Đoạn đường chỉ gần 2km nhưng có đến chục nhà cao tầng và chung cư đang xây dựng. Đây lại là một trong những điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng của TP.HCM. Không thể dự đoán được đến lúc những tòa nhà này đi vào sử dụng thì tình trạng trên sẽ ra sao.
Động thái mới nhất của TP.HCM là sẽ siết chặt việc cấp phép cho xây mới những dự án chung cư, nhà cao tầng. Trước đó, đại diện Sở Xâydựng TP.HCM trả lời báo chí rằng phải đối chiếu với các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch như mật độ, hạ tầng...
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn TP.HCM nói chung và đường Ung Văn Khiêm(P.25, Q. Bình Thạnh) dài chưa đến 2km nói riêng, mật độ chung cư đang xây dựng và nhà cao tầng dày đặc. Vào lúc 6h30-8h và 16h30-hơn 18h mỗi ngày việc ‘chôn chân’ trên tuyến đường này đã thành điều quen thuộc với ai lưu thông qua đây.
Anh Lê Văn Sơn (26tuổi, ngụ Bình Thạnh) chia sẻ: "Cứ mỗi giờ đi làm sớm hay tan tầm, đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đặc biệt Ung Văn Khiêm luôn khiến tôi ám ảnh. Đi làm cả ngày áp lực cao có khi không mệt. Nhưng chỉ cần nhích từng chút một trên con đường đông đúc, đầy khói bụi mỗi chiều làm tôi vô cùng mệt mỏi".
Cùng suy nghĩ, anh Lê Trung Nghĩa (25 tuổi, ngụ Bình Thạnh)thông tin: "Muốn không bị kẹt đoạn Ung Văn Khiêm không khó, đó là đi làm lúc 6 giờ sáng và về nhà lúc 8 giờ tối. Nói vui thế, chứ mỗi lần đi đến đoạn Ung Văn Khiêm tôi chỉ muốn ghé vào quán cà phê nào ngồi mà thôi".
Có thể kể tên các chung cư, nhà cao tầng đang xây dựng ở đoạn đường này như Rosena của Tập đoàn Tân Thành Đô với quy mô gần 100 căn hộ nằm trong con hẻm nhỏ.
Liền kề là Sacom Plaza quy mô 20 tầng gồm căn hộ cao cấp và văn phòng với vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Đối diện với dự án Sacom Plaza là trường Đại học Hutech với hàng chục ngàn sinh viên.
Đoạn Ung Văn Khiêm di chuyển về hướng D1 (hướng ra Điện Biên Phủ, hướng đi Q.2, Hàng Xanh) tiếp tục là những dự án Samland Riverside với quy mô 22 tầng, gần 130 căn hộ. Dự án chung cư Bắc Bình cao 12 tầng, quy mô gần 60 căn hộ. Ngay sát đó là chung cư Thế kỷ 21 với quy mô gần 300 căn hộ, cao 16 tầng. Cũng trong khu vực này còn có chung cư 41 Bis quy mô 14 tầng, 3 block với quy mô hàng trăm căn hộ của chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8.
Ngoài ra trên đường D1, sát với ngã 3 giao Ung Văn Khiêm cũng có cao ốc Samland Building cao 13 tầng, diện tích sử dụng gần 3.000m2 để cho thuê văn phòng. Cùng với đó hàng chục tòa nhà cho thuê văn phòng khác nằm trên đoạn đường này.
Bà Châu Hoàng Minh Loan (78 tuổi, ngụ Bình Thạnh) nói: "Chúng tôi nghèo, ở đoạn đường này ngót nghét mấy mươi năm nay quen rồi. Kẹt xe, ngập nước đủ cả, chẳng thiếu thứ gì. Chỉ tội cho mấy người giàu mua nhà ở đây, vào đoạn này chịu chung cảnh với chúng tôi. Trước đã kẹt, mai sau chắc còn kẹt hơn. Đường này đã đông, họ giàu, toàn đi xe con sao mà không chật đường được".
Có lẽ không ai lạ gì tình trạng ngập nước do mưa, triều cường tại đoạn đường này trong những năm qua. Hiện tình trạng kẹt xe luôn ở mức cao dù hàng loạt công trình nói trên phần lớn chưa đưa vào sử dụng, hoặc sử dụng chưa hết công suất. Nếu chính thức hoạt động hết công suất không rõ đoạn đường này sẽ còn ùn tắc như thế nào.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng từng phát biểu trước báo chí rằng không có yêu cầu trong thủ tục hành chính để cơ quan này góp ý kiến về các dự án xin xây mới. Nhiều đường chưa được mở rộng nhưng chung cư, nhà cao tầng thay nhau "mọc lên"khiến áp lực giao thông tăng cao.
Những chung cư, nhà cao tầng nói trên nếu đi vào hoạt động và hoạt động hết công suất, liệu con đường này có 'vỡ trận' hay không?. Với những chung cư hạng sang này, việc mỗi chung cư có vài chục đến hàng trăm ô tô là điều hết sức bình thường. Với áp lực đã cao từ bấy lâu, lượng người, xe này đổ về có khiến tăng thêm tình trạng kẹt xe?, câu hỏi đó hẳn đã có giải đáp.
Hồ Đông