Các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần tìm mọi cách để khơi thông thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội.
Sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản dần xuất hiện những gam màu sáng. Tuy vậy, nhìn chung thị trường bất động sản vẫn còn không ít điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Trước thực trạng này, Chính phủ vừa có nghị quyết yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan, chủ động có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường bất động sản.
Theo đó, Bộ Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan phát huy hiệu quả hoạt động của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, nhất là khó khăn, vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, các dự án có khả năng thanh khoản tốt… tạo chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm 2024.
Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng và khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân. Trong đó, chú trọng các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương; rà soát các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại từ đầu tháng 5 tới nay.
“Sau một giai đoạn thị trường có được nhiều tín hiệu khả quan thì hiện nay, những biến động về vĩ mô từ thế giới lẫn trong nước khiến nhiều nhà đầu tư tạm dừng lại và quan sát tiếp”, ông Quê nói.
Theo ông Quê, điều khó khăn nhất hiện tại là lưu thông dòng tiền. “Chúng ta không nên chỉ chọn bất động sản để thúc đẩy dòng tiền mà cần phải qua cả kênh du lịch, tiêu dùng, dịch vụ…”, ông Quê nói.
Tuy vậy, ông Quê đánh giá những nỗ lực duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ phần nào hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Hy vọng thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ được “tiếp máu” để hồi phục rõ nét hơn.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu không gỡ được nút thắt thể chế, khơi thông được thị trường bất động sản thì nền kinh tế khó có thể đi lên một cách vững chắc, vì tiền không ra được nền kinh tế.
“Tiền ra lớn nhất có thể nói là vào bất động sản, nếu tính chính xác có thể lên đến 3 triệu tỉ đồng”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, Chính phủ cần tìm mọi cách để khơi thông thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Thậm chí, cần những giải pháp rất mạnh mẽ từ ngân sách để hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn, tăng trưởng vững vàng hơn.
Chia sẻ tại một diễn đàn về thị trường địa ốc diễn ra mới đây, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: “Chưa bao giờ thấy sự quyết tâm hoàn thiện thể chế mạnh mẽ như bây giờ. Nỗ lực ấy được thể hiện rõ qua việc chưa có đạo luật nào mà Chính phủ lại mong muốn được thực hiện sớm như Luật Đất đai 2024, cũng như cùng một lúc sửa nhiều luật quan trọng liên quan đến bất động sản… Những luật này đều được kỳ vọng sẽ trở thành trợ lực hỗ trợ cho thị trường bất động sản hồi phục nhanh hơn”.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết vẫn duy trì quan điểm là thị trường sẽ đạt điểm đảo chiều quanh từ giai đoạn quý 2 đến quý 4/2024.
Cụ thể thị trường nếu đạt đảo chiều vào quý 3 thì sang giai đoạn tiếp theo trong quá trình phục hồi là giai đoạn thăm dò. Thăm dò là giai đoạn thường diễn ra trong vòng một quý sau khi thời điểm đảo chiều diễn ra trong giai đoạn quý 3 - quý 4/2024. Sau giai đoạn thăm dò là giai đoạn củng cố, từ quý 4/2024 đến quý 1/2025 là giai đoạn giải quyết điểm nghẽn của thị trường. Từ quý 2 đến quý 4/2025 là giai đoạn khởi sắc và từ năm 2026 thị trường bước vào giai đoạn ổn định.
Trong báo cáo thị trường mới công bố, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng triển vọng của dòng vốn FDI là tín hiệu tích cực cho một năm phục hồi kinh tế, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài dường như đang lên cao. Theo đó, YSVN kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh mẽ sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi của lĩnh vực bất động sản từ 5 năm của chu kỳ trước (2008-2013) xuống chỉ còn 3 năm ở chu kỳ này (2022-2025).