Các chuyên gia cho rằng giá vàng SJC hiện nay "một mình một chợ" là rất bất hợp lý. Do vậy, việc quản lý kinh doanh vàng cần phải thay đổi.
Thị trường và chính sách

Giá vàng SJC 'một mình một chợ' và công điện kịp thời của Thủ tướng

Hoài Lam 26/01/2024 12:16

Các chuyên gia cho rằng giá vàng SJC hiện nay "một mình một chợ" là rất bất hợp lý. Do vậy, việc quản lý kinh doanh vàng cần phải thay đổi.

Ngân hàng trung ương các nước không quản lý kinh doanh vàng

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế, vàng là một loại hàng hóa. Quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất.

Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường.

Trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt loại vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh.

“Các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Ngân hàng nhà nước chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Các ngân hàng trung ương ở các nước chỉ có vai trò điều phối vàng, coi nó như một tài sản để dự trữ quốc gia”, ông Hùng nói.

Chính vì thế, vai trò như là ngân hàng trung ương trong Nghị định 24 phát huy trong thời điểm mà thị trường vàng có những lộn xộn. Đến bây giờ, bối cảnh đã khác, nếu Việt Nam vẫn duy trì việc độc quyền vàng thương hiệu SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng. Vì thế, phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay.

the-hung.jpeg
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TPBank cho hay không chỉ giá vàng mà giá các mặt hàng khác ở những thời điểm nhạy cảm đều có sự biến động.

Ví dụ, năm ngoái, khi mà Nga - Ukraine xảy ra chiến sự thì giá niken trên thế giới đã tăng gấp đôi và sàn giao dịch phải đóng cửa. Cũng như vàng, nó cũng bị tác động bởi tâm lý, cũng như bị tác động bởi các yếu tố chính trị, các yếu tố vĩ mô và các yếu tố mang tính chất tác động đến lạm phát.

“Chúng ta không thể loại trừ một thực tại rằng giá vàng trên thế giới là thứ mà chúng ta không thể can thiệp được, nhưng chúng ta phải hiểu rằng giá vàng trên thế giới cũng có những yếu tố bong bóng. Trong cùng một thời điểm, đôi khi chúng ta không thể lý giải yếu tố cơ bản nào khiến vì sao trong một ngày giá vàng "chạy" từ 100 đến 200 USD, sau đó lại quay trở lại. Đó là yếu tố bong bóng do tác động của tâm lý”, ông Việt Anh nêu.

Đại diện TPBank khuyến cáo người dân không nên vội vã khi ra những quyết định lúc giá đang "chạy" mạnh, vì mọi người thường hay chạy theo tâm lý FOMO, nghĩa là nếu mình không mua ở thời điểm này thì giá lại tăng cao nữa thì sao.

Giá vàng kiểu “một mình một chợ”

Ông Nguyễn Việt Anh cũng đánh giá vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện 1426 là một chính sách kịp thời.

“Vấn đề cần phải hiểu là hàm lượng vàng của một lượng vàng không thay đổi, giá trị vàng trên thế giới có tăng nhưng không tăng quá nhiều, vậy cơ sở nào mà chúng ta tăng lên đến 10% được. Ở đây là câu chuyện sự kỳ vọng quá lớn và có tâm lý "bầy đàn" về việc lo ngại giá vàng sẽ tăng cao trong thời kỳ tiếp theo. Khi công điện của Thủ tướng được ban hành, giá vàng đã tụt ngay lập tức”, ông Việt Anh nói.

viet-anh.jpeg
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TPBank

Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt cũng đánh giá công điện 1426 của Thủ tướng Chính phủ vừa qua rất đúng lúc, nhất là trong lúc thị trường vàng trong nước so với thị trường vàng quốc tế có sự biến động rất mạnh về giá.

“Tôi nhớ buổi sáng hôm đó, giá vàng SJC lên tới mức đỉnh cao kỷ lục so với từ trước đến nay, bán ra khoảng 80 triệu đồng/lượng. Công điện đã chỉ rõ, trong thời gian qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ, cũng như tâm lý xã hội”, ông Đạt nói.

Chuyên gia Đạt cho biết công điện nhấn mạnh cần khẩn trương thực hiện ngay cách giải pháp để bình ổn thị trường vàng; có các giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và trên thế giới ở mức cao như trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, công điện cũng có một nội dung rất quan trọng là cần khẩn trương xem xét lại Nghị định 24 ra đời năm 2012 so với bối cảnh bây giờ đã rất khác nhiều, để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

Theo ông Đạt, trong, trước và sau Nghị định 24, ở Việt Nam có hai dạng chênh lệch giá vàng. Trước hết là chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu 24K (tức là vàng 9999) với giá vàng thế giới và chênh lệch giữa giá vàng SJC so với giá vàng 9999.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, giá vàng nguyên liệu 24K của chúng ta so với giá vàng thế giới không có chênh lệch nhiều. Sự không chênh lệch này diễn ra suốt 12 năm vừa qua (khi Nghị định 24 ban hành đến nay).

Ví dụ, giá vàng thế giới đang ở khoảng 2.030 USD/ounce, không kể thuế và phí thì tương đương mức giá vàng ở trong nước vào khoảng 62 triệu đồng/lượng. Giá vàng 24K của Việt Nam, tính cả thuế và phí nữa, sẽ ở mức 64 - 65 triệu đồng/lượng. Tôi nghĩ đây là một mức giá hợp lý.

“Vấn đề đáng nói là việc chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC là quá cao, và như các nhà kinh tế cũng như báo chí thường nói, giá vàng SJC hiện nay "một mình một chợ". Lúc giá vàng SJC lên đỉnh điểm 80 triệu thì mức chênh lệch khoảng 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Đây là một điều rất bất hợp lý”, ông Đạt nêu.

Như vậy, vị chuyên gia nêu quan điểm rằng điều hành theo cơ chế thị trường thì cần phải làm cho cung - cầu gần nhau theo hướng không chênh lệch giữa giá vàng thế giới so với giá vàng trong nước.

"Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải độc quyền vàng miếng SJC thì cần gia tăng Quỹ dự trữ vàng và sẵn sàng tăng cung vàng miếng một khi giá vàng SJC cao hơn bất thường so với giá vàng thế giới để bình ổn giá", ông Đạt nêu.

Bài liên quan
Giá vàng đứng ở mức rất cao, chênh lệch mua-bán lớn
Sáng nay (29.4), giá vàng miếng SJC vẫn duy trì mức cao trên 85 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn trên 76 triệu đồng/lượng. Dù giá cao nhưng người mua vẫn lỗ nặng vì chênh lệch mua vào - bán ra lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá vàng SJC 'một mình một chợ' và công điện kịp thời của Thủ tướng