Các nhà đầu tư cổ vũ một cuộc cải tổ lớn ở Alibaba vì dấu hiệu cho thấy cuộc giám sát bằng quy định của Trung Quốc với khu vực doanh nghiệp sắp kết thúc. Điều này giúp cổ phiếu của Alibaba và các công ty cùng ngành tăng vọt hôm 29.3.

Alibaba thực hiện cải tổ lớn nhất trong 24 năm, cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc tăng vọt

Sơn Vân | 29/03/2023, 18:40

Các nhà đầu tư cổ vũ một cuộc cải tổ lớn ở Alibaba vì dấu hiệu cho thấy cuộc giám sát bằng quy định của Trung Quốc với khu vực doanh nghiệp sắp kết thúc. Điều này giúp cổ phiếu của Alibaba và các công ty cùng ngành tăng vọt hôm 29.3.

Hôm 28.3, Alibaba tiết lộ đang có kế hoạch chia thành 6 đơn vị và khám phá các khoản gây quỹ hoặc niêm yết cho hầu hết trong số đó. Đây là cuộc tái cơ cấu lớn nhất Alibaba trong 24 năm.

Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Alibaba đã tăng tới 16,3%, theo sau mức tăng 14,3% của cổ phiếu niêm yết tại Mỹ trong đêm, đưa chỉ số Hang Seng Index (HSI) và các thị trường rộng lớn trong khu vực lên cao hơn.

Hang Seng Index là chỉ số trọng số vốn hóa thị trường thả nổi tự do của 60 công ty lớn nhất giao dịch trên Sàn giao dịch Hồng Kông (HKEx). HKEx là một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới.

Động thái này đại diện cho “ánh sáng cuối đường hầm” với nhiều nhà đầu tư, vốn đã chứng kiến làn sóng biện pháp quản lý, giám sát từ các cơ quan chức năng Trung Quốc với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tư nhân.

"Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang tiến gần đến giai đoạn cuối của quá trình giám sát theo quy định với Alibaba. Chúng tôi hy vọng rằng công ty sẽ quay trở lại với sự ưu ái của các cơ quan quản lý cùng các nhà hoạch định chính sách sau đó", Jon Withaar, người quản lý các tình huống đặc biệt khu vực châu Á tại công ty Pictet Asset Management, nói với Reuters.

Alibaba thông báo sẽ tổ chức cuộc gọi hội nghị vào ngày 30.3 để thảo luận về kế hoạch chia tách. Daniel Zhang, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Alibaba, có thể tham gia cuộc gọi, theo những người quen thuộc với vấn đề này.

Cuộc giám sát bằng quy định của Trung Quốc vài năm qua với các công ty trong nước, chủ yếu là lĩnh vực internet, giáo dục tư nhân và bất động sản, đã xóa sạch hàng tỉ USD giá trị thị trường và đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Hôm 28.3, Alibaba cho biết sẽ chia thành 6 đơn vị gồm Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics Group, Global Digital Commerce Group và Digital Media and Entertainment Group. Theo hai nguồn tin khác quen thuộc với công ty, Alibaba đã có kế hoạch tách các đơn vị kinh doanh riêng lẻ trong một thời gian dài.

"Có sự đồng thuận trong và ngoài Alibaba rằng cổ phiếu đang được giao dịch với mức chiết khấu lớn so với giá trị vốn có của doanh nghiệp", một người trong số họ cho biết, đồng thời nói thêm rằng công ty đã trở nên "quá phình to".

Người này tiết lộ sẽ có 5 đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) từ các đơn vị này, trong khi Taobao và Tmall, hai công ty thúc đẩy doanh thu cốt lõi của Alibaba, sẽ vẫn thuộc về đơn vị niêm yết hiện tại.

Hồng Kông là địa điểm có nhiều khả năng nhất cho các đợt IPO này, theo nguồn tin riêng quen thuộc với các giao dịch trên thị trường vốn của các hãng công nghệ Trung Quốc.

Alibaba không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.

Tại Nhật Bản, cổ phiếu SoftBank Group Corp (có 13,7% cổ phần của Alibaba) tăng 6,2%. SoftBank Group Corp không phản hồi trước câu hỏi của Reuters.

alibaba-thuc-hien-cai-to-lon-nhat-24-nam-co-phieu-cac-hang-cong-nghe-trung-quoc-tang-vot.jpg
Một người đàn ông đi ngang qua logo của Alibaba tại văn phòng ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Bản thân Alibaba sẽ cải cách lại cấu trúc tổ chức trong công ty mẹ với Daniel Zhang vẫn giữ vị trí Giám đốc điều hành. 6 đơn vị con của Alibaba đều có Giám đốc điều hành và hội đồng quản trị riêng. Daniel Zhang cũng sẽ đứng đầu đơn vị tập trung vào đám mây.

Đây không phải lần đầu tiên Alibaba tách các đơn vị kinh doanh của mình. Năm 2011, Alibaba đã tách đơn vị thanh toán Alipay đang phát triển nhanh chóng của mình, sau đó phát triển thành hãng công nghệ tài chính lớn Ant Group.

Những nhà phân tích của Bank of America đã mô tả việc tái cơ cấu Alibaba là "một thí nghiệm quan trọng", sẽ thử nghiệm xem những công ty lớn nhất Trung Quốc có thể đáp ứng yêu cầu của chính quyền để "đóng góp cho xã hội" hay không.

Alibaba là mục tiêu phổ biến trong thời kỳ Trung Quốc "đàn áp" bằng quy định. Công ty phải đối mặt với sự giám sát vì tham gia vào hành vi độc quyền trong không gian thương mại điện tử cũng như các hoạt động bảo mật dữ liệu trong kinh doanh trên nền tảng đám mây và việc đối xử với lao động ở các đơn vị giao hàng.

Theo điều mà nhiều nhà quan sát coi là tượng trưng cho sự lạnh lẽo của quy định, Jack Ma (nhà sáng lập Alibaba) rời Trung Quốc vào cuối năm 2021 và được nhìn thấy đi du lịch đến một số quốc gia khác nhau.

Jack Ma xuất hiện hôm 27.3 tại thành phố Hàng Châu, nơi đặt trụ sở của Alibaba, chỉ một ngày trước khi công ty tuyên bố tái cấu trúc.

Zhang Zhihua, Giám đốc đầu tư tại hãng Beijing Yunyi Asset Management, cho biết ngoài sự trở lại của Jack Ma và quá trình Alibaba tái cơ cấu, lãnh đạo Trung Quốc và chính quyền địa phương gần đây có lập trường mềm mỏng hơn với khu vực tư nhân, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

Cổ phiếu của JD.com, đối thủ thương mại điện tử lâu năm của Alibaba, đã tăng tới 7,8% hôm 29.3. Tencent Holdings, công ty game lớn nhất Trung Quốc, chứng kiến cổ phiếu tăng tới 5,1%.

Nhà phân tích Tina Teng của hãng CMC Markets nói việc chia tách Alibaba có thể mở đường cho những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác tiến hành tái cơ cấu tương tự. Bà nói: “Điều đó giúp phá vỡ thế độc quyền của các tập đoàn này, vốn tuân thủ quy định của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề chống độc quyền”.

Ngoài các hoạt động chính trong lĩnh vực game và mạng xã hội, Tencent Holdings còn có các hoạt động liên quan đến đám mây và công nghệ tài chính. Những năm gần đây, JD.com đã tách ra nhiều chi nhánh, bao gồm cả JD Logistics và JD Digits - tập trung vào đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).

Brian Tycangco, người theo dõi lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc tại công ty Stansberry Research, nói ngoài việc cho phép định giá cao hơn, việc tái cấu trúc bảo vệ tốt hơn các bộ phận riêng lẻ khỏi quy định của chính phủ trong tương lai.

Brian Tycangco nói với Reuters: “Bất kỳ quy định mới nào cũng có thể sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ công ty, chỉ tác động đến các bộ phận cụ thể mà quy định đó áp dụng”.

Bài liên quan
Jack Ma không còn quyền kiểm soát Ant Group, các chuyên gia lên tiếng
Jack Ma sẽ không còn kiểm soát Ant Group sau khi các cổ đông của công ty đồng ý thực hiện một loạt điều chỉnh khiến ông từ bỏ hầu hết quyền biểu quyết của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Alibaba thực hiện cải tổ lớn nhất trong 24 năm, cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc tăng vọt