NXB Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá các bộ SGK lớp 3,7,10 đều tăng cao so với chương trình hiện hành.
Giá SGK tăng gấp đôi so với chương trình hiện hành
NXB Giáo dục Việt Nam vừa thông báo chính thức giá bìa các bộ SGK được đưa vào nhà trường từ năm học 2022-2023 cụ thể như sau: Bộ sách giáo khoa lớp 3 có giá từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh).
Bộ SGK lớp 7 có giá từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); bộ SGK lớp 10 có giá từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn). Theo NXB Giáo dục Việt Nam, giá của đơn vị này thấp hơn trung bình 20% so với giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác.
Tuy nhiên, thực tế, với mức giá sách giáo khoa này, phụ huynh học sinh sẽ bị phụ trội mức chi 2 tới 3 lần để mua sách cho con trong năm học mới. Cụ thể, giá SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá SGK mới công bố là hơn 180.000 đồng/bộ. Giá bộ SGK lớp 7 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh có giá bìa là gần 120.000 đồng/bộ thì bộ SGK mới cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh là gần 210.000 đồng/bộ.
Với lớp 10, giá bộ SGK áp dụng từ năm học mới tăng gần gấp đôi. Cụ thể, giá của bộ SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học được niêm yết là 164.000 đồng. Dù giá SGK mới tăng mạnh, nhưng trong thông cáo báo chí ngày 27.4 về giá sách lớp 3, lớp 7, lớp 10, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn khẳng định: "Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhà xuất bản đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán sách giáo khoa phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học".
Phụ huynh băn khoăn từ giá tiền cho tới chất lượng
Ngay sau khi thông tin về giá SGK đã tăng cao so với chương trình, anh Nguyễn Thành Chung (Cầu Giấy) đang có con học tại trường tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm học tới con gái anh lên lớp 3 sẽ sử dụng và học chương trình Giáo dục phổ thông mới được Bộ GD-ĐT giới thiệu theo hướng tin gọn, đảm bảo chất lượng. "Tuy nhiên dù là đã có buổi giới thiệu sách nhưng đa số phụ huynh như chúng tôi chưa được tham dự, tôi chỉ biết bộ sách sắp tới con tôi học thì số lượng trang sách không tăng lên. Không biết Bộ GD-ĐT có tinh giản, hay gộp các bài học cho các cháu lại nhưng nhưng cần phải cân đối, tiết kiệm vì chi phí sinh hoạt đã đắt đỏ. Con cái đứa nhỏ, đứa lớn cũng cần chi tiêu, giờ đến giá SGK cũng tăng cao thì khá áp lực cho gia đình dù có điều kiện kinh tế ở mức trung bình chứ chưa nói ở mức độ thấp hơn. Giá tăng cao là thế nhưng không biết chất lượng như thế nào hay chỉ thêm hình vẽ, tăng chất lượng giấy rồi gộp các bài lại với nhau khiến học sinh học nặng hơn chứ chưa nói đến chuyện tinh giản việc học".
Cũng có nhiều phụ huynh nên ý kiến NXB nên giảm giá sách vì những gia đình ở các vùng nông thôn hay khó khăn sẽ khó có khả năng nếu giá sách tăng cao một cách đột ngột, gần gấp 3 lần so với giá cũ. Trao đổi với phóng viên, một giáo viên tại một trường tiểu học tại quận Đống Đa cho biết chị vừa là giáo viên nhưng cũng vừa là phụ huynh của 2 cháu, một cháu lớp 3 và 1 cháu lớp 7. "Với đồng lương giáo viên eo hẹp thì việc tăng giá sách cho năm học tới cũng sẽ khiến gia đình tôi thắt chặt chi tiêu hơn. Tuy nhiên chúng tôi chỉ băn khoăn về chất lượng cũng như cách trình bày trong sách. Tôi đã cùng đồng nghiệp tham dự buổi giới thiệu sách của NXB Giáo dục trước đó. Tôi thấy rằng đúng là chương trình có rút gọn hơn các bài học, tuy nhiên lại với thời lượng ngắn khi giảng dạy 40 phút, gần như học sinh phải tập trung hoàn toàn mới hiểu được các nội dung ở bài giảng. Cũng khó có thời gian hỏi lại bài. Nên cách soạn bài giảng trước khi lên lớp chúng tôi cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp hơn với chương trình Giáo dục phổ thông mới".
Để giảm bớt gánh lo cho các gia đình đầu năm học mới, thiết nghĩ các NXB cần điều chỉnh lại giá SGK, các đơn vị biên soạn sách cũng nên có cơ chế tặng sách cho các gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc. Và nên chăng các Sở GD-ĐT hoặc các NXB cũng nên xây dựng cơ chế trợ giá để giảm bớt áp lực cho phụ huynh và đảm bảo cho mọi học sinh đều được tiếp cận những bộ SGK tốt nhất, chất lượng nhất.