Đài Channel News Asia cho biết mặc dù đã cơ quan y tế thả lượng lớn muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để đối phó bệnh sốt xuất huyết, nhưng số ca mắc tại Singapore, Indonesia và Malaysia vẫn gia tăng.
Khoa học - công nghệ

Gay go cuộc chống bệnh sốt xuất huyết tại Singapore, Indonesia, Malaysia

Cẩm Bình 02/04/2024 15:31

Đài Channel News Asia cho biết mặc dù đã cơ quan y tế thả lượng lớn muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để đối phó bệnh sốt xuất huyết, nhưng số ca mắc tại Singapore, Indonesia và Malaysia vẫn gia tăng.

sing.jpg

Công dân Singapore Benjamin Loh nghĩ mình bị tái nhiễm COVID-19 khi sốt 40 độ C vào tháng 7 năm ngoái, nhưng bác sĩ nghi ông mắc sốt xuất huyết nên đề nghị tiến hành xét nghiệm máu. Lượng tiểu cầu của ông chỉ còn 20.000/micro lít, thấp hơn niều so với mức 150.000 - 450.000/micro lít đảm bảo máu đông lại được.

Ông Loh nằm viện do sốt xuất huyết gần 1 tuần, chịu cơ thể đau nhức, buồn nôn, sốt cao, trả lời email cũng thấy mệt mỏi. Ông nhớ lại: “Tất cả triệu chứng này khiến bạn chẳng muốn làm gì cả”.

Công dân Indonesia Patricia Tambunan còn khổ sở hơn. Cô nằm viện hơn 1 tuần, sốt xuất huyết buồn nôn đến mức nôn mửa mỗi lúc ăn uống.

Trên đây là hai trong số hàng chục nghìn ca mắc gần đây, hàng trăm người đã không qua khỏi. Chính phủ Singapore, Indonesia và Malaysia triển khai rất nhiều biện pháp phòng chống, như đẩy mạnh tuyên truyền, thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia... nhưng dường như tất cả đều chưa hiệu quả.

Sốt xuất huyết đáng lo ngại

Sốt xuất huyết do vi rút dengue gây ra, truyền từ muỗi mang bệnh - đặc biệt là muỗi aedes - sang người thông qua vết đốt. Căn bệnh này thường xuất hiện ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, chủ yếu tại khu vực đô thị cùng bán đô thị.

Có 4 loại huyết thanh vi rút dengue. Đa số ca mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng một số trường hợp lại diễn biến nặng thậm chí tử vong.

Vài năm gần đây sốt xuất huyết lan sang nhiều nơi chưa từng ghi nhận căn bệnh này chẳng hạn như Pháp, Ý, Chad. Cuối năm ngoái ở vùng Nam Californa có 2 ca mắc dù không đi ra ngoài nước Mỹ (vốn rất hiếm khi ghi nhận bệnh do muỗi lây truyền). Năm nay Brazil trở thành tâm điểm chú ý vì báo cáo hơn 1 triệu ca mắc và khoảng 300 ca tử vong chỉ trong 2 tháng đầu năm, một số bang phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tại Đông Nam Á, đối phó sốt xuất huyết là cuộc chiến dai dẳng. Vào tháng 2 khi số ca mắc tăng đột biến suốt nhiều tuần, Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) kêu gọi hành động ngay lập tức để kéo giảm số lượng muỗi aedes.

Đà tăng tại quốc đảo sư tử bắt đầu từ năm 2018. Năm đó Singapore ghi nhận hơn 3.000 ca mắc, đến năm 2019 vọt lên gần 16.000 ca, năm 2020 kỷ lục hơn 35.000 ca mắc và 32 ca tử vong.

Sang năm 2021, số ca mắc giảm mạnh còn hơn 5.000. NEA thời điểm đó nhận định nguyên nhân có thể là miễn dịch cộng đồng tạm thời sau 2 năm bùng phát. Nhưng năm 2022 số ca mắc lại tăng lên hơn 32.000, ngoài ra còn có 19 ca tử vong. Năm ngoái ghi nhận 9.950 ca mắc và 6 ca tử vong.

Trong năm 2023, Malaysia ghi nhận hơn 123.000 ca mắc, tăng 86% so với khoảng 66.000 ca của năm trước đó. Số ca tử vong chạm mốc 100, gần gấp đôi năm 2022 (56 ca). Tính đến ngày 16.3, nước này có 38.524 ca mắc và 24 ca tử vong.

Còn Indonesia chỉ riêng tháng 1 đã có gần 18.000 ca mắc, tăng cao so với 12.500 ca cùng kỳ năm ngoái. Tính đến đầu tháng 3, quốc gia vạn đảo ghi nhận hơn 21.000 ca mắc và 191 ca tử vong. Tại tỉnh Tây Java đông dân nhất nước, chính quyền thị trấn Cianjur cảnh báo về nguy cơ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu số ca mắc không giảm.

Nguyên nhân sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Giới chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong đó đáng chú ý là hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng hơn. Tiến sĩ Riris Andono Ahmad (Đại học Gadjah Mada) giải thích do thời tiết nóng làm cho muỗi trưởng thành nhanh hơn, đẻ trứng nhanh hơn nên dẫn đến số lượng muỗi đốt người tăng. Mùa mưa cộng với El Nino cũng góp phần hình thành nhiều vũng nước đọng (nơi ấu trùng muỗi aedes phát triển).

Còn theo Giáo sư Hsu Li Yang (Trường Y tế công Saw Swee Hock), thời tiết ấm lên đến một mức độ nhất định sẽ rút ngắn thời gian ủ bệnh trong muỗi.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad xác định biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng, quản lý chất thải và trữ nước không đúng cách tạo cơ hội cho muỗi aedes sinh sản, dẫn đến sốt xuất huyết bùng phát ở nước này. Mật độ dân số tăng cũng làm tăng nguy cơ muỗi sinh sản và đốt người.

Tiến sĩ Borame Sue Lee Dickens (Trường Y tế công Saw Swee Hock) cho biết muỗi aedes có thể tồn tại và thích nghi tốt với môi trường đô thị, do đó sốt xuất huyết rất khó kiểm soát.

Một nguyên nhân khác đến từ khả năng miễn dịch. Chẳng hạn người lớn lên tại Singapore vào những năm 1950 và 1960 từng mắc bệnh lúc nhỏ nên miễn dịch với vi rút dengue. Nhưng đảo quốc sư tử nỗ lực kéo giảm số lượng muỗi nên thế hệ sau không mắc bệnh, dẫn đến không có miễn dịch.

Giáo sư Ooi Eng Eong (Trường Y Duke - NUS) lưu ý ngày càng nhiều người Singapore có nguy cơ mắc sốt xuất huyết khi đến tuổi trưởng thành. Với miễn dịch cộng đồng thấp thì đảo quốc sư tử phải đẩy mạnh kiểm soát muỗi hơn nữa.

Biện pháp phòng chống

Do sốt xuất huyết đã lưu hành suốt hơn 50 năm nên Singapore lâu nay luôn triển khai nhiều biện pháp phòng chống. Đặc biệt từ năm 2016 NEA triển khai dự án thả lượng lớn muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ra ngoài môi trường. Trứng do chúng giao phối với muỗi cái sinh ra sẽ không nở.

Tại Indonesia, 6 thành phố Bontang, Kupang, Semarang, Tây Jakarta, Bandung, Denpasar cũng thả muỗi mang Wolbachia.

Dù có biện pháp khoa học, biện pháp phòng ngừa truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt: dọn sạch thùng chứa nước, đóng cửa khu vực trữ nước, nuôi cá diệt lăng quăng, dọn dẹp địa điểm công cộng, xịt thuốc diệt muỗi.

Indonesia giao nhiệm vụ thực hiện loạt biện pháp trên cho công chức với chức vụ jumantik, được chính quyền địa phương bổ nhiệm. Họ đi từng nhà, thường vào thứ sáu hằng tuần để kiểm tra.

Malaysia còn hợp tác với nhiều tổ chức nghiên cứu tiến hành thử nghiệm sử dụng một số loại thuốc trị bệnh khác cho điều trị sốt xuất huyết. Mục đích là nhằm phát triển phương án điều trị dễ tiếp cận, giá cả hợp lý trong vòng 5 năm tới.

Singapore cũng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức. Phong trào “Giữ cho Singapore sạch sẽ và không có muỗi” bắt đầu từ năm 1969 nay phát triển thành Chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết quốc gia. NEA triển khai Hệ thống cảnh báo cộng đồng về sốt xuất huyết, dùng mã màu cho người dân biết mức độ rủi ro tại nơi họ sống. Năm 2022, màu tím lần đầu ra mắt để chỉ khu vực có số lượng muỗi aedes cao liên tục.

Đảo quốc sư tử vào năm 2016 phê duyệt sử dụng vắc xin ngừa sốt xuất huyết Dengvaxia do công ty Pháp Sanofi sản xuất. Vắc xin được tiêm 3 liều trong 12 tháng và có hiệu quả đến 4 năm, sau liều thứ 3.

Năm 2012, Singapore - Indonesia - Malaysia thành lập mạng lưới United In Tackling Epidemia Dengue nhằm chia sẻ thông tin cùng kiến thức liên quan đến sốt xuất huyết. Mạng lưới giúp mỗi nước biết rõ tình hình dịch bệnh ở nước láng giềng cũng như khu vực.

Mức độ hiệu quả

Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường - Phát triển bền vững Singapore Grace Fu cho biết 4 khu vực thả muỗi mang Wolbachia ghi nhận số lượng muỗi aedes tại chỗ giảm hơn 90%. Nguy cơ mắc sốt xuất huyết của người dân sống ở khu vực triển khai dự án ít nhất 1 năm giảm 77%.

NEA dự định mở rộng dự án đến 5 khu vực khác trong năm nay, qua đó bảo vệ cho 35% tổng số hộ gia đình Singapore.

Malaysia thả muỗi mang Wolbachia tại 32 địa phương trên địa bàn 7 bang kể từ năm 2019, khoảng 19 địa phương ghi nhận số ca mắc giảm từ 45 đến 100%. Vào tháng 1 chính phủ nước này công bố kế hoạch thả thêm muỗi mang Wolbachia ở 10 địa phương khác.

Tại Indonesia, dự án gặp trở ngại vì thiếu thông tin và thông tin sai lệch lan truyền rộng rãi. Muỗi mang Wolbachia bị nói lan truyền bệnh viêm não Nhật Bản hoặc “gien đồng tính”, thậm chí có thuyết âm mưu rằng đây là kế hoạch giảm dân số của nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates.

Giáo sư Hsu cho rằng dự án cần được mở rộng để đạt quy mô đáng kể, đủ sức tác động đến số ca mắc sốt xuất huyết toàn quốc. Ngoài ra cũng cần thả muỗi mang Wolbachia thường xuyên nhằm kiểm soát dịch bệnh lâu dài.

Vắc xin an toàn và hiệu quả hơn, đô thị cùng nhà ở thiết kế theo hướng giảm thiểu muỗi sinh sản có thể hữu ích. Đặc biệt không thể không sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

AI đã dần được sử dụng như công cụ đối phó sốt xuất huyết ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhóm thuộc UNICEF đang hợp tác với một số đối tác phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác dự đoán và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong tương lai.

Theo giới chuyên gia, sốt xuất huyết là dịch bệnh theo chu kỳ nên thành công trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này chỉ mang tính tương đối.

Bài liên quan
Tìm thấy vi khuẩn ngăn muỗi nhiễm vi rút sốt xuất huyết, Zika để không truyền bệnh sang người
Nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được vi khuẩn đường ruột của muỗi mang tên Rosenbergiella_YN46 có thể ngăn chúng bị nhiễm những loại vi rút như sốt xuất huyết và Zika, từ đó ngăn chặn mầm bệnh này truyền sang người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gay go cuộc chống bệnh sốt xuất huyết tại Singapore, Indonesia, Malaysia