Trang Interesting Engineering đưa tin hải quân cùng không quân Mỹ vừa đặt hàng Raytheon phát triển hệ thống năng lượng vi sóng cơ động dùng cho nhiệm vụ phòng không.
Hợp đồng đặt hàng thời hạn 3 năm có giá trị 31,3 triệu USD, thuộc khuôn khổ chương trình DEFEND. RTX (công ty mẹ của Raytheon) thông báo: “Raytheon sẽ thiết kế, chế tạo và thử nghiệm hai ăng ten năng lượng vi sóng định hướng công suất cao cho Lầu Năm Góc”.
Cũng theo RTX, dự kiến hệ thống được thiết kế cơ động nhưng vẫn chắc chắn đảm bảo dễ dàng triển khai ra tiền tuyến khi cần thiết.
Chủ tịch công nghệ của Raytheon Colin Whelan tuyên bố: “Hệ thống phòng thủ phi động học đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ quốc gia của Mỹ. Các phiên bản mới của hệ thống vi sóng công suất cao mà chúng tôi phát triển là giải pháp đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí, hoạt động ở tốc độ ánh sáng, cho phép binh sĩ chống lại mối đe dọa nhanh hơn, linh hoạt hơn”.
Raytheon đi đầu trong ứng dụng vi sóng công suất cao (HPM) suốt 8 thập niên qua. Loạt hệ thống mới đáng chú ý của đơn vị này gồm có CHIMERA chuyên bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách xa, Phaser cùng THOR đối phó mục tiêu khoảng cách gần. Dựa vào công nghệ ống chân không để tạo ra công suất bức xạ đủ mạnh, tất cả đều khá lớn nên chỉ phù hợp đặt cố định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ căn cứ quân sự. Nhiều khả năng ăng ten mà hải quân cùng không quân Mỹ đặt hàng sẽ hoàn toàn khác biệt.
So với vũ khí động học và phi động học khác, vũ khí HPM bắn nhanh hơn đồng thời bắn được nhiều phát trong thời gian ngắn, khiến mục tiêu giảm hiệu suất, hư hỏng linh kiện điện tử hay thậm chí bị phá hủy.
Vũ khí HPM thường sử dụng tần số vô tuyến (RF) và năng lượng vi sóng để phá vỡ bộ xử lý cùng một số thành phần khác của mục tiêu. Chùm tia năng lượng có thể được khuếch tán bao phủ khu vực rộng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc, hoặc được thu hẹp thành tia nhỏ nhắm vào một mục tiêu riêng lẻ. Dự kiến đến năm tài khóa 2024 hoặc 2026 Raytheon sẽ bàn giao nguyên mẫu hệ thống cho không quân và hải quân Mỹ.
Tiềm năng sử dụng vũ khí HPM được chú ý đến khi Nga sử dụng máy bay không người lái (UAV) theo chiến thuật “bầy đàn” trong cuộc chiến tại Ukraine gây thiệt hại lớn cho công trình dân sự ở hậu phương lẫn lực lượng ngoài tiền tuyến. Số lượng lớn UAV tấn công cùng một lúc làm tăng rủi ro có máy bay thành công vượt qua loạt hệ thống phòng không phương Tây viện trợ và đánh trúng mục tiêu. Hơn nữa sử dụng tên lửa phòng không đắt tiền bắn hạ UAV giá rẻ quá tốn kém.