Giới siêu giàu Nga và Ukraine đang tìm cách trở thành công dân EU nhờ chương trình cấp “Visa Vàng” gây tranh cãi của chính quyền đảo Síp, theo báo Guardian.

Giới siêu giàu Nga và Ukraine tìm cách 'rửa quốc tịch' tại đảo Síp

Trần Trí | 19/09/2017, 05:57

Giới siêu giàu Nga và Ukraine đang tìm cách trở thành công dân EU nhờ chương trình cấp “Visa Vàng” gây tranh cãi của chính quyền đảo Síp, theo báo Guardian.

Tờ báo Anh cho biết: từ năm 2013 chính quyền Síp ‘bán’ quyền công dân cho giới siêu giàu Nga và Ukraine, thu được hơn 4 tỉ euro tiền mặt “đầu tư” sau khi cho phép giới này quyền sống và làm việc ở khắp châu Âu. Hơn 400 hộ chiếu đã được cấp thông qua “Visa Vàng” riêng trong năm 2016.

Chương trình ‘đầu tư đổi lấy quyền công dân’ được chính quyền Síp tiến hành từ năm 2013, yêu cầu ứng viên đặt 2 triệu euro vào bất động sản, hoặc 2,5 triệu euro vào các công ty hoặc mua trái phiếu chính phủ.

Ứng viên không bị buộc phải biết ngôn ngữ Síp, không bị buộc thường trú dài hạn ngoài việc cứ 7 năm phải có một lần thăm đảo này.

Trước năm 2013, các bộ trưởng ‘vô tư’ cấp quyền công dân Síp, nhưng Guardian đã được xem một danh sách bị rò rỉ, gồm hàng trăm người ‘mua’ quyền công dân này, gồm những doanh nhân nổi tiếng cùng các cá nhân có tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể.

Nhiều người ‘mua’ quyền công dân Síp là các doanh nhân hoặc chính khách Nga-thuật ngữ riêng gọi là “cá nhân bị vạch trần” - vốn buộc phải xác minh nghiêm ngặt về nguồn gốc tài sản của họ.

Danh sách bị rò rỉ đánh dấu lần đầu tiên tiết lộ giới siêu giàu trở thành công dân Síp này có một cựu nghị sĩ Nga, những người lập ngân hàng thương mại lớn nhất Ukraine và một tỉ phú ngành kinh doanh cờ bạc.

Những người thụ hưởng “Visa Vàng” có thể kể tỉ phú thích sưu tầm đồ nghệ thuật Dmitry Rybolovlev. Năm ngoái, ông thu hút sự chú ý của quốc tế, khi máy bay riêng của ông thường cùng tuyến bay với các chuyến bay khi ông Donald Trump đi tranh cử tổng thống Mỹ 2016.

Rybolovlev chối rằng không hề gặp ông Trump, nói việc cùng tuyến bay là tình cờ.

Hồi năm 2005, ông Trump mua một tòa biệt thự trị giá 41 tỉ USD ở vùng Palm Beach (bang Florida) và sau khi nâng cấp, ông bán lại cho Rybolovlev và 3 năm sau, tỉ phú này bán lại được 95 triệu USD.

Rybolovlev được cấp quyền công dân Síp năm 2012, được tạp chí Forbes cho là có số tài sản trị giá 7,4 tỉ USD. Người phát ngôn của Rybolovlev nói ông trở thành công dân Síp là “điều tự nhiên”’, vì ông là một nhà đầu tư vào Ngân hàng Síp.

Người phát ngôn còn khẳng định ông Ryboloblev chưa hề gặp ông Trump, và tòa biệt thự Palm Beach đã bị đập bỏ chia thành 3 lô đất,đã bán một lô.

Danh sách người ‘mua’ quyền công dân Síp còn có Rami Makhlouf, một doanh nhân là anh em họ của Tổng thống Syria, ông Bashar Assad.

Năm 2008, Mỹ quyết định cấm vận Makhlouf, với cáo buộc ông tham nhũng và tư lợi.

Síp cấp quyền công dân cho Makhlouf hồi năm 2010. Qua năm 2011, EU cấm vận Makhlouf và thu hồi quyền công dân Síp sau khi nội chiến Syria bùng nổ.

Danh sách này soi rọi ánh sáng vào một lĩnh vực béo bở và ít người biết, đặt ra dấu hỏi về việc chính quyền Síp kiểm soát an ninh đối với người xin cấp quyền công dân.

Các chính khách châu Âu đã cảnh giác theo dõi sự phát triển của chương trình “Visa Vàng”. Nữ nghị sĩ Ana Gomes người Bồ Đào Nha mô tả “Visa Vàng” là “hoàn toàn suy đồi, trái đạo đức”.

Bà nói: “Tôi không chống các nước thành viên cấp quyền công dân hoặc cấp nhà cho người có đóng góp đặc biệt cho nước đó, như đóng góp cho khoa học, nghệ thuật hoặc thậm chí cho đầu tư. Nhưng phải là cấp visa chứ không bán visa”.

Bà Gomez còn cho là đã nhiều lần nỗ lực biết tên của người mua “Visa Vàng” ở Bồ Đào Nha nhưng không thành công. Bà nói: “Tại sao bí mật đến thế? Sự bí mật khiến hoạt động này rất đáng ngờ”.

Cuối năm 2017, nghị viện châu Âu sẽ tranh luận về một đề xuất của bà Gomes: buộc các nước phải kiểm tra an ninh kỹ lưỡng, đối với ứng viên muốn thụ hưởng “Visa Vàng”. Gần đây, Ủy ban châu Âu cũng mở cuộc điều tra riêng về biện pháp kiểm tra an ninh này.

Bộ Tài chính Cộng hòa Síp nói chương trình “Visa Vàng” nhằm dành cho các nhà đầu tư vô hại, “là những người lập một cơ sở làm ăn và có quyền thường trú dài hạn ở Síp”.

Bộ còn nói việc kiểm tra an ninh được tiến hành với tất cả các công dân làm đơn đầu tư, nguồn tài sản của ứng viên phải chịu khâu kiểm tra chống rửa tiền của một ngân hàng Síp.

Bộ cũng nhấn mạnh: Síp không là thành viên EU duy nhất cấp quyền công dân cho giới siêu giàu Nga. Và giải thích việc Makhlouf bị thu hồi quyền công dân là bằng chứng chính quyền Síp sẵn sàng sửa sai.

Tổ chức chống tham nhũng Nhân chứng toàn cầu đề nghị: kiểm soát an ninh chặt chẽ hơn nữa, sau những phát hiện trên.

Tuyên bố của tổ chức này viết: “Tất cả các nước cấp Visa Vàng phải cẩn trọng, để việc kêu gọi đầu tư không có nghĩa một cuộc chạy đua xuống đáy của những giá trị đạo đức. Điều này có nghĩa phải kiểm tra chặt các ứng viên xin cấp quốc tịch, cấp Visa Vàng. Nếu không, họ có nguy cơ cấp “thẻ ra khỏi tù” cho bọn tội phạm và bọn tham nhũng”.

Bảo Vĩnh (theo Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới siêu giàu Nga và Ukraine tìm cách 'rửa quốc tịch' tại đảo Síp