Việc học sinh sử dụng các thiết bị điện tử để ghi âm, ghi hình giáo viên trong giờ học lại chính là một phần tạo nên áp lực khiến nhiều giáo viên e dè trong cách giảng dạy, hướng dẫn học sinh.

Giáo viên 'ám ảnh' mạng xã hội

Dạ Thảo (Tổng hợp) - Ảnh: Thành Chung | 18/12/2022, 14:06

Việc học sinh sử dụng các thiết bị điện tử để ghi âm, ghi hình giáo viên trong giờ học lại chính là một phần tạo nên áp lực khiến nhiều giáo viên e dè trong cách giảng dạy, hướng dẫn học sinh.

Giáo viên "ám ảnh" mạng xã hội

Theo PGS-TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết, trong rất nhiều áp lực về công việc ở trường lẫn ở nhà, giáo viên bị căng thẳng một phần nữa do sợ bị ghi âm, ghi hình đưa lên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc.

Tại Hội thảo "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc" vừa qua, PGS-TS Trần Thành Nam cho biết, giữa thời đại công nghệ số, các giáo viên phải chịu nhiều áp lực hơn. Trong đó phải kể đến chính là ngoài việc mang công việc về nhà, bị các phụ huynh soi xét, lớp học quá tải thì phần lớn giáo viên đều sợ bị ghi clip tung lên mạng xã hội, tất cả đều ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của giáo viên. Họ bị "ám ảnh" bởi việc các học sinh sẵn sàng ghi âm, ghi hình và đưa lên cộng đồng mạng - một trong những nỗi ám ảnh lẫn gây xót xa hàng đầu ở nhiều người đứng trên bục giảng. Chỉ cần một clip cắt ghép có chủ đích được tung lên mạng và thế là không ít người thầy trở thành "tội đồ", hình ảnh bị bóp méo hoàn toàn và rồi hứng chịu muôn vàn gạch đá, uất ức muốn bỏ dạy ngay nếu có sự lựa chọn.

Theo PGS Trần Thành Nam, một số khảo sát của CDC Hoa Kỳ cho thấy, 52% giáo viên báo cáo rằng sức khỏe tâm thần của họ suy giảm sau đại dịch COVID-19, trong đó nhiều giáo viên trầm cảm và lo âu. Khảo sát này cũng cho thấy, khoảng 53% giáo viên nghĩ nhiều hơn đến việc rời khỏi vị trí công tác so với trước đại dịch.

"Nguyên nhân gây căng thẳng nhất cho giáo viên khi thời đại công nghệ số bùng nổ đó chính là việc học sinh, phụ huynh sẵn sàng ghi âm, ghi hình và đưa các thông tin đó lên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc. Điều này khiến nhiều giáo viên cảm thấy bị căng thẳng vì ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần" - PGS-TS Trần Thành Nam trao đổi.

yen-2.jpg
Nhiều giáo viên cho rằng, bây giờ chỉ có giáo viên sợ học sinh chứ học sinh không còn sợ giáo viên như xưa nữa 

Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như phải thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ không cần thiết, phải thu thập quá nhiều số liệu phục vụ công tác quản trị, những yêu cầu không hợp lý từ các cấp quản lý, thiếu các thiết bị hỗ trợ làm việc, những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh, sự thay đổi quá nhanh về yêu cầu đổi mới và đòi hỏi về năng lực mới.

Còn nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên thường không chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là vì còn nhiều thành kiến về vấn đề này. Giáo viên thường tự cho mình ở vị trí phải giáo dục người khác vượt qua những khó khăn về tâm lý nên thể hiện lo lắng là một biểu hiện của sự thiếu năng lực, kém cỏi và yếu đuối; vấn đề trầm cảm là thiếu ý chí, thể hiện sự lười nhác. Nhiều giáo viên vẫn tin rằng cách để chữa bệnh tâm lý chỉ là ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung vitamin, đi ra ngoài chơi là khỏi bệnh.

Từ nỗi sợ trở thành nỗi e dè trong cách dạy học trò, kết nối với phụ huynh

Trao đổi về vấn đề cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, cô giáo Nguyễn Thị Hậu (Nam Định) cho biết, bản thân chị không hề sợ học sinh ghi âm, ghi hình khi mình giảng bài. "Quan trọng nhất là các em sử dụng điện thoại để chụp hình bậy bạ, thậm chí là lén ngồi xem phim, lướt mạng, chát chít mà không tập trung vào bài vở. Khi bị giáo viên la mắng thì ghi âm, ghi hình lại để thể hiện bản thân "oan ức". Có nhiều trường hợp học sinh dùng điện thoại để đe dọa, đánh nhau và giáo viên không thể kiểm soát hết việc này" - chị Hậu cho hay.

Có nhiều giáo viên còn cho biết do quá e ngại việc các em hiện nay dùng các thiết bị điện tử tiên tiến, các em thậm chí biết cắt ghép hình ảnh, ghi âm để "dọa" ngược lại các thầy cô giáo, đến khi bị phát hiện và mời phụ huynh lên làm việc thì chính các phụ huynh vẫn còn bênh con em mình, một là xin lỗi cho qua, hai là sẵn sàng chỉ trích giáo viên và coi rằng việc của thầy cô giáo chính là giảng dạy cho học sinh chứ không được xâm phạm vào cuộc sống của học sinh quá nhiều.  Chính vì nỗi sợ này mà thầy cô e dè hơn trong cách hành xử, e dè hơn trong cách dạy học trò và cả trong việc kết nối với phụ huynh.

Hiện nay, vấn đề cho học sinh sử dụng điện thoại hay mang máy ghi âm vào lớp học không chỉ phục vụ nhu cầu thu lại bài giảng, mà còn được xem là một phương tiện để hỗ trợ nhà trường thực hiện tính công khai. Những học sinh, sinh viên ý thức được quyền đòi hỏi chất lượng giảng dạy tốt, được đối xử một cách tôn trọng bởi các giảng viên có tư cách, có rất nhiều cách để phản hồi ý kiến của mình. Lựa chọn góp ý trực tiếp, viết thư, hay thổ lộ trên mạng là quyền của học sinh. Ghi âm lại cũng là một cách để thực hiện quyền đó. Tuy nhiên, ghi âm như thế nào, mục đích sử dụng ra sao lại là một câu chuyện khác, để học sinh không coi việc ghi âm, ghi hình trở thành một vấn đề đe dọa ngược lại giáo viên. 

"Việc học sinh phản biện lại thầy cô giáo khác với việc học sinh cãi lại. Phản biện chính là bảo vệ luận điểm, quan điểm của mình nhưng vẫn ở chừng mực của người học trò. Còn cãi lại thầy cô chính là hành động coi thường giáo viên. Các em vẫn phải lễ phép và tôn trọng giáo viên khi đang ở trên lớp. Trong khi đó hiện nay, không ít học sinh lại mang tư tưởng là giáo viên chính là người đi làm thuê chứ không chỉ là người dạy dỗ mình" - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ quan điểm.

Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học có điều kiện đi kèm, chứ không phải tùy tiện có thể dùng điện thoại thoải mái để giao tiếp, giải trí. Khi cho phép các em sử dụng điện thoại, cần có quy định cụ thể các em được dùng trong trường hợp nào, tránh việc lạm dụng. Chẳng hạn, giờ ra chơi các em lấy lý do học tập để ở trong lớp dùng điện thoại cho mục đích khác như chơi game thì không nên. Có thể thấy, vào giờ ra chơi, các em mỗi người ngồi một góc cùng chiếc điện thoại. Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực, nhất là với các học sinh nhỏ tuổi, cũng cần được tính đến.

"Trường hợp học sinh phải học trực tuyến, học sinh phải có máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện việc tương tác với giáo viên, nhận nhiệm vụ học tập. Hay khi dạy học trực tiếp một số môn học, bài học cụ thể, nhất là các bài học đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu thực tế, tìm kiếm tài liệu, giáo viên có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại để thực hiện nhiệm vụ học tập" - ông Thành nêu ví dụ.

Bài liên quan
ĐBQH: Nhiều giáo viên đang 'ngại' xử lý vi phạm của học sinh
ĐBQH cho rằng đang thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên 'ám ảnh' mạng xã hội