Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe; còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp...
Ngày 2.9, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm.
Nội dung trên được Chính phủ thống nhất đưa vào Nghị quyết số 123/NQ-CP sau phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 8.
Trong nghị quyết này, đáng chú ý là việc Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe khi thảo luận về dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm.
Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe; còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe hằng năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.
Chính phủ lưu ý rằng dự thảo luật quy định mang tính nguyên tắc, sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, trong dự thảo lần tới, đơn vị sẽ tiếp thu và bổ sung theo chỉ đạo của Chính phủ. 12 điểm được quy định trong bằng lái tương ứng với 12 tháng trong năm.
Bộ Công an sẽ không để trực tiếp điểm số trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu bằng lái. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống dữ liệu và khi xử lý vi phạm, CSGT chỉ cần tra trên máy là biết các tài xế còn bao nhiêu điểm.
Đầu tháng 6.2020, trong dự thảo lần 2 Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông được trình Chính phủ và lấy ý kiến người dân, bộ, ban ngành, Bộ Công an đề xuấtmỗi bằng lái sẽ có tổng số điểm là 12, khi vi phạm bị trừ điểm, cơ sở dữ liệu sẽ cập nhật đến lúc hết điểm thì giấy phép không còn hiệu lực và phải thi sát hạch lại.
Có 10 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng bằng lái ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm.
1.Liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
2. Kéo theo hoặc đẩy xe khác, vật khác trái quy định; chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển;
3. Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
4. Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
5. Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;
6.Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
7. Không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy;
8.Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc; dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc;
9. Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ;
10. Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ô tô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
11.Không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;
12. Ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 10 km/h đến 35 km/h; mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 10 km/h đến 20km/h;
13. Không có giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng;
14. Không gắn biển số theo quy định; gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
15. Sử dụng giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe;
16. Không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên.
17. Ôtô chở khách, xe ô tô chở người (trừ xe buýt) chở quá số người vượt trên 50% đến 100% số người được phép chở;
18. Ô tô chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 50% đến 150%;
19. Ô tô chở hàng mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 150%;
20. Vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường;
21. Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên;
22. Lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định; ô tô lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe;
23. Ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng có hệ thống chuyển hướng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
24. Xe sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông;
25. Xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng);
26. Xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;
27. Mô tô, xe gắn máy chở từ 3 người trở lên; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;
28. Sử dụng điện thoại di động; sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính, sử dụng ô (đối với mô tô, xe gắn máy).
Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức được áp dụng từ ngày 1.1.2010. Theo đócó nhiều mức phạt mới, phổ biến nhất đối với ô tô, xe máy.
Một số lỗi vi phạm được quy định khác so với nghị định cũ, thay vì mức phạt như trước đây. Quy định mới tước quyền sử dụng giấy phép lái xe cao hơn hoặc bổ sung thêm, tùy vào mức độ vi phạm.
Cụ thể, một số lỗi với ô tô bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng gồmvượt đèn đỏ, đèn vàng; không chấp hành hiệu lệnh của CSGT và chạy quá tốc độ từ 10-20 km/h.
Tương tự như vậy, người điều khiển ô tô bị tước giấy phép 2-4 tháng trong các trường hợp chạy quá tốc độ 20-35 km/h hoặc hơn 35 km/h. Chủ xe sẽ bị phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm.
Với trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chủ phương tiện có thể bị tước giấy phép lái xe 10-24 tháng, tùy vào mức độ vi phạm nồng độ cồn.
Người đi xe máy cũng bị tước giấy phép 1-3 tháng trong các trường hợp chở ba người; dùng điện thoại, thiết bị âm thanh khi đang lái xe; vượt đèn đỏ.Tước giấy phép 2-4 tháng với người đi xe máy chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.
Cũng giống như ô tô, người điều khiển xe máy cũng bị tước giấy phép lái xe khi vi phạm nồng độ cồn. Tùy vào mức độ cồn vi phạmmà bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 10-24 tháng.