Google đang triển khai thêm nhiều trí tuệ nhân tạo (AI) hơn cho sản phẩm tìm kiếm cốt lõi của mình, với hy vọng tạo ra sự phấn khích cho người tiêu dùng giống bản cập nhật Bing của Microsoft những tháng gần đây.
Tại hội nghị I/O ở thành phố Mountain View (bang California, Mỹ) hôm 10.5, Google đã giới thiệu phiên bản mới của công cụ tìm kiếm có tên Search Generative Experience (trải nghiệm sáng tạo tìm kiếm). Phiên bản Google được tân trang lại có thể tạo câu trả lời cho các truy vấn mở một cách sáng tạo, trong khi vẫn giữ nguyên danh sách liên kết đến những trang web mà người dùng đã quen thuộc.
“Chúng tôi đang tân trang tất cả sản phẩm cốt lõi của mình, bao gồm cả tìm kiếm”, Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Alphabet, nói sau khi ông bước lên sân khấu tại sự kiện I/O.
Ông cho biết Google đang tích hợp generative AI vào công cụ tìm kiếm cũng như các sản phẩm như Gmail (có thể tạo thư nháp) và Google Photos (có thể thực hiện các thay đổi với hình ảnh như căn giữa các hình và tô màu trong không gian trống).
Cổ phiếu Alphabet đã tăng 4% hôm 10.5, tăng 26% từ đầu năm đến nay, so với mức tăng 8% của chỉ số S&P 500 trong cùng khung thời gian. S&P 500 là chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ.
Cathy Edwards, Phó chủ tịch Alphabet, cho biết người tiêu dùng Mỹ sẽ có quyền truy cập vào Search Generative Experience trong những tuần tới thông qua danh sách chờ, giai đoạn thử nghiệm mà Google sẽ giám sát chất lượng, tốc độ và chi phí của kết quả tìm kiếm.
Bước đột phá của Google vào lĩnh vực generative AI xuất hiện sau khi công ty khởi nghiệp OpenAI giới thiệu ChatGPT, chatbot gây bão khắp thế giới đã kích hoạt cuộc chạy đua khốc liệt giữa các hãng muốn cạnh tranh về AI.
Generative AI có thể sử dụng dữ liệu được đào tạo trong quá khứ để tạo nội dung hoàn toàn mới như văn bản, hình ảnh và mã phần mềm được định dạng đầy đủ.
Được Microsoft tài trợ hàng tỉ USD, OpenAI với mô hình ngôn ngữ lớn GPT (nền tảng cho ChatGPT hoạt động) trở thành phiên bản mặc định của generative AI, giúp người dùng tạo ra các bài luận văn, hợp đồng, lịch trình du lịch, thậm chí cả tiểu thuyết hoàn chỉnh.
Trong nhiều năm, Google đã là cổng thông tin hàng đầu internet, nhưng các đối thủ đã bắt đầu khai thác AI và khiến Google phải chạy theo. Google đang bị đe dọa mất thị phần trên thị trường quảng cáo trực tuyến khổng lồ mà công ty nghiên cứu MAGNA ước tính đạt 286 tỉ USD trong năm nay.
"AI có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc, nhưng về cơ bản, điều mà mọi người muốn cuối cùng là được kết nối với thông tin từ những người và tổ chức uy tín, chẳng hạn biết rằng thông tin sức khỏe này đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, Cathy Edwards nói.
Giải quyết cách AI có thể đưa ra thông tin không chính xác, Cathy Edwards cho biết công ty ưu tiên độ chính xác và trích dẫn các nguồn đáng tin cậy.
Google cũng sẽ đánh dấu các hình ảnh mà nó tạo ra bằng AI và giúp người dùng dễ dàng kiểm tra tính xác thực của ảnh hơn.
Kingsley Crane, nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư toàn cầu Canaccord Genuity, nhận xét: “Tầm nhìn của Google chứng minh rõ ràng rằng tìm kiếm đang phát triển chứ không phải tan biến. Google sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển trong tương lai”.
Dù tích hợp AI, Google vẫn trông giống và hoạt động giống như thanh tìm kiếm trống rỗng quen thuộc của mình. Thế nhưng trong khi tìm kiếm "thời tiết San Francisco" sẽ đưa người dùng đến dự báo thời tiết 8 ngày như thường lệ, một truy vấn hỏi nên mặc trang phục gì ở thành phố California sẽ đưa ra một phản hồi dài do AI tạo ra, theo bài thuyết trình của Google cho Reuters vào đầu tuần này.
Thách thức khi sử dụng AI như vậy, được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn, là chi phí cao. Cathy Edwards nói: "Chúng tôi và những người khác đang nghiên cứu nhiều cách khác nhau để giảm chi phí theo thời gian".
Phó chủ tịch Alphabet cho biết quảng cáo sẽ vẫn là chìa khóa. "Chúng tôi chỉ được trả tiền khi có một cú nhấp chuột", bà lý giải.
Bard sẽ đa phương thức giống GPT-4, khả dụng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ
Michael Ashley Schulman, Giám đốc đầu tư hãng Running Point Capital Advisors, cho biết: "Google đang thể hiện sự sẵn sàng, khả năng tự đổi mới và vượt qua chính mình, điều mà tôi cảm thấy sẽ được các nhà đầu tư đón nhận".
Những năm gần đây, các đối thủ đã sử dụng những đột phá trong nghiên cứu từ Google và áp dụng vào các sản phẩm của mình.
ChatGPT được biết đến sau khi Google giới thiệu một hệ thống AI vào năm 2017. Tốc độ phát triển của ChatGPT nhanh hơn bất kỳ ứng dụng tiêu dùng nào trong lịch sử, đã khiến Google thường xuyên cân nhắc để thúc đẩy nhân viên nhanh chóng thực hiện các dự án.
Vào tháng 2, Google đã công bố chatbot Bard để cạnh tranh với ChatGPT. Video quảng cáo trong tháng đó cho thấy Bard trả lời sai một câu hỏi khiến giá cổ phiếu Alphabet lao dốc và vốn hóa thị trường công ty giảm hơn 100 tỉ USD.
Giờ đây, Bard sẽ đa phương thức giống GPT-4 của OpenAI, Google cho biết hôm 10.5. Điều đó có nghĩa là khách hàng sẽ có thể truy vấn Bard bằng hình ảnh chứ không chỉ bằng văn bản, chẳng hạn như yêu cầu chatbot viết chú thích cho bức ảnh mà họ gửi cho nó.
Google Bard sẽ khả dụng với người dùng ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đằng sau Bard là mô hình AI mạnh mẽ hơn mà Google công bố có tên PaLM 2, có thể giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. Sundar Pichai cũng cho biết một trong những mẫu PaLM 2 đủ nhẹ để hoạt động trên smarphone.
Trong một tin tức khác về I/O, Thomas Kurian - Giám đốc điều hành Google Cloud nói với Reuters rằng đơn vị này đang sắp xếp khách hàng để thử nghiệm công nghệ mới nhất của mình, trong số đó có Deutsche Bank AG và Uber Technologies.
Smartphone Pixel Fold có thể gập
Cũng tại sự kiện I/O, Google đã giới thiệu smartphone Pixel Fold có thể gập lại trông tương tự như Galaxy Fold của Samsung.
Pixel Fold được trang bị chip Tensor G2 với bộ đồng xử lý Titan M2, RAM LPDDR5 12 GB với các tùy chọn lưu trữ UFS 3.1 256 và 512 GB, pin 4.821 mAh hỗ trợ sạc nhanh có dây 30W và sạc không dây Qi.
Máy đi kèm camera ngoài 9,5 megapixel f/2.2 và camera trong 8 megapixel f/2.0 với điểm chung là có tiêu cự cố định. Camera chính 48 megapixel kết hợp camera siêu rộng 10,8 megapixel với trường nhìn 121,1 độ và camera tele 5x 10,8 megapixel hỗ trợ tính năng Super Res Zoom lên đến 20 lần.
Về khả năng kết nối, Pixel Fold hỗ trợ 5G (mmWave và Sub 6 GHz), Wi-Fi 6E, Bluetooth 5.2, NFC. Máy có hai SIM với một khe cắm nanoSIM vật lý và một eSIM.
Điểm nổi bật nhất của Pixel Fold là màn hình OLED 7,6 inch ở bên trong với độ phân giải 2.208 x 1.840 pixel và tốc độ làm tươi lên đến 120 Hz. Màn hình được phủ một lớp nhựa bảo vệ và hỗ trợ độ sáng tối đa 1.450 nit. Camera bên trong được bố trí nằm ở phía bên phải máy.
Bên ngoài Pixel Fold có màn hình OLED 5,8 inch độ phân giải 2.092 x 1.080 pixel với tốc độ làm tươi lên đến 120 Hz. Màn hình được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass Victus và hỗ trợ độ sáng tối đa 1.550 nit. Nó có một lỗ đục ở giữa cho camera phía trước nhằm hỗ trợ chụp ảnh tự sướng thuận tiện.
Pixel Fold có giá 1.799 USD và hiện đã bắt đầu cho đặt trước tại Mỹ. Google sẽ tặng kèm Pixel Watch nếu người dùng đặt hàng trước Pixel Fold từ bây giờ. Máy sẽ đến với tay khách hàng bắt đầu từ tháng 6.
Tại sự kiện I/O, Google cũng công bố smartphone Pixel 7A với giá 499 USD.