Ngày 8.9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Gỡ thẻ vàng thủy hải sản: Việt Nam đã hoàn thành 4 việc lớn mà EC khuyến nghị

08/09/2020, 17:40

Ngày 8.9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VGP

Đã giảm số lượng tàu cá vi phạm

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 31.8, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15m trở lên, đạt tỉ lệ 80,61%. Tuy nhiên, còn thực trạng rất nhiều tàu khi ra khơi gỡ bỏ thiết bị giám sát bỏ xuống biển, còn tàu thì di chuyển ra chỗ khác để đánh bắt.

Về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, từ đầu năm 2020 đến ngày 31.8, đã xảy ra 57 vụ/92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý so với cùng kỳ năm 2019, giảm 53 vụ/89 tàu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị.

Cụ thể là đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, ban hành các nghị định thông tư, các văn bản pháp lí, rất nhiều hoạt động tích cực từ đăng kí tàu thuyền, lắp thiết bị định vị, kiểm soát... Công tác thực hiện có bước tiến triển rõ, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương, từ công tác quản lí bến cảng, khai báo, tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc đều có nhiều cố gắng, có quyết tâm rất cao.

“Ủy ban châu Âu đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, song vẫn chưa đồng tình cao, vì 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. EC nói, nếu còn vi phạm thì kiên quyết không rút “thẻ vàng””, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại.

Theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng công an đã điều tra xử lý việc môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; phát hiện 8 nhóm nghi vấn đưa tàu và người dân đi khai thác trái phép. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn. Nhiều trường hợp ra ngoài khơi thì tắt thiết bị định vị hoặc lấy thiết bị định vị đặt lên tàu khác. Chính quyền cấp cơ sở một số nơi còn coi nhẹ công tác xử lý.

Còn theo đại diện Bộ Quốc phòng, qua kinh nghiệm của các nước, chỉ có gắn thiết bị điện tử, định vị, giám sát thì mới có thể kiểm soát được tình trạng đánh bắt trái phép. Tuy nhiên, phải nâng cao độ tin cậy, chất lượng của thiết bị định vị, vấn đề này Bộ NN-PTNT cần rà soát, kiểm soát.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía EC trong công tác chống khai thác IUU. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để chống khai thác cá trái phép, không báo cáo, không theo quy định.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng những kết quả này vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá vẫn chưa hoàn thành. Công tác kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, chưa bảo đảm độ tin cậy. Tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý từ đầu năm 2020 đến nay có giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tình hình thực tế còn rất phức tạp.

"Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được thực thi những biện pháp mà EC đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam; bảo đảm các kết quả này là vững chắc, thực chất", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm mọi vi phạm

Phó thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chống lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, cập bến, kiên quyết ngăn chặn các tàu cá không có giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS).

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng kiên quyết điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm, có nhiều vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp quốc tế trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm.

Phó thủ tướng giao Bộ Ngoại giao tăng cường, thúc đẩy đàm phán ký kết phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Trước mắt, cần đề nghị phía bạn ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản tại khu vực vùng biển đang chồng lấn, chưa được phân định giữa hai nước để làm cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân hai nước, không làm phức tạp tình hình khi bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực này; mọi tranh chấp vùng biển phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán ngoại giao giữa hai nước.

Phó thủ tướng yêu cầu phải tập trung triển khai các quy định liên quan về chống khai thác IUU tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có kết quả trên thực tế.

Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng, trong đó có nuôi trồng biển, do đó phải đổi mới, tái cơ cấu ngành.

“Không tái cơ cấu ngành thủy hải sản, đổi mới nâng cao đời sống người dân thì không xử lý được tận gốc vấn đề đánh bắt trái phép. Với bờ biển dài, ngành nuôi trồng cũng là tiềm năng, lợi thế của Việt Nam không chỉ trong nội địa mà còn nuôi trồng biển. Tương lai phải hướng đến xây dựng đây là ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó thủ tướng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trước hết bảo đảm đời sống, sinh kế của người dân; tổ chức thực hiện nhiệm vụ này thì các địa phương phải tập trung gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nỗ lực nhằm gỡ “thẻ vàng” cho đánh bắt cá Việt Nam.

Lam Thanh

Bài liên quan
Ông Trump công bố memecoin: Sự kết hợp giữa chính trị, tiền điện tử và sự hài hước?
Chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng với memecoin mang tên chính ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ thẻ vàng thủy hải sản: Việt Nam đã hoàn thành 4 việc lớn mà EC khuyến nghị