Hãng Reuters đưa tin giá dầu giao dịch tại châu Á đầu phiên 26.6 tăng hơn 1% do cuộc nổi loạn của lực lượng quân sự tư nhân Wagner ở Nga cuối tuần qua, ảnh hưởng đến nguồn cung từ một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Dầu thô Brent (chuẩn quốc tế) tăng 95 cent, tương đương 1,3%, lên 74,80 USD/thùng. Dầu WTI (Mỹ) cũng tăng 1,3% lên 70,04 USD/thùng.
Cuối tuần qua, căng thẳng giữa Wagner và chính quyền Nga leo thang. Wagner tiến quân về Moscow nhưng may mắn nguy cơ đụng độ được đẩy lùi nhờ một thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đứng ra làm trung gian.
Tuy nhiên diễn biến mới nhất đem đến nghi ngại lớn. Nhà phân tích Helima Croft (công ty đầu tư tài chính RBC Capital Markets) cho biết: "Có lo ngại Nga ban bố thiết quân luật khiến công nhân không thể đến các cảng hàng hóa và cơ sở năng lượng lớn làm việc, làm đình trệ hoạt động xuất khẩu hàng triệu thùng dầu".
Bà Croft tiết lộ Nhà Trắng vừa làm việc với nhiều đơn vị sản xuất chính ở trong lẫn ngoài nước về xây dựng kế hoạch dự phòng nhằm đảm bảo nguồn cung dầu nếu tình hình tại Nga ảnh hưởng đến sản lượng của chính nước này.
Đội ngũ phân tích thuộc ngân hàng Goldman Sachs đánh giá biến động ở Nga có thể gây gián đoạn nguồn cung hoặc có tác động tiêu cực lớn đến nguồn cung trong tương lai. Tuy nhiên tác động có thể khá hạn chế do tâm lý lo ngại về rủi ro tài chính và về nhu cầu dầu bù đắp lại.
Tuần trước cả dầu Brent lẫn dầu WTI giảm khoảng 3,6% do lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào thời điểm giới đầu tư thất vọng trước sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc. Vài tháng qua, sức mua, chỉ số sản xuất lẫn thị trường bất động sản đều yếu hơn dự kiến.
Tổng thống Serbia khen ngợi ông Putin ngăn chặn nổi loạn thành công
Ngày 26.6, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic khen ngợi người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì đã ngăn không cho cuộc nổi loạn của lực lượng Wagner trở nên tồi tệ hơn.
“Tổng thống Putin ngăn chặn nổi loạn bằng bài phát biểu cá nhân cùng lập trường kiên quyết và mạnh mẽ của ông”, Tổng thống Vucic nói với đài truyền hình Pink.
Nhà lãnh đạo Serbia ghi nhận Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko có đóng góp giúp giải quyết căng thẳng, nhưng nhấn mạnh Tổng thống Putin mới là người giải quyết cuối cùng.
“Mọi chuyện kết thúc nhờ phản ứng mạnh mẽ từ Tổng thống Putin. Rất kiên quyết, rõ ràng và đúng chỗ”, theo Tổng thống Vucic.