Nhật Bản có khu phố đèn đỏ, có nền công nghiệp sản xuất phim người lớn. Tưởng rằng họ thoáng trong vấn đề Giáo dục giới tính nhưng hóa ra không phải.

Giáo dục giới tính ở Nhật: Tưởng thoáng mà lại bảo thủ

Tú Viên | 16/02/2021, 11:05

Nhật Bản có khu phố đèn đỏ, có nền công nghiệp sản xuất phim người lớn. Tưởng rằng họ thoáng trong vấn đề Giáo dục giới tính nhưng hóa ra không phải.

Vào tháng 12.2016, Tiến sĩ Yasuhiko Onoe, một nhà tiết niệu học, đã tham dự chương trình trò chuyện của đài TBS và thảo luận về sự gia tăng đáng báo động của các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) ở Nhật Bản. Trong lúc giải thích, ông Onoe đã dùng từ một cách kỳ lạ mỗi khi nhắc đến cơ quan sinh dục nam, gọi nó bằng từ kiểu trẻ em “ochinchin”.

hoc-sinh-nhat.jpeg
Học sinh Nhật được giáo dục giới tính chưa toàn diện - Ảnh: Internet

Việc miễn cưỡng sử dụng từ vựng của người lớn khi nói về tình dục là điều phổ biến trên  truyền thông. “Dương vật” trong tiếng Anh – hao hao vần với “Venice” trong bảng chữ katakana - là thuật ngữ được ưa chuộng khi nhắc về cơ quan sinh dục nam ở Nhật Bản, nhưng thậm chí từ đó vẫn bị cấm kỵ trên truyền hình. Khó khăn khi đề cập bất kỳ thứ gì liên quan tình dục là chuyện bình thường, nhưng khi ngay cả giới bác sĩ cũng phải nói tránh một số từ nhất định, điều đó chứng tỏ tư duy xã hội Nhật với tình dục vẫn bảo thủ.

Hồi đầu năm 2019, ông Toshiaki Koga của đảng Dân chủ Tự do, đại biểu của Hội đồng lập pháp Tokyo, đã lên án một chương trình giáo dục giới tính được dạy tại một trường trung học cơ sở công lập ở quận Adachi. Trước đó, trường đã thực hiện một cuộc khảo sát hỏi học sinh là các em có nghĩ rằng việc học sinh trung học quan hệ tình dục là ổn hay không. Kết quả 44% học sinh trả lời "ổn". Theo báo Asahi Shimbun, dựa theo kết quả, ngôi trường trên dự đoán rằng số lượng học sinh nạo phá thai sẽ tăng lên sau khi các em vào cấp ba. Vì vậy, trường đã dựng một khóa học đặc biệt, gồm việc sử dụng bao cao su, cùng các chủ đề liên quan tình dục khác.

Nhưng điều đó không được dư luận chia sẻ. Được cảnh báo bởi ông Koga, Sở Giáo dục Tokyo đã phê bình trường trung học cơ sở nói trên vì đã cho trẻ em tiếp xúc với những vấn đề này quá sớm, đồng thời lên án việc sử dụng các thuật ngữ như seikō (quan hệ tình dục) hay hinin (tránh thai) trong lớp. Sở nói thêm rằng có thể thảo luận về phòng ngừa các bệnh qua đường tình dục, nhưng không được phép giảng về việc giao hợp, tránh thai hoặc phá thai.

Phòng giáo dục quận Adachi trả lời rằng không có gì sai về bài học hoặc nội dung của nó. Đồng thời Phòng biện hộ mục đích bài học là để giúp học sinh tránh mang thai ngoài ý muốn, nội dung bài giảng không khuyến khích hoạt động tình dục. Như một quan chức Adachi đã chỉ ra, một chương trình giảng dạy như vậy rất quan trọng vì việc mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ làm khó cuộc đời các em sau này. Cấp trên là Sở Giáo dục Tokyo trả lời rằng nếu học sinh bị “nghi ngờ” có quan hệ tình dục hoặc có thai, thì hành động đúng đắn là “cung cấp hướng dẫn” trên cơ sở cá nhân, chứ không phải trong khuôn khổ lớp học.

Về vấn đề giáo dục giới tính, quận Adachi ít nhất cũng đang cố gắng làm điều gì đó bằng cách cung cấp bài giảng ngăn ngừa việc mang thai ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, thái độ chung của các cơ sở giáo dục vẫn là không dại gì "vẽ đường cho hươu chạy" ở tuổi vị thành niên mà điển hình là vệc Sở Giáo dục Tokyo cấm giáo dục giới tính ở các trường cấp dưới.

hoc-sinh-nhat-2.jpeg
Các trường ngại việc giáo dục giới tính  - Ảnh: Internet

Đáng chú ý là hồi năm 2003, ông Koga cũng khởi xướng chiến dịch ngăn chặn chương trình giáo dục giới tính tại một trường công lập Tokyo dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Trường Nanao Yogo Gakko ở quận Hino bắt đầu dạy giới tính cho các em vì lo ngại rằng một số học sinh khuyết tật của trường sẽ vấn đề rắc rối về tình dục khi các em trở thành thanh niên. Sau khi thảo luận vấn đề với phụ huynh, trường đã đưa ra một khóa học chủ yếu dựa vào các giáo cụ trực quan và sử dụng các từ như “dương vật” và “âm đạo” một cách cởi mở.

Koga lập tức khởi xướng một cuộc phê phán với trường Nanao Yogo Gakko. Ông nói rằng bài học đó là tục tĩu và các giáo viên đã bị Sở Giáo dục Tokyo kỷ luật. Rất may, nhà trường đã kiện quyết định kỷ luật và thắng kiện tại cả Tòa án Tokyo vào năm 2009 và sau đó thắng trong hai lần kháng cáo tại Tòa án tối cao năm 2011 và 2013. Nhưng dù sao, việc giáo viên bị kỷ luật vì dạy giáo dục giới tính cũng cho thấy phần nào về những định kiến trong xã hội Nhật.

Xung đột trong phương pháp giáo dục giới tính kể trên giữa Phòng và Sở phản ánh đúng kết quả cuộc khảo sát mà Bộ Giáo dục Nhật công bố năm 2018. Trong năm 2015 và 2016, Bộ phát hiện có 2.098 trường hợp các nữ sinh trung học mang thai. Trong số này, 642 người đã tự bỏ học và 32 người bỏ học theo “lời khuyên” của nhà trường. Bộ hiện đã phải yêu cầu các trường học không thúc ép nữ sinh mang thai bỏ học. Các trường thì nói phần lớn các em mang thai rời trường là làm theo ý mình hoặc từ cha mẹ. Nhưng rất khó để xác minh các em thực sự tự nguyện như thế nào, vì nghiên cứu chỉ khảo sát các trường chứ không phải nghe từ các học sinh.

Thực sự, các trường không cố gắng khuyên can khi các em nghỉ học. Ngoài ra, nhiều trường học không có biện pháp hỗ trợ nữ sinh trót mang thai để các em có thể hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Từ đó để thấy định kiến trong xã hội Nhật về việc này khá nặng nề.

Bộ giáo dục Nhật không đề cập về vai trò của giáo dục giới tính trong báo cáo. Tuy nhiên, Bộ cũng ngầm thừa nhận rằng việc các em ngồi ghế trung học mới được dạy về giới tính là quá muộn. Theo Japan Times, các học sinh cả nam và nữ không được dạy chi tiết về giao hợp và sinh con trước tuổi vị thành niên. Do đó, các em không được chuẩn bị để đối mặt với các tình huống tình dục khi chúng nảy sinh.

Chuyên gia Tamaka Ogawa đã chỉ ra rằng điều quan trọng là trẻ em phải biết về kiến thức quan hệ tình dục trước khi chúng “trưởng thành”. Cần lưu ý, độ tuổi được đồng thuận quan hệ tình dục ở Nhật Bản là 13, có nghĩa là về mặt lý thuyết, một người nào đó quan hệ tình dục với một đứa trẻ 13 tuổi có thể không bị truy tố nếu cảnh sát không tìm thấy bằng chứng cho thấy đứa trẻ cố gắng chống cự. Nhưng bao nhiêu đứa trẻ 13 tuổi sẽ hiểu khái niệm đồng thuận trừ khi có ai đó dạy điều đó cho chúng?

Bài liên quan
Giáo dục giới tính: Campuchia đi trước Việt Nam 1 bước?
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã quyết định cho phép học sinh từ 13 tuổi trở lên được giáo dục giới tính từ năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 phút trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục giới tính ở Nhật: Tưởng thoáng mà lại bảo thủ