Kể cả khi OPEC tan rã đi nữa, giá dầu thế giới ít nhất là trong năm nay, sẽ vẫn không thể vượt quá mức 65 USD/thùng. Đó là dự đoán mà các chuyên gia đưa ra khi đề cập đến sức bật đáng kể của các công ty dầu phiến Mỹ.
Những ngày này, sự chú ý của cả thế giới đều đang hướng về mối nguy cơ giảm tăng trưởng ở Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản, cho đến việc liệu nước Anh có rời khỏi EU dẫn đến một sự tan rã của liên minh châu Âu hay không. Tất cả những điều đó dường như đang khiến cả thế giới không nhận ra, một cuộc cách mạng thực sự đang diễn ra trong một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu: thị trường dầu mỏ.
OPEC đang đứng trên bờ vực tan rã, Ả Rập Saudi chuyển hướng sang khí đốt, Nga và Mỹ đang giảm sản lượng khai thác, còn giá dầu thì đã nhích lên gần 50 USD/thùng từ lúc nào. Tuy nhiên, những người vẫn nuôi hy vọng rằng giá dầu trên thị trường thế giới có thể quay về mức đỉnh trên 100 USD/thùng như cách đây vài năm hẳn sẽ phải thất vọng, vì trong năm 2016 này, giá dầu gần như sẽ không thể vượt quá mốc 65 USD/thùng.
Với những người bấy lâu nay đã quá thất vọng trước sự ảm đạm của giá dầu, khi trong một thời gian dài chỉ lên xuống xung quanh mức giá 40 USD/thùng; thì hẳn họ sẽ rất bất ngờ khi giá dầu đang có những bước tiến đáng kể. Tính đến phiên giao dịch thứ Hai (16.5) vừa qua, giá dầu đã ở mức 47 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng khoảng 1 năm trở lại đây. Nhiều khả năng giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi mà thị trường dầu lửa toàn cầu đang có những biến động lớn trong thời gian qua.
Nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt lên mức 47 USD/thùng được cho là hệ quả của việc suy giảm nguồn cung tại một số quốc gia xuất khẩu dầu. Đó là Canada do những vụ cháy rừng, đó là những bất ổn chính trị ở Lybia hay khủng bố tấn công các nhà máy lọc dầu ở Nigeria. Về lâu dài, những bất ổn đang diễn ra trong nội bộ OPEC có thể khiến giá dầu tăng mạnh hơn nữa. OPEC đang được xem là đứng trên bờ vực của sự tan rã, khi mà quốc gia đứng đầu tổ chức này là Ả Rập Saudi đã tuyên bố cải cách nền kinh tế để không còn phụ thuộc vào dầu mỏ nữa, đồng thời chuyển trọng tâm sang lĩnh vực khí đốt được dự báo là sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai.
Sự tan rã mà OPEC đang phải đối mặt còn do Venezuela đang đứng trước nguy cơ sụp đổ do khủng hoảng kinh tế, còn Iran thì đã công khai từ chối hợp tác với phần còn lại của OPEC bằng cách tiếp tục gia tăng sản lượng dầu khai thác của nước này. Nếu OPEC tan rã, đồng nghĩa với một thị trường dầu đa dạng hơn sẽ bắt đầu diễn ra, và giá dầu sẽ không còn bị ghìm sâu một cách có chủ ý như đã từng xảy ra trong suốt gần 2 năm qua do bị OPEC và Ả Rập Saudi chi phối.
Tuy nhiên, kể cả khi OPEC tan rã đi nữa, giá dầu thế giới ít nhất là trong năm nay, sẽ vẫn không thể vượt quá mức 65 USD/thùng. Đó là dự đoán mà các chuyên gia đưa ra khi đề cập đến sức bật đáng kể của các công ty dầu phiến Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, xu hướng tạm ngưng hoạt động và thậm chí là phá sản đang diễn ra khá mạnh trong giới các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến ở Mỹ. Tính từ đầu năm 2015, đã có khoảng 130 công ty dầu khí và công ty dịch vụ ở Bắc Mỹ (gồm Mỹ và Canada) đã tuyên bố phá sản với khoản nợ tổng cộng lên đến 44 tỉ USD. Cách đây hơn một tuần, 3 trong số các công ty dầu lớn nhất của Mỹ là Chaparral Energy, Penn Virginia và Linn Energy cũng đã phải tuyên bố phá sản với tổng số nợ khoảng 11 tỉ USD.
Việc số công ty dầu đá phiến Mỹ phá sản gia tăng mạnh trong thời gian gần đây cho thấy giới bảo hiểm và tài chính Mỹ đứng sau lưng các công ty dầu phiến đã tới giới hạn. Hầu hết các trường hợp phá sản trong ngành dầu Mỹ thời gian qua đều do các công ty này đã mất thanh khoản, trong khi không thể tiếp tục gọi vốn từ các nhà đầu tư và giới cho vay. Số các công ty vẫn đang hoạt động tốt và có lãi thậm chí cả khi giá dầu chỉ còn khoảng 20-25 USD/thùng ở Mỹ hiện nay là không nhiều. Chính tình trạng số công ty dầu Mỹ ngưng hoạt động và phá sản nhiều là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng đáng kể trong thời gian qua, do nguồn cung khai thác đã sụt giảm khá mạnh.
Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng ngành dầu Mỹ đã đầu hàng thì cũng không hẳn. Các chuyên gia cho rằng, mức giá khoảng 50 USD/thùng là đủ để hầu hết các công ty dầu đá phiến Mỹ hoạt động trở lại, nhưng điều đó sẽ không diễn ra ngay lập tức mà sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định, đủ dài để các nhà đầu tư có thể tin tưởng mà góp vốn trở lại để các công ty tái hoạt động.
Phil Flynn, nhà phân tích năng lượng cao cấp tại Price Future Group cho biết: “Chúng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ sẽ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường kể cả khi giá dầu đang ở mức gần 50 USD/thùng, và họ vẫn đang trong quá trình cắt giảm số dự án khai thác mới”.
Nói cách khác, mức tăng giá dầu hiệu nay là chưa đủ cao cũng như chưa đủ lâu dài để có thể khiến các nhà đầu tư và các công ty dầu quay trở lại cuộc chơi. Để các công ty dầu phiến Mỹ quay trở lại hoạt động, giá dầu sẽ phải dao động ở mức 60-65 USD/thùng. Đó cũng là mức giá mà chính phủ một số các quốc gia dự toán cho ngân sách của mình, như Nga, và đồng nghĩa với việc các công ty dầu tại các quốc gia này sẽ đẩy mạnh năng suất khai thác và xuất khẩu nếu như giá dầu chạm đến mốc 60-65 USD/thùng.
Mốc giá 60-65 USD/thùng hiện tại giống như một chiếc công tắc, một khi được bật sẽ kích hoạt đồng loạt khả năng hoạt động của hầu hết các công ty dầu trên thế giới, từ các công ty dầu đá phiến ở Mỹ cho đến các tập đoàn dầu khí quốc gia ở Nga. Điều này sẽ khiến tổng sản lượng dầu trên thị trường tăng đột biến, và thậm chí có thể kéo mức giá xuống, có thể là trong cả một thời gian dài.
Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)