Các gói hỗ trợ tín dụng là cần thiết trong giai đoạn hiện tại khi dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam và bùng phát tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này mang tính chất kéo dài thời gian nhằm chờ dịch COVID-19 được kiểm soát mà không thể giải quyết hoàn toàn được vấn đề.

Gói tín dụng 285.000 tỉ đồng đối phó Covid-19: Thị trường hấp thụ đến đâu?

12/03/2020, 17:35

Các gói hỗ trợ tín dụng là cần thiết trong giai đoạn hiện tại khi dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam và bùng phát tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này mang tính chất kéo dài thời gian nhằm chờ dịch COVID-19 được kiểm soát mà không thể giải quyết hoàn toàn được vấn đề.

Ngân hàng đưa ra gói tín dụng 285.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh: Internet

Tăng trưởng tín dụng giảm mạnh

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,06%, thấp nhất 6 năm trở lại đây, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1%. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng phần lớn dư nợ vào các ngành đều giảm, trong đó giảm nhiều ở ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải. Chỉ một vài lĩnh vực sản xuất ghi nhận tăng trong bối cảnh nguyên liệu sản xuất dự trữ vẫn còn. Nếu hết nguyên liệu sản xuất, nhiều khả năng dư nợ cho vay vào lĩnh vực này cũng không thể tăng thêm.

Hiện nay, nhiều nhà băng đang có dư nợ tín dụng và huy động giảm trong 2 tháng đầu năm. Tình trạng này cũng là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay do tác động kép của dịch COVID-19 và nhu cầu của người dân.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng 285.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gói tín dụng sẽ hộ trợ việc giãn nợ, giảm các loại thuế, phí và giảm lãi suất cho vay.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định việc giảm lãi suất cho vay sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

“Các gói hỗ trợ tín dụng là cần thiết trong giai đoạn hiện tại khi dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam và bùng phát tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này sẽ mang tính chất kéo dài thời gian nhằm chờ dịch COVID-19 được kiểm soát mà không thể giải quyết hoàn toàn được vấn đề. Nếu dịch tiếp tục kéo dài thêm sẽ khiến các doanh nghiệp bị đứt gãy cả về nguồn cung và nguồn cầu và làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam”, BVSC nhìn nhận.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng thị trường khó có thể hấp thụ được lượng vốn hàng trăm nghìn tỉ này trong một sớm một chiều. Nguyên nhân là nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh hiện rất ít. Doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn cầm chừng nên sẽ không vay thêm tiền từ tín dụng để phát sinh lãi suất.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều. Mặc dù vậy, ông Hiếu kỳ vọng lãi suất trong nước năm nay sẽ có cơ hội giảm sâu khi nhu cầu về tín dụng xuống thấp như hiện nay.

Trên thực tế, báo cáo của BVSC cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm nhẹ trong tháng 2. Lãi của nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước giảm khoảng 0,1%, nhóm ngân hàng thương mại vốn trên 5.000 tỉ, giảm 0,07%, nhóm ngân hàng thương mại vốn dưới 5.000 tỉ giảm 0,01%.

Hiện tại, lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Lãi suất 5,3-7%/năm áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng tung ra các gói ưu đãi cho doanh nghiệp

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hiện tại, một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai các gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã chủ động phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, rà soát, đánh giá tình hình của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Từ đó, xác định những doanh nghiệp, hộ kinh doanh có khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để xem xét thẩm định và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Vietinbank đang xem xét cơ cấu lại gần 20.000 tỉ tiền nợ và miễn giảm hơn 26.800 tỉ lãi vay cho các khách hàng. Ngân hàng này cũng dự tính dành 15.000 tỉ đồng và 150 triệu USD để cho vay ngắn hạn với lãi suất 5% bằng VNĐ và 2,8% bằng USD.

BIDV triển khai gói tín dụng ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, quy mô 20.000 tỉ đồng và 100 triệu USD. Trước đó, ngân hàng này đã tung gói tín dụng 5.000 tỉ dành riêng cho các khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tương tự, Sacombank áp dụng gói tín dụng 10.000 tỉ với lãi suất giảm 2%/năm. Tùy vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, lãi tối thiểu cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp nhà băng này áp dụng sẽ là 6,5%/năm và 8,5%/năm với cá nhân.

VIB triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất và giảm phí nhằm hỗ trợ gần 600 khách hàng doanh nghiệp bị thiệt hại. Tổng dư nợ của khách hàng doanh nghiệp được giảm lãi trong đợt này là khoảng 2.500 tỉ đồng với mức lãi giảm từ 0,5 – 1,5%/năm.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại đã xác định giải pháp, đưa ra gói hỗ trợ giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1-1,5% và cao nhất từ 2-2,5%. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí, qua đó giảm giá thành để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gói tín dụng 285.000 tỉ đồng đối phó Covid-19: Thị trường hấp thụ đến đâu?