuyên gia HSBC cho rằng số liệu quý 2/2017 càng cho thấy sự lệ thuộc của Việt Nam vào sản xuất công nghiệp và xuất khẩu (cụ thể là khu vực đầu tư nước ngoài) để duy trì tăng trưởng cao.
Hoài Phong