Cách để các đội bóng miền Tây thoát khỏi "vòng quay" của bóng đá chuyên nghiệp chính là như HLV Phan Thanh Bình chia sẻ: Dùng cầu thủ trẻ tỉnh nhà và rèn quân ở các giải trẻ như U.19, U.21.

Giải U.21 quốc gia: Con đường tất yếu để vực lại bóng đá miền Tây

Anh Tú | 05/09/2023, 12:00

Cách để các đội bóng miền Tây thoát khỏi "vòng quay" của bóng đá chuyên nghiệp chính là như HLV Phan Thanh Bình chia sẻ: Dùng cầu thủ trẻ tỉnh nhà và rèn quân ở các giải trẻ như U.19, U.21.

dong-thap(1).jpg
Đồng Tháp vô địch giải U.19 Quốc gia 2018 do Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông Thanh Niên tổ chức

Trong tháng 8 vừa qua, bóng đá ĐBSCL có một sự kiện rất vui. Đó là Đồng Tháp giành quyền thăng hạng lên chơi bóng đá chuyên nghiệp trở lại. Với thành tích bất bại 12 trận vòng bảng và thắng tại trận tranh vé lên chơi V-League 2 hay giải hạng Nhất, Đồng Tháp đang đi đúng hướng trong quá trình trở về mái nhà xưa.

Lý giải về chiến thắng và thành công của Đồng Tháp, HLV Phan Thanh Bình cho rằng đó là nhờ nội lực với các cầu thủ trẻ được trui rèn qua các giải trẻ như U.19 và U.21 do Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông Thanh Niên tổ chức.

HLV Phan Thanh Bình cho biết: "Khi được giao nắm đội, chúng tôi muốn CLB Đồng Tháp là tập thể những người con trưởng thành từ chính tại quê hương mình. Đối với cầu thủ, tôi sử dụng đa số đều là những gương mặt trẻ người Đồng Tháp lứa U.19 và U.21 đã nhiều năm thi đấu ở giải U.21 và U.19 quốc gia do Tập đoàn truyền thông Thanh Niên tổ chức.

Phải nói là nhờ 2 giải đấu này, các em vốn có nền tảng đào tạo tốt đã trưởng thành nhanh. Những thành tích như vô địch U.19 năm 2018 hay hạng ba U.21 năm 2020 thực sự là động lực giúp cho bóng đá Đồng Tháp từng bước tìm lại chính mình. Ngoài những em trẻ, các cầu thủ đã có kinh nghiệm thi đấu V-League hay giải hạng nhất đã đồng hành, hỗ trợ đàn em trong quá trình thi đấu".

Những điều HLV Phan Thanh Bình chia sẻ đó thực sự là những lời gan ruột. Bóng đá Đồng Tháp từng là điểm sáng trên bản đồ bóng đá Việt Nam khi vô địch quốc gia năm 1996, nhưng khi bóng đá bước sang chuyên nghiệp thì Đồng Tháp đã không thể trở mình do khó khăn tài chính.

Sau khi kết thúc giải hạng Nhất 2014, các nhà tài trợ của CLB thông báo rằng sẽ không tiếp tục tài trợ nữa. Do không đủ kinh phí nên mặc dù giành quyền lên chơi tại V.League 1 2015, Đồng Tháp buộc phải suy tính đến quyết định giải thể đội bóng. Thời điểm đó, dù có các doanh nghiệp nhảy vào ứng cứu nhưng Đồng Tháp vẫn xuống hạng năm 2016 khi xếp chót bảng V-League với vỏn vẹn 8 điểm sau 26 trận.

Mùa 2017, Đồng Tháp suýt rớt tiếp khỏi giải hạng Nhất khi xếp 7/7 với 7 điểm sau 12 trận nhưng may mắn thắng trận play-off. Tuy nhiên, đến mùa giải 2020 thì họ không gặp may mắn nữa khi Đồng Tháp xếp chót giải hạng Nhất cả 2 giai đoạn và xuống hạng tiếp.

Sự sa sút của bóng đá Đồng Tháp trong guồng quay bóng đá chuyên nghiệp là không tránh khỏi khi họ không đủ tiền để giữ chân những tài năng trong đội chứ chưa nói gì đến việc chiêu mộ những cầu thủ xuất sắc nhất.

Do vậy, cách duy nhất để cho bóng đá Đồng Tháp vực dậy chính là cách như Phan Thanh Bình chia sẻ: “Dùng những gương mặt trẻ người Đồng Tháp lứa U.19 và U.21 đã nhiều năm thi đấu ở giải U.21 và U.19 quốc gia do Tập đoàn truyền thông Thanh Niên tổ chức”.

Cách làm đi từ căn cơ của Đồng Tháp đang được một số tỉnh ĐBSCL áp dụng, chẳng hạn như Cần Thơ. Tại mùa giải hạng Nhất năm ngoái, đội Cần Thơ giành quyền trụ hạng với vị trí thứ tám trên bảng xếp hạng chung cuộc. Tuy nhiên, vào hồi đầu năm nay, ngành thể thao Cần Thơ đã quyết định cử đội không tham gia giải hạng Nhất quốc gia 2023. Nguyên do là bóng đá Cần Thơ không tìm được nhà tài trợ lâu dài cho đội bóng.

Sau nhiều năm đầu tư mua sắm cầu thủ và thuê HLV từ địa phương khác trong khi nguồn lực cầu thủ kế thừa bị hụt, phải gắng gồng thêm 4 mùa giải hạng Nhất, đội Cần Thơ gần như đã giải tán ngay sau trận đấu cuối cùng mùa giải 2022.

Từ sau khi Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ không còn đầu tư cho bóng đá từ năm 2019 (đội Cần Thơ rớt hạng khỏi V.League mùa giải 2018), thì đội Cần Thơ cũng rơi vào cảnh “ăn đong” từng mùa, với các nhà tài trợ lần lượt đến rồi đi. Tuy nhiên, bỏ dự giải hạng Nhất không có nghĩa là Cần Thơ thôi bóng đá. Việc chạy theo bóng đá kiểu nhà giàu không còn phù hợp. Giờ đây, bóng đá Tây Đô phải làm lại từ đầu với tính toán căn cơ hơn.

Bóng đá Cần Thơ sẽ làm lại từ các tuyến trẻ và sẽ tham dự giải hạng Ba tới. Khi nào có đủ tiềm lực sẽ trở lại với bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng giải hạng Ba thì chỉ tập trung đá đúng 1 tháng (thường là tháng 10) nên các cầu thủ trẻ Cần Thơ cần có thêm môi trường rèn luyện.

Chính những sân chơi như giải U.19 và đặc biệt là U.21 quốc gia đã giúp các cầu thủ trẻ trường thành. Nếu làm tốt công tác đào tạo trẻ, bóng đá Cần Thơ sẽ có thể gặt hái thành công như Đồng Tháp.

Không theo nổi bóng đá chuyên nghiệp nếu theo hướng chạy đua tài chính, nhiều đội bóng ở ĐBSCL đã phải rời cuộc chơi đỉnh cao. Kiên Giang từng có đại diện dự V-League năm 2012 và 2013 với tên Kienlongbank Kiên Giang. Đến năm 2014, Kiên Giang do thiếu kinh phí nên đã xin rút khỏi bóng đá chuyên nghiệp khiến đội bóng đã giải thể.

Năm ngoái, bóng đá Kiên Giang làm lại từ đầu với Dugong Kiên Giang dự giải hạng Ba. Với nòng cốt là các cầu thủ trẻ tỉnh nhà được trui rèn ở giải U.19 và U.21, Dugong Kiên Giang đã giành quyền lên chơi tại giải hạng Nhì 2023.

Hay An Giang cũng là một điển hình khác ở bóng đá ĐBSCL. An Giang từ liên tục có mặt ở giải cao nhất của bóng đá Việt Nam nhưng trượt dần vì vấn đề tài chính. Sau nhiều thăng trầm, mùa giải 2018 An Giang đã giành suất lên chơi tại giải hạng Nhất quốc gia.

Nhưng đến năm 2022, An Giang do thiếu kinh phí nên đã phải giải thể. Mới đây, đội bóng được tái thành lập sau đó để tham dự giải hạng Ba 2022 với lực lượng là các cầu thủ trẻ do tỉnh tự đào tạo từng đoạt hạng 3 giải U.19 quốc gia năm 2021.

Ngay cả Long An, thế lực của bóng đá Việt Nam cách đây 2 thập niên cũng không ngoại lệ trong guồng quay bóng đá chuyên nghiệp và đang chơi ở giải hạng Nhất. Tuy nhiên Long An vẫn có đội trẻ đang dự giải hạng Ba để ươm tài năng phục vụ cho giấc mơ thăng hạng.

Có thể thấy các đội bóng ĐBSCL đều có con đường đi khá giống nhau. Khi không trụ nổi cuộc đua kim tiền của bóng đá chuyên nghiệp thì cách để họ thoát khỏi "vòng quay" của bóng đá chuyên nghiệp chính là như HLV Phan Thanh Bình đúc kết: Dùng cầu thủ trẻ tình nhà và rèn quân ở các giải trẻ như U.19, U.21.

Từ những giải trẻ như U.19 và U.21, các cầu thủ sẽ được tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành nhanh và giúp CLB đạt thứ hạng tốt ở giải VĐQG. Cách làm như vậy vừa miếng với các đội bóng ĐBSCL vốn không có nhiều nguồn lực tài chính nhưng lại là nơi sẵn nhiều tài năng.

Tất nhiên, khi các cầu thủ trẻ trưởng thành sẽ tìm đến những CLB nhiều tham vọng hơn thì điều đó sẽ tốt cho chính họ và bóng đá Việt Nam, đồng thời điều đó lại mở cửa để cho các tài năng trẻ khác trám vào. Kiên trì như vậy, bóng đá ĐBSCL sẽ lại có nhiều đại diện tại V-League, đội tuyển sẽ có nhiều tuyển thủ từ các đội miền Tây như Trần Công Minh, Phan Văn Tài Em, Nhan Thiện Nhân... như trước đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải U.21 quốc gia: Con đường tất yếu để vực lại bóng đá miền Tây