Các công ty xây dựng và hộ gia đình xây nhà đang méo mặt bởi giá thép xây dựng tăng phi mã, có lúc lên tới 20 triệu đồng/tấn, trong khi cuối năm ngoái chỉ ở mức 13 - 14 triệu đồng/tấn.

Giá thép tăng chóng mặt khiến người xây nhà 'méo mặt'

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 03/05/2021, 08:00

Các công ty xây dựng và hộ gia đình xây nhà đang méo mặt bởi giá thép xây dựng tăng phi mã, có lúc lên tới 20 triệu đồng/tấn, trong khi cuối năm ngoái chỉ ở mức 13 - 14 triệu đồng/tấn.

Lao đao vì giá thép

Gia đình chị Thanh Huyền ở phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên xây nhà từ đầu tháng 4 vừa qua, giờ là đến giai đoạn đổ trần nên cần một khối lượng lớn thép. Tuy nhiên, giá thép thời điểm này tăng quá cao lên đến 20 triệu đồng/tấn nên chị vẫn chần chừ đặt mua ít một để chờ giá thép hạ nhiệt.

"Trong tháng 2 và đầu tháng 3, giá thép xây dựng đã tăng lên khoảng hơn 15 triệu đồng/tấn, giờ tăng vọt lên 20 triệu đồng/tấn. Lúc hai vợ chồng mình lên kế hoạch về tài chính từng mục cho việc xây nhà thì chỉ tính giá thép ở mức khoảng 15 - 16 triệu đồng/tấn, giờ tiền cũng chỉ đủ cho các loại vật liệu khác nên cũng không còn dư để mua thép. Giờ tính đi tính lại cũng không thể chần chừ đợi vì thợ chờ nên họ giục suốt. Hai vợ chồng chắc phải tính đến phương án đi vay thêm để bù vào tiền giá thép tăng chênh lệch so với dự tính ban đầu", chị Huyền buồn bã nói.

181574852_476480226798421_850283366378422194_n(1).jpg
Giá thép tăng phi mã thời gian gần đây khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó - Ảnh: T.N

Cùng cảnh ngộ với chị Huyền, gia đình anh Đông ở phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào cũng đang xây nhà, đến lúc đổ trần tầng 4 và 5 thì phải chịu mức giá thép lên tới 20 triệu đồng/tấn. Nhà anh bắt đầu đào móng và xây từ tháng 3, thời điểm đó giá thép khoảng 18 triệu đồng/tấn.

"May quá lúc đó tôi đặt mua luôn 50 triệu đồng nên cũng đỡ được phần nào, chứ làm đến đâu mua đến đấy thì bây giờ cũng vỡ mặt vì giá thép tăng cao quá, chênh so với dự tính ban đầu của tôi rất nhiều. Giờ còn tầng 4 và 5 cũng phải tính đi vay họ hàng thêm để bù vào phần chênh này. Giờ đắt cũng phải mua chứ không hoãn xây nhà được", anh Đông cho hay.

Tháng 3 và 4 thường là thời điểm các gia đình chọn xây nhà. Vào lúc này, giá mặt hàng thép xây dựng luôn nhỉnh hơn so với các tháng khác. Tuy nhiên, năm nay giá lại tăng phi mã, bất chấp. Những hộ khá giả thì lo ít, gia đình kinh tế hạn hẹp mới thực sự lao đao vì giá tăng cao ngất ngưởng so với dự tính ban đầu.

Những ngày qua, nhiều nhà thầu và doanh nghiệp xây dựng trong nước đứng trước nguy cơ phá sản vì giá thép tăng liên tục từ cuối năm 2020 đến nay và vào chu kỳ tăng phi mã từ cuối tháng 3 đến nay. Hiện giá bán mỗi tấn thép xây dựng đã tăng khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2020. Ví dụ, thép phi 6mm hiện có giá từ 19 - 20 triệu đồng/tấn, trong khi cuối năm ngoái là khoảng 13 - 14 triệu đồng/tấn.

Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết hiện các nhà thầu đều gặp khó hơn bao giờ hết vì nhiều chủ đầu tư chỉ sử dụng loại hợp đồng có đơn giá cố định, không điều chỉnh ở thời điểm ký nên không ít nhà thầu và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ trận. Trước tình trạng này, VACC đề nghị cơ quan quản lý kiểm tra nguyên nhân giá thép tăng.

Giá thép sẽ tăng phi mã đến hết quý 3/2021?

Hiện mỗi tấn thép Hòa Phát được báo tăng lên mức 16,5 - 17 triệu đồng/tấn tùy loại, thép Việt Đức ở ngưỡng 16,5 - 16,8 triệu đồng/tấn, thép miền Nam có giá từ 16,9 - 17 triệu đồng/tấn, thép Pomina tăng thêm hơn 300.000 đồng/tấn từ ngày 22.4, lên 17,2 - 17,4 triệu đồng/tấn tùy loại....

182214724_2915923842025463_8959159387774442088_n.jpg
Giá thép tăng phi mã thời gian gần đây khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó - Ảnh: T.N

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết những dự báo trước đó cho rằng giá thép chỉ tăng tối đa đến hết quý 2/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đã thay đổi, nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý 3/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác. Trong nước, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép quý 1/2021 tăng khá cao so với những nhận định trước đó.

Theo VSA, giá thép tăng mạnh thời gian qua do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, một nguyên nhân khác là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phúc tạp cũng khiến thời gian giao hàng kéo dài, khiến giá thép tăng mạnh. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng thời gian dài sẽ phụ thuộc vào quan hệ cung cầu.

Trong quý 1/2021, cả nước sản xuất được hơn 7,6 triệu tấn thép các loại, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng bán ra đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng 34,7% so với cùng kỳ, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1,63 triệu tấn, tăng 59,5% so với quý 1/2020.

Bài liên quan
Nhập khẩu tăng, giá thép giảm 200 - 500 đồng/kg
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8, giá thép bán ra thị trường được điều chỉnh giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, ở miền Bắc, giá thép giảm 200-500 đồng/kg. Giá thép xây dựng bán lẻ dao động phổ biến ở mức 14.000 - 14.800 đồng/kg. Trong khi đó, miền Nam dao động ở mức 14.200 -14.900 đồng/kg.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá thép tăng chóng mặt khiến người xây nhà 'méo mặt'