Google Cloud của Alphabet cáo buộc Microsoft thực hiện các hành động nhằm ngăn sự cạnh tranh từ các đối thủ khác trên thị trường điện toán đám mây.

Google nói Microsoft làm trò phản cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây, muốn EU xem xét

Sơn Vân | 30/03/2023, 17:33

Google Cloud của Alphabet cáo buộc Microsoft thực hiện các hành động nhằm ngăn sự cạnh tranh từ các đối thủ khác trên thị trường điện toán đám mây.

Ngoài ra, Google Cloud chỉ trích các thỏa thuận của Microsoft với các nhà cung cấp đám mây châu Âu, cho rằng chúng không giải quyết được các vấn đề rộng hơn liên quan đến các điều khoản cấp phép của nhà sản xuất hệ điều hành Windows.

Trong những bình luận công khai đầu tiên về Microsoft và các thỏa thuận ở châu Âu, Phó chủ tịch Google Cloud - Amit Zavery nói với hãng tin Reuters rằng công ty đã nêu vấn đề với các cơ quan chống độc quyền và kêu gọi các nhà điều tra chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) xem xét kỹ hơn.

Đáp lại, Microsoft đã trích dẫn một bài đăng trên blog của Chủ tịch Brad Smith vào tháng 5.2022, trong đó ông nói rằng “Microsoft đang giữ vị trí số hai lành mạnh trong dịch vụ đám mây, với hơn 20% thị phần của doanh thu dịch vụ đám mây toàn cầu".

"Chúng tôi cam kết với Cộng đồng Đám mây châu Âu và mong muốn đóng góp vào sự thành công của họ", một phát ngôn viên Microsoft nói với Reuters hôm 30.3.

Có sự cạnh tranh gay gắt giữa hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây trị giá hàng tỉ USD, nơi Google theo sau hai hãng dẫn đầu thị trường là Amazon và Microsoft.

Microsoft đã đề nghị thay đổi các hoạt động điện toán đám mây của mình trong thỏa thuận với các đối thủ nhỏ hơn ở châu Âu, sẽ tạm ngừng các khiếu nại chống độc quyền của họ, một người có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề nói với Reuters trong tuần này. Động thái đó sẽ ngăn chặn cuộc điều tra vấn đề độc quyền với Microsoft của EU.

Microsoft chắc chắn có thái độ chống lại sự cạnh tranh trong lĩnh vực đám mây. Họ đang tận dụng sự thống trị của mình trong kinh doanh trên nền tảng cục bộ cũng như trong Office 365 và Windows để liên kết Azure với các dịch vụ đám mây khác và làm cho khách hàng khó có sự lựa chọn", Amit Zavery nói trong cuộc phỏng vấn cuối ngày 29.3.

"Chúng tôi nói chuyện với rất nhiều khách hàng của mình. Họ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các nhà cung cấp khác bởi Microsoft đã tạo ra nhiều rào cản kinh doanh như liên kết sản phẩm, hạn chế giá cả và cấp phép, điều này khiến cho việc lựa chọn của khách hàng bị hạn chế", ông nói thêm.

Amit Zavery cho biết các thỏa thuận cá nhân với một số nhà cung cấp đám mây nhỏ hơn ở châu Âu chỉ mang lại lợi ích cho Microsoft.

"Microsoft chọn mua lại những nhà cung cấp phàn nàn, thường là những đối thủ cạnh tranh của họ, và không đưa các điều khoản này cho tất cả mọi người. Điều này tạo nên một lợi thế không công bằng và khiến cho những ai từng phàn nàn phải quay lại với Microsoft. Bất kể những gì Microsoft đang cung cấp, điều kiện phải áp dụng cho tất cả mọi người, không chỉ riêng cho một hoặc hai nhà cung cấp được chọn bởi họ. Điều này cho thấy Microsoft có quá nhiều quyền lực trong thị trường để có thể làm những điều đó một cách độc lập.

Quan điểm của tôi với các cơ quan quản lý là họ nên xem xét vấn đề này một cách toàn diện, dù một hoặc hai nhà cung cấp có thể dàn xếp nhưng không giải quyết được vấn đề rộng lớn hơn. Đó là vấn đề chúng ta cần thực sự giải quyết, không phải chuyện của từng nhà cung cấp", Amit Zavery nói.

Amit Zavery bác bỏ ý kiến cho rằng vấn đề trên là mâu thuẫn giữa Google và Microsoft.

"Vấn đề không liên quan đến Google. Tôi chỉ muốn làm rõ điều đó. Đó là vấn đề của đám mây. Giả thuyết với đám mây là có một cách mở, linh hoạt để triển khai phần mềm của bạn. Khách hàng có nhiều lựa chọn hơn để chạy phần mềm của họ ở bất kỳ đâu mà họ muốn một cách dễ dàng hơn", Amit Zavery cho hay.

google-microsoft-lam-tro-phan-canh-tranh-tren-thi-truong-dien-toan-dam-may11.jpg
Phó chủ tịch Google Cloud - Amit Zavery cáo buộc Microsoft thực hiện các hành động nhằm ngăn sự cạnh tranh từ các đối thủ khác trên thị trường điện toán đám mây - Ảnh: Internet

Hôm 19.3, hãng thông tấn AFP đưa tin 3 công ty tại châu Âu đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC) rằng Microsoft vi phạm luật cạnh tranh trong triển khai các dịch vụ đám mây.

Trong đơn khiếu nại, 3 công ty cho rằng Microsoft đã vi phạm luật về cạnh tranh công bằng, qua đó làm hạn chế các lựa chọn dành cho khách hàng trên thị trường dịch vụ điện toán đám mây.

3 công ty này dẫn một số điều khoản trong hợp đồng cấp đăng ký dịch vụ Office 365 cho rằng biểu giá sẽ cao hơn nếu phần mềm này không được chạy trên nền tảng điện toán đám mây Azure do Microsoft sở hữu.

Theo 3 công ty, những điều khoản trên làm giảm quyền lợi của người dùng. Ngoài ra, 3 công ty cũng khẳng định xuất hiện những sự cố không tương thích nếu một số sản phẩm khác của Microsoft không được chạy trên nền tảng Azure.

Về phần mình, Microsoft cho biết các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ở châu Âu đã tạo ra những mô hình kinh doanh thành công trên các dịch vụ và phần mềm của hãng này và có rất nhiều lựa chọn về cách thức sử dụng các phần mềm.

Microsoft nói cũng đang tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho các đối tác, giúp phần mềm của hãng đến được với tất cả người dùng ở mọi môi trường, gồm cả những môi trường có các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây khác.

Tờ Wall Street Journal cũng đưa tin về vụ việc này, cho biết đơn khiếu nại được nộp lên EC từ mùa hè 2021.

Một nhóm các công ty, do Nextcloud (Đức) dẫn đầu, cũng khiếu nại lên EC rằng các dịch vụ đám mây mà Microsoft cung cấp đang liên kết ngày càng chặt chẽ với nhau, gây khó khăn cho các nhà phát triển khác muốn cạnh tranh với gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Microsoft từng bị EC phạt một số lần vì các hành vi phi cạnh tranh liên quan trình duyệt Internet Explorer, hệ điều hành Windows và các quy định cấp phép đăng ký phần mềm.

Hồi tháng 7.2022, các thẩm phán tại Tòa án Tối cao của EU đã chính thức áp đặt án phạt 1,1 tỉ USD  với Microsoft, sau khi hãng công nghệ Mỹ thất bại trong việc kháng nghị cáo buộc độc quyền từ EU. Theo Reuters, mức phạt này đã giảm 4,3% so với con số 1,3 tỉ USD được đưa ra vào năm 2008.

Bài liên quan
Bộ Tư pháp Mỹ: Google phải bán Chrome để khôi phục sự cạnh tranh trong tìm kiếm trực tuyến
Google phải bán trình duyệt Chrome, chia sẻ dữ liệu và kết quả tìm kiếm với các đối thủ cạnh tranh và thực hiện các biện pháp khác, gồm cả việc có thể bán Android, để chấm dứt tình trạng độc quyền của mình trong tìm kiếm trực tuyến, các công tố viên trình bày với một thẩm phán hôm 20.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google nói Microsoft làm trò phản cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây, muốn EU xem xét