Đó là nhận xét của các doanh nhân và nhà đầu tư tại China Conference: Southeast Asia hôm 29.3.

‘MoMo, Grab, Gojek và các startup Đông Nam Á không nên vội sao chép thành công của WeChat’

Sơn Vân | 30/03/2023, 10:24

Đó là nhận xét của các doanh nhân và nhà đầu tư tại China Conference: Southeast Asia hôm 29.3.

Theo họ, các hãng công nghệ Đông Nam Á cần thận trọng với các nỗ lực đa dạng hóa và không nên tiến quá nhanh mà không có kế hoạch bằng cách cố gắng sao chép thành công của các siêu ứng dụng như WeChat.

China Conference: Southeast Asia lần thứ 5 là hội nghị được trang SCMP tổ chức vào cuối tháng 3.2023 dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Singapore. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu tại 3 thị trường khác nhau trong cùng một thời điểm: Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore.

Hian Goh, người sáng lập và thành viên chính công ty đầu tư mạo hiểm Openspace Ventures (Singapore), cho biết: “Trước khi mở rộng vào các lĩnh vực mới, các công ty cần phải tập trung vào xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ và nền tảng cốt lõi, đảm bảo rằng đã có sức ảnh hưởng đáng kể trên thị trường và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Sau đó, họ mới có thể mở rộng sang các lĩnh vực mới và xây dựng các mô hình kinh doanh khác”.

Mô hình siêu ứng dụng, trong đó người dùng có thể truy cập nhiều loại dịch vụ và chức năng trong một ứng dụng di động, được tiên phong bởi Tencent Holdings (gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc) với WeChat. WeChat đã phát triển thành công cụ đa năng với nhiều ứng dụng nhỏ khác nhau.

WeChat đã được chứng minh hoạt động tốt ở Trung Quốc và một số công ty tại Đông Nam Á cố gắng áp dụng khái niệm này cho khu vực, nơi cũng có tỷ lệ thâm nhập internet di động cao và kết nối mạng nhanh giữa các nhóm dân số lớn và đang phát triển.

Ví dụ hãng công nghệ Đông Nam Á như Gojek (Indonesia) và Grab (Singapore) đều khởi đầu là ứng dụng gọi xe trước khi mở rộng ra các dịch vụ địa phương khác nhau. Gojek sáp nhập với hãng công nghệ Tokopedia (Indonesia) vào năm 2021 để tạo thành gã khổng lồ kỹ thuật số gồm cả thương mại điện tử, gọi xe và dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, Hian Goh, nhà đầu tư ban đầu của Gojek, lưu ý rằng các động thái mở rộng của nền tảng này không được lên kế hoạch ngay từ ngày đầu tiên, mà công ty phải tạo ra dịch vụ gọi xe tốt trước khi tận dụng thời cơ mở rộng sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn dịch vụ tài chính.

Hian Goh cho biết: “Khi bắt đầu với Gojek, tham vọng của chúng tôi còn rất nhỏ – chỉ đơn giản là một ứng dụng gọi xe. Tôi luôn nghe người ta nói rằng 'Chúng ta sẽ xây dựng siêu ứng dụng' nhưng Gojek đã không bắt đầu như vậy. Vì vậy, tôi nghĩ việc tạo ra siêu ứng dụng là do sự cần thiết. Chúng ta không nên quá dễ dàng để thay đổi hoặc hiểu sai lệch về nguyên nhân cũng như quá trình hình thành của siêu ứng dụng”.

Manisha Shah, Giám đốc tài chính MoMo (hãng công nghệ tài chính Việt Nam), cho biết công ty này chỉ có thể phát triển từ một ví điện tử thành nền tảng bao gồm thương mại điện tử, du lịch, giải pháp tài chính và các dịch vụ khác sau khi xây dựng được niềm tin với dịch vụ chuyển tiền ban đầu của mình.

Chúng tôi mất khoảng 6 năm để có được 1 triệu người dùng đầu tiên và trong 5 năm tiếp theo, chúng tôi đã có thêm 30 triệu người dùng, bởi có được niềm tin vào thanh toán điện tử là rất cần thiết, đặc biệt vào giai đoạn đầu khi nó mới chỉ mới nở rộ tại Việt Nam”, Manisha Shah nói.

Được thành lập vào năm 2017, MoMo nay đã trở thành nhà điều hành ví điện tử hàng đầu Việt Nam, đồng thời cho phép người dùng chơi game, mua sắm trực tuyến và thanh toán hóa đơn.

MoMo đã đạt trạng thái “kỳ lân” vào năm 2021 sau khi huy động được 200 triệu USD từ các nhà đầu tư do Ngân hàng Mizuho dẫn đầu để thúc đẩy sự phát triển của nó như một siêu ứng dụng.

Dave Ng, thành viên chính của quỹ đầu tư Altara Ventures, cho biết các hãng công nghệ cần xác định nhu cầu chính của người dùng khi tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh mới.

Các công ty Đông Nam Á hay trên thực tế là bất kỳ doanh nghiệp nào trong bất cứ hệ sinh thái nào, không thể chạy trốn khỏi thực tế cơ bản cơ bản rằng nó phải được thúc đẩy bởi nhu cầu và hướng đến người dùng. Cuối cùng, người dùng phải sẵn sàng trả tiền”, Dave Ng nói.

So với Trung Quốc, nơi khởi nguồn của khái niệm này, mô hình siêu ứng dụng vẫn là “đang được phát triển và chưa hoàn thiện” ở khu vực Đông Nam Á, Dave Ng nói thêm.

momo-grab-gojek-va-cac-startup-o-dong-nam-a-khong-nen-voi-sao-chep-thanh-cong-cua-wechat.jpg
Ảnh chụp tại China Conference: Southeast Asia, từ trái sang phải là Eugene Tang (biên tập viên kinh doanh của trang SCMP), Hian Goh, Dave Ng, Manisha Shah và Darren Yong (trưởng bộ phận công nghệ, truyền thông và viễn thông tại KPMG châu Á - Thái Bình Dương)

WeChat là ứng dụng mạng xã hội và nền tảng nhắn tin được phát triển bởi Tencent Holdings. WeChat trình làng vào năm 2011 và từ đó trở thành một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc.

Ngoài tính năng nhắn tin và mạng xã hội, WeChat cũng cung cấp một loạt các dịch vụ khác như thanh toán di động, chơi game, thương mại điện tử và thậm chí là ngân hàng trực tuyến. Người dùng cũng có thể thực hiện cuộc gọi thoại và video, chia sẻ ảnh và video, tham gia các nhóm trò chuyện.

Một tính năng thú vị của WeChat là Moments, cho phép người dùng chia sẻ bài viết với bạn bè và người theo dõi, tương tự như news feed của Facebook. WeChat cũng hỗ trợ các tài khoản chính thức cho doanh nghiệp và tổ chức, được sử dụng để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, cũng như tương tác với khách hàng.

WeChat đã đối mặt với nhiều tranh cãi về chính sách bảo mật, khi bị cáo buộc thu thập và chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Tencent Holdings đã phủ nhận những cáo buộc này và khẳng định tuân thủ tất cả luật cũng như quy định liên quan.

Theo thống kê gần đây, WeChat có khoảng 1,3 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng. Từ năm 2011 đến 2021, số lượng người dùng WeChat đã tăng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trung bình là 48,7%, với sự tăng trưởng nhanh nhất đến trong vài năm đầu tiên.

Bài liên quan
Thông báo sáp nhập, Gojek và Tokopedia hóa tập đoàn công nghệ hàng đầu ASEAN đấu với Grab, Sea
Vụ sát nhập Gojek và Tokopedia dự kiến ​​sẽ làm rung chuyển làng công nghệ đang phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lãnh đạo các nước ASEAN đối thoại với đại diện nghị viện, thanh niên và doanh nghiệp
30 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều 9.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự các phiên đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) và Thanh niên ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘MoMo, Grab, Gojek và các startup Đông Nam Á không nên vội sao chép thành công của WeChat’