Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo PVN, EVN giải quyết dứt điểm việc thiếu điện ngay trong tháng 6 năm nay.
Thường trực Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tập trung triển khai Quy hoạch điện 8, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy Điện Quảng Trạch 2; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc; phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công Thương trong tháng 6.2023.
“Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở; cơ chế mua bán điện trực tiếp (hoàn thành trong tháng 7.2023)”, văn bản nêu.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong tham gia thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6.2023; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xử lý các vướng mắc phát sinh.
Các chuyên gia cho rằng việc cung ứng điện đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Việc cắt điện luân phiên thời gian vừa qua ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động xã hội, từ sản xuất cho đến tiêu dùng. Một số nguyên nhân có thể kể đến là thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước ở các nhà máy thủy điện giảm thấp khiến khả năng phát điện sụt giảm, một số nhà máy nhiệt điện gặp sự cố, không thể vận hành bình thường…
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 10.6, đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương đã triển khai công tác thanh tra chuyên ngành tại EVN và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý và cung ứng điện, những hoạt động trong thời gian từ ngày 1.1.2021 - 1.6.2023.
Đoàn thanh tra chuyên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị: Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và than. Công tác thanh tra diễn ra trong 30 ngày, gồm cả ngày nghỉ.
Tại hội thảo chuyên đề về xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa diễn ra, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường cũng nêu vấn đề làm thế nào để vừa thực hiện chuyển dịch năng lượng, vừa tránh các rủi ro về mất an toàn cung cấp năng lượng trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng đột biến do xung đột chính trị hay thời tiết cực đoan.
"Chúng ta cũng biết vấn đề thiếu điện ở miền Bắc trong tháng 5 tháng 6 gần đây đã được cảnh báo trước, nhưng để đưa vào được nguồn điện mới thì ít nhất phải 3 - 4 năm, thậm chí còn lâu hơn. Do đó, đảm bảo an ninh năng lượng là việc phải chuẩn bị làm rất sớm", ông Tuấn nêu.
Liên quan tới phát triển điện gió, điện mặt trời, ông Tuấn cho biết, công nghệ thiết bị điện mặt trời đang phát triển nhanh và xu thế giá rẻ. Tuy nhiên, cần phải rút kinh nghiệm từ những hệ lụy trong quản lý đầu tư thời gian vừa qua để nguồn điện này không chỉ sản xuất tự sản tự tiêu mà vẫn khuyến khích hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, song cũng không ảnh hưởng xấu tới lưới điện.