Fulbright là trường ĐH phi lợi nhuận đầu tiên, đào tạo theo hình thức khai phóng. Sinh viên tài năng sẽ được tiếp cận những chương trình đào tạo chất lượng cao, chi phí hợp lý.

Fulbright: Khai phóng, trọng dụng nhân tài

26/05/2016, 06:28

Fulbright là trường ĐH phi lợi nhuận đầu tiên, đào tạo theo hình thức khai phóng. Sinh viên tài năng sẽ được tiếp cận những chương trình đào tạo chất lượng cao, chi phí hợp lý.

“Một khoản đầu tư thông minh mà chúng ta có thể làm cho thế hệ tương lai không gì khác ngoài giáo dục và hôm nay, chúng ta đang cùng chung tay góp sức”. Đó là phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại buổi lễ đón nhận quyết định thành lập Trường ĐH Fulbright (FUV) từ UBND TP HCM ngày 25-5 nhân dịp Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam.

Đạt kiểm định chất lượng Mỹ

Cách nay không lâu, ngày 16-5, FUV chính thức nhận quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 819 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký. Quyết định thành lập cho phép FUV được tuyển sinh học viên cao học khóa đầu tiên vào cuối năm nay, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị xây dựng trụ sở chính ở Khu Công nghệ cao TP HCM tại quận 9.

Bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng FUV, cho biết FUV là ĐH tư thục phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. FUV là trường ĐH duy nhất được thiết kế theo mô hình giáo dục “khai phóng” với mong muốn đào tạo những thế hệ sinh viên có tư duy phản biện, đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, nghệ thuật và dịch vụ công.

“Chúng tôi đưa vào những tiến bộ mới nhất về công nghệ và giảng dạy nhằm mang lại cho sinh viên trải nghiệm giáo dục, giúp trang bị kỹ năng gặt hái thành công trong bất kỳ lĩnh vực khó khăn nào mà họ theo đuổi” - bà Thủy nhấn mạnh.

Dù FUV cấp bằng Việt Nam nhưng phấn đấu đạt kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định Mỹ. Câu hỏi đặt ra là FUV có gì ưu việt so với các trường ĐH nước ngoài khác?

Lấy ví dụ là RMIT, bà Đàm Bích Thủy cho rằng căn bản đây là trường ĐH nước ngoài ở Việt Nam, còn FUV là trường ĐH Việt Nam, hoạt động tại Việt Nam với sự ủng hộ cũng như những tiêu chuẩn chất lượng của ĐH đẳng cấp nước ngoài - trong trường hợp này cụ thể là các mô hình ĐH Mỹ.

Phương thức đào tạo kiểu Mỹ cho phép người học được chọn thứ mà vào thời điểm đó họ thích nhưng sau này dù thay đổi thì vẫn có cơ hội. Những sinh viên tốt nghiệp có thể làm công việc đa dạng, cơ hội nghề nghiệp luôn mở rộng, không bị ràng buộc bởi ngành học và đó là điều FUV muốn thực hiện.

Theo bà Đàm Bích Thủy, mô hình giáo dục khai phóng tạo điều kiện cho sinh viên có từ 18 đến 24 tháng đầu tiên tiếp xúc nhiều môn học khác nhau trong chương trình bậc ĐH. Khi đó, những đam mê nghệ thuật sẽ được nuôi dưỡng, khuyến khích bên cạnh những môn mà sinh viên chưa biết liệu mình có thích hay không vì chưa có cơ hội tiếp xúc.

Đề cao sự minh bạch và trách nhiệm giải trình

FUV được thành lập dựa trên những nguyên tắc quản trị thiết yếu: minh bạch và trách nhiệm giải trình, trọng dụng nhân tài, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, tự do nghiên cứu. Trong quá trình xin cấp phép, nhà trường cố gắng cùng thảo luận để đi đến thống nhất với các cơ quan quản lý nhà nước ngay từ đầu, không bỏ qua bất cứ nguyên tắc nào vì xây dựng một trường ĐH là công việc có tầm nhìn trăm năm, phục vụ nhiều thế hệ.

FUV được tài trợ bởi Quỹ Tín thác Sáng kiến ĐH Việt Nam (TUIV), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Boston - Mỹ. TUIV chịu trách nhiệm huy động những nguồn lực từ các nhà tài trợ Mỹ và Việt Nam, quản lý nguồn vốn tài trợ của chính phủ Mỹ cũng như giám sát hoạt động của FUV thông qua đại diện trong hội đồng trường. Quỹ này cũng là đơn vị huy động vốn đầu tư dự án FUV. Tài chính được huy động từ 3 nguồn: tài trợ ổn định hằng năm của chính phủ Mỹ; tiền thiện nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tại nước Mỹ; nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam.

Nói về chiến lược duy trì nguồn tài trợ, bà Đàm Bích Thủy nhấn mạnh điều quan trọng không phải bao nhiêu tiền mà là cơ chế tốt. Cơ chế tốt sẽ tự khắc nhận hỗ trợ từ những nguồn đáng tin cậy.

Với số vốn đăng ký ban đầu là 70 triệu USD, FUV nhận được cam kết tài trợ khoảng 60 triệu USD bằng tiền và các hình thức khác. FUV cần nhiều tiền hơn để có thể hiện thực hóa tham vọng của trường. “Chúng tôi ước tính sẽ cần huy động 150 triệu USD trong 5 năm đầu tiên” - bà Đàm Bích Thủy cho biết.

Chú trọng học giả, nhà khoa học người Việt

Về nhân lực, FUV sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên quốc tế và đặc biệt chú trọng tuyển dụng những học giả và nhà khoa học người Việt được đào tạo từ nước ngoài. Trường sẽ sử dụng đòn bẩy công nghệ bao gồm những nền tảng học tập từ xa để giảm chi phí tối đa và cho phép giảng viên có thể giảng dạy, hướng dẫn sinh viên ở vùng sâu, vùng xa. Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội xin việc thành công cao vì ngoài ngoại ngữ, họ còn có kỹ năng lãnh đạo tốt, giỏi kỹ năng cứng như tính toán, tranh luận, làm việc nhóm...

Huệ Bình/ Người lao động

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Fulbright: Khai phóng, trọng dụng nhân tài