Trung tuần tháng 12, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo”.
Khoa học - công nghệ

Giảm phát thải trong nông nghiệp - Bài cuối: Việt Nam phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp xanh

Văn Kim Khanh 22/12/2023 06:40

Trung tuần tháng 12, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo”.

Khoa học công nghệ đóng góp vào thành tựu sản xuất lúa gạo

Tại hội thảo này, ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - cho biết, đây là dịp để kết nối những quốc gia trợ giúp với những quốc gia cần hỗ trợ việc giảm phát thải trong nông nghiệp; là dịp để các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lắng nghe, thấu hiểu và bàn bạc cách làm. Hội thảo cũng là dịp thông tin về chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư về tài chính để xây dựng hệ sinh thái chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo xanh, sạch và bền vững.

"Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong đó, phải kể đến đóng góp lớn của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành hàng lúa gạo. Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam đã làm chủ công nghệ và chọn tạo được bộ giống lúa đa dạng, phong phú, phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu cụ thể, rất hiệu quả”, ông Hoàng Trung nói.

che-bien-gao-xuat-khau-o-can-tho-nam-son.jpg
Gạo xuất khẩu ngày càng phải đảm bảo độ ngon và an toàn thực phẩm - Ảnh: Văn Kim Khanh

Cũng theo ông Hoàng Trung, Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu, để giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Thời gian tới, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực phát triển cho ngành hàng lúa gạo, việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo là điều tất yếu, quan trọng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong ngành lúa gạo tại Việt Nam và trên thế giới, gồm: quy trình canh tác tiên tiến thích ứng biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính; giảm vật tư đầu vào hệ thống canh tác tối ưu thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu; giống mới kháng sâu bệnh, chống chịu hạn, mặn, năng suất, chất lượng, phát thải thấp và đáp ứng thị trường; cơ giới hóa trong quá trình sản xuất đồng bộ và phù hợp chuỗi giá trị; giảm tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch; các công nghệ tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo...

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng: "Cần tập trung nghiên cứu giống lúa mới giúp nâng cao năng suất và khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện không thuận lợi của môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, chú ý đến các giải pháp kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa gạo cho từng vùng sinh thái ở Việt Nam".

Giám đốc phục trách vùng châu Á thuộc Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), TS Jongsoo Shin cho biết: “IRRI luôn định hướng nghiên cứu tập trung vào những vấn đề mang tính giải pháp, vượt qua những thách thức, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trên thế giới. IRRI tập trung cung cấp giống mới, có giá trị cao, đề cao vấn đề dinh dưỡng trong lúa gạo; giảm phát thải trong quá trình canh tác lúa gạo; nâng cao năng lực khuyến nông, hỗ trợ phát triển khuyến nông điện tử với nguồn hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới..."

Vẫn còn nhiều thách thức

Trao đổi với ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long về nông nghiệp xanh và cơ giới hóa, ông cho biết: “Tại Vĩnh Long hiện nay mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ước đạt hơn 90%, từ khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch, chuyên chở, sấy lúa. Trước đây có máy cày, máy xới, máy gặt nay có thiết bị bay phục vụ nông nghiệp từ khâu gieo sạ, phun thuốc trừ sâu…"

rom-ra-6.jpg
Thu nhập của nông dân năm 2023 tăng cao nhờ xuất khẩu gạo giá tốt - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tuy nhiên, khi bắt đầu quy trình sản xuất nông nghiệp xanh theo tiêu chuẩn giảm phát thải, an toàn thực phẩm phải bắt đầu từ quy trình đổi mới. Trước tiên năm 2024 phải có quy định, chính sách từ Chính phủ thông qua Bộ NN-PTNT trong việc canh tác nông nghiệp xanh. Những gì thuộc về quy định, quy chuẩn để nông dân tuân thủ, những chế độ chính sách và ưu đãi gì để nông dân họ hưởng ứng. Việc làm này sẽ đem lại cho nông dân tăng thu nhập, nông dân phải được hưởng lợi từ đổi mới sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng giảm phát thải.

Ông Dãnh cũng nêu lên những khó khăn mà nông dân Vĩnh Long cũng như ĐBSCL vừa qua gặp khó: "Diện tích đất trong vùng phần lớn manh mún; tâm lý nông dân cần phải chuyển biến trong sản xuất theo hướng giảm phát; trình độ học vấn và tuổi tác nông dân cũng là một trở ngại. Thời gian qua nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhưng khi bán lại bán theo giá lúa thường, vì đâu là nơi thu mua, đâu là chứng nhận?".

gpt-12.jpg
Thiết bị bay phục vụ nông nghiệp - Ảnh: Văn Kim Khanh

Trong khi đó, ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho rằng: "Những thách thức gây ra do biến đổi khí hậu, thói quen canh tác không bền vững, thiên tai... đang là những thách thức cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, tỉnh Trà Vinh cùng các tỉnh trong khu vực rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế để thực hiện các giải pháp".

Dự án "Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển ĐBSCL, Việt Nam" (STAR - FARM (*)) sẽ là cơ hội để tỉnh đúc kết những kinh nghiệm xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái, thông minh, giảm phát thải, bền vững, kiểm soát các yếu tố ngoại cảnh và phát triển nông nghiệp dựa trên chuỗi giá trị, từ đó nhân rộng ra khu vực ĐBSCL.

lua-2.jpg
Việt Nam đang phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp xanh - Ảnh: Văn Kim Khanh

STAR - FARM nhằm tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi các hệ thống lương thực thông minh với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và các tác động bên ngoài khác.

lua-giong-viet-nam.jpg
Các giống lúa Việt Nam - Ảnh: Văn Kim Khanh

Giảm phát thải trong nông nghiệp là quá trình cải thiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm các phản hồi khí thải và phân bón trên đất. Nông dân sử dụng phân bón hữu cơ thay vì phân bón hóa học; sử dụng thiết bị nông nghiệp thông minh quản lý được quá trình sản xuất, giảm thiểu lượng phân bón và chất thải sinh ra.

Nông dân sử dụng kỹ thuật canh tác mới có thể giúp tiết kiệm nước và giảm lượng phân bón; tăng sản lượng cây trồng và giảm thiểu lượng phân bón và phát thải; các chất thải nông nghiệp có thể được tái sử dụng trong quá trình sản xuất. Quản lý và giám sát đúng đắn các hoạt động nông nghiệp có thể giúp giảm thiểu phát thải và tác động tiêu cực lên môi trường.

(*) STAR - FARM do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, cơ quan chủ quản dự án là Bộ NN-PTNT. Dự án được thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh trong 48 tháng với tổng nguồn vốn là trên 107,6 tỉ đồng.

>>Giảm phát thải trong nông nghiệp - Bài 1: Đồng loạt triển khai nhiều chương trình lớn, cụ thể

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
34 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm phát thải trong nông nghiệp - Bài cuối: Việt Nam phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp xanh