Bitcoin hướng tới mức tăng hàng tháng lớn nhất trong hơn 3 năm qua vào hôm 29.2 và gần với mức kỷ lục 69.000 USD, sau khi dòng tiền đổ vào các quỹ Bitcoin được niêm yết thúc đẩy một đợt tăng giá mạnh.
Thế giới số

Giá Bitcoin tăng vọt gần mức kỷ lục, trở thành chủ đề nóng trên MXH Trung Quốc bất chấp lệnh cấm

Sơn Vân 29/02/2024 11:05

Bitcoin hướng tới mức tăng hàng tháng lớn nhất trong hơn 3 năm qua vào hôm 29.2 và gần với mức kỷ lục 69.000 USD, sau khi dòng tiền đổ vào các quỹ Bitcoin được niêm yết thúc đẩy một đợt tăng giá mạnh.

Bitcoin, loại tiền điện tử giá trị nhất theo vốn hóa thị trường, vững chắc trong phiên giao dịch buổi sáng 29.2 ở châu Á ở mức giá 61.692 USD, sau khi được giao dịch ở mức đến 63.933 USD qua đêm. Mức tăng hàng tháng của Bitcoin là hơn 45%, lớn nhất kể từ tháng 12.2020.

Sự tăng trưởng này kéo theo Ethereum, đồng tiền điện tử lớn thứ hai thế giới, hiện được giao dịch ở mức 3.429 USD, tăng 50% trong tháng 2.

Tony Sycamore, nhà phân tích tại công ty môi giới IG Markets, cho biết động lực này gợi ý “một cuộc thử nghiệm và có khả năng phá vỡ” mức kỷ lục 69.000 USD. Điều này sẽ đưa Bitcoin vượt qua mức kỷ lục được thiết lập trong những ngày đỉnh cao của tiền điện tử vào tháng 11.2021.

Người đứng đầu Coinbase Global cho biết sàn giao dịch tiền điện tử này đang phải đối mặt với tình trạng lưu lượng truy cập tăng đột biến.

Việc phê duyệt và ra mắt các spot bitcoin exchange-traded fund (spot bitcoin ETF, hay quỹ giao dịch hoán đổi quyền sở hữu bitcoin giao ngay) ở Mỹ trong năm nay đã mở ra loại tài sản cho các nhà đầu tư mới và khơi dậy lại sự phấn khích từng bị mất đi khi giá Bitcoin sụt giảm mạnh trong “mùa đông tiền điện tử” năm 2022.

Dữ liệu LSEG (Sở giao dịch chứng khoán London) cho thấy dòng tiền chảy vào 10 spot bitcoin ETF lớn nhất đã mang lại 420 triệu USD chỉ trong ngày 27.2, nhiều nhất gần hai tuần. Ba nền tảng phổ biến nhất, do Grayscale, Fidelity và BlackRock điều hành, chứng kiến khối lượng tăng đột biến.

Các nhà giao dịch cũng đã đổ tiền vào Bitcoin trước sự kiện halving (giảm một nửa) vào tháng 4. Đó là quá trình diễn ra 4 năm một lần, trong đó tốc độ token giảm một nửa, cùng với phần thưởng được trao cho người khai thác bitcoin.

Nguồn cung Bitcoin được giới hạn ở 21 triệu, trong đó 19 triệu đã được khai thác.

Ngoài ra, triển vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thực hiện một loạt đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 đã khiến các nhà đầu tư thèm muốn những tài sản có lợi suất cao hơn hoặc dễ biến động hơn.

Biến động trên thị trường ngoại hối đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm và chỉ số biến động của thị trường chứng khoán Mỹ đang quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19.

Bitcoin là chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc bất chấp lệnh cấm sâu rộng của chính phủ

Giá Bitcoin tăng vọt đã thu hút sự chú ý và bàn tán sôi nổi ngày càng nhiều của người dùng internet ở Trung Quốc, nơi một số hoạt động liên quan đến tiền điện tử vẫn tồn tại bất chấp lệnh cấm sâu rộng từ chính phủ.

Bitcoin đã tăng hơn 20% trong 5 ngày qua, khiến nó trở thành chủ đề thịnh hành trên tất cả nền tảng truyền thông xã hội lớn của Trung Quốc.

gia-bitcoin-tang-vot-gan-muc-ky-luc-tro-thanh-chu-de-nong-tren-mxh-trung-quoc-bat-chap-lenh-cam.jpg
Sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng mạng xã hội Trung Quốc với Bitcoin phản ánh một cộng đồng người đam mê tiền điện tử ở nước này tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bất chấp lệnh cấm sâu rộng của chính phủ - Ảnh: Shutterstock

Tại một thời điểm hôm 27.2, Bitcoin được xếp hạng là thuật ngữ được tìm kiếm nhiều thứ 11 trên dịch vụ tiểu blog Weibo. Mức độ phổ biến của Bitcoin cũng tăng hơn 358% so với ngày 26.2 trên siêu ứng dụng WeChat, theo chỉ số WeChat chính thức của tập đoàn Tencent Holdings, chuyên theo dõi sức hút của từ khóa trên các hoạt động tìm kiếm trong ứng dụng, video, livestream và bài đăng trên blog.

Điều này diễn ra sau khi mức độ phổ biến của Bitcoin trên WeChat tăng vọt 676% hôm 13.2, ngày tiền điện tử này đạt mốc 50.000 USD lần đầu tiên sau hơn hai năm.

Bitcoin đã tăng vọt kể từ đầu tháng 2 sau khi duy trì ở mức dưới 30.000 USD trong phần lớn thời gian năm 2023, sau một đợt suy giảm của thị trường tiền điện tử hồi năm 2022.

Được thúc đẩy bởi sự ra mắt của các spot bitcoin ETF tại Mỹ vào tháng 1, Bitcoin hiện được giao dịch ở mức 61.692 USD sau khi đạt mức cao kỷ lục 69.000 USD vào tháng 11.2021.

Sự quan tâm mạnh mẽ của người dùng mạng xã hội Trung Quốc về việc giá Bitcoin tăng vọt phản ánh rằng một cộng đồng những người đam mê tiền điện tử ở nước này vẫn tiếp tục phát triển, bất chấp lập trường cứng rắn của Bắc Kinh với tất cả hoạt động liên quan đến loại tiền số này.

Theo bản tin của Reuters hồi tháng 1, đầu tư vào tiền điện tử gần đây đã trở nên hấp dẫn hơn với một số người ở Trung Quốc, khi thị trường chứng khoán nước này tiếp tục lao dốc trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Giao dịch tiền điện tử thông qua một số sàn lớn vẫn diễn ra tích cực ở Trung Quốc. Các nhà giao dịch tiền điện tử ở nước này sử dụng một loạt giải pháp để vượt qua các hạn chế được áp dụng một cách lỏng lẻo.

Bất chấp cảnh báo trên trang web của mình, Binance cho phép người dùng Trung Quốc tạo tài khoản và giao dịch trên sàn thông qua một số cách giải quyết, theo các thử nghiệm do trang SCMP thực hiện.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử những năm qua, với lý do rủi ro cho sự ổn định tài chính.

Trung Quốc đang giải quyết các rủi ro rửa tiền liên quan đến tiền điện tử, dù ủng hộ tham vọng của Hồng Kông trở thành trung tâm lớn cho các tài sản ảo.

Trong bảng xếp hạng của công ty nghiên cứu Chainalysis về việc áp dụng tiền điện tử ở 20 quốc gia lớn, Trung Quốc chiếm vị trí số 11 vào năm 2023 sau khi xếp thứ 10 hồi 2022.

Xếp hạng của Trung Quốc về khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung đã giảm xuống vị trí thứ 10 vào năm 2023 sau khi xếp thứ hai hồi 2022. Dù vậy, Chainalysis cho biết quốc gia này đứng thứ 13 về khối lượng giao dịch tiền điện tử ngang hàng vào năm 2023, tăng từ vị trí thứ 144 hồi 2022.

Trước khi FTX sụp đổ vào năm 2022, các nhà giao dịch Trung Quốc chiếm 8% cơ sở người dùng của nền tảng này, theo hồ sơ phá sản của công ty Mỹ.

Bài liên quan
Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa gây ô nhiễm nhất 2022, Ethereum giảm lượng khí thải đáng kể
Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa gây ô nhiễm nhất năm 2022 với tác động đến môi trường của nó đang gia tăng, theo một báo cáo từ nhà cung cấp dữ liệu thị trường Forex Suggest.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá Bitcoin tăng vọt gần mức kỷ lục, trở thành chủ đề nóng trên MXH Trung Quốc bất chấp lệnh cấm