Đó là tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 12.9 khi bắt đầu phiên tòa xét xử chống độc quyền tại Washington.

‘Google trả hơn 10 tỉ USD/năm cho Apple và nhiều hãng để duy trì độc quyền mảng tìm kiếm’

Sơn Vân | 12/09/2023, 22:55

Đó là tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 12.9 khi bắt đầu phiên tòa xét xử chống độc quyền tại Washington.

Cụ thể hơn, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố như sau: “Google của Alphabet chi trả hơn 10 tỉ USD mỗi năm để duy trì vị trí là công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt web và thiết bị di động, nhằm kìm hãm sự cạnh tranh”.

Kenneth Dintzer, một luật sư của chính phủ Mỹ, nói trong tuyên bố mở đầu phiên tòa: “Vụ việc này liên quan đến tương lai của internet và liệu công cụ tìm kiếm Google có phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể hay không. Bằng chứng sẽ cho thấy Google yêu cầu quyền độc quyền mặc định để chặn các đối thủ tiến lên”.

Kenneth Dintzer cho biết Google đã trở thành công ty độc quyền ít nhất vào năm 2010 và hiện kiểm soát hơn 89% thị trường tìm kiếm trực tuyến. Ông nói: “Công ty phải trả hàng tỉ USD cho những tùy chọn mặc định vì chúng có sức mạnh đặc biệt. Trong 12 năm qua, Google đã lạm dụng sự độc quyền của mình trong lĩnh vực tìm kiếm nói chung”.

Phiên tòa xét xử độc quyền là vụ đầu tiên chính phủ liên bang chống lại một hãng công nghệ Mỹ trong hơn hai thập kỷ. Bộ Tư pháp và 52 tổng chưởng lý từ các bang cùng vùng lãnh thổ Mỹ cáo buộc Google duy trì sự độc quyền của mình một cách bất hợp pháp bằng cách trả hàng tỉ USD cho các đối thủ công nghệ, hãng sản xuất smartphone và nhà cung cấp dịch vụ không dây để đổi lấy việc được đặt làm tùy chọn mặc định trên điện thoại di động và trình duyệt web.

Các luật sư của Google, vốn phủ nhận các tuyên bố từ chính phủ, sẽ trình bày tuyên bố mở đầu của họ vào thứ Ba tuần sau.

google-tra-hon-10-ti-usd-nam-cho-apple-va-nhieu-hang-de-duy-tri-doc-quyen-mang-tim-kiem.jpg
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google chi trả hơn 10 tỉ USD mỗi năm để duy trì vị trí là công cụ tìm kiếm trên trình duyệt web và thiết bị di động, nhằm kìm hãm sự cạnh tranh - Ảnh: Internet

Tìm kiếm trực tuyến “được vũ khí hóa”

Kenneth Dintzer cho biết Google đã "vũ khí hóa" việc sử dụng các thỏa thuận mặc định để ngăn cản các đối thủ và thực thi sức mạnh thị trường của mình bằng cách ngăn chặn Apple theo đuổi các lựa chọn tốt hơn Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt, máy tính, điện thoại và các thiết bị khác của họ.

Kenneth Dintzer nói Apple lần đầu tiên cấp phép cho Google trở thành công cụ tìm kiếm trong trình duyệt Safari của mình vào năm 2002 và không cần tiền cũng như không độc quyền. Ông cho biết, ba năm sau, Google tiếp cận Apple để đề xuất thỏa thuận chia sẻ doanh thu.

Theo Kenneth Dintzer, vào năm 2007, Apple muốn cung cấp một màn hình cho phép người dùng chọn giữa Google và Yahoo. Thế nhưng, Google đã trả lời qua email: “Không có vị trí mặc định, không chia sẻ doanh thu”, Kenneth Dintzer nói.

Đây là một cách mà một người độc quyền thể hiện sức mạnh”, ông cho hay và nói thêm rằng Apple không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ Google.

Theo Kenneth Dintze, đến năm 2020, Google đã phải trả từ 4 tỉ đến 7 tỉ USD cho Apple để công cụ tìm kiếm của mình trở thành mặc định trên Safari.

Trang Forbes cho rằng Google trả cho Apple gần 15 tỉ USD vào năm 2021 để giữ vị trí công cụ tìm kiếm mặc định. Sang năm 2022, con số lên đến 18 - 20 tỉ USD.

Luật sư của chính phủ Mỹ cho biết Google trả hơn 1 tỉ USD cho các nhà mạng không dây để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone Android theo các thỏa thuận nhằm bảo vệ Google khỏi các đối thủ.

Ví dụ Samsung Electronics và nhà mạng AT&T (Mỹ) đã hợp tác với công ty khởi nghiệp Branch Metrics để tạo ra một sản phẩm cho phép người dùng tìm kiếm thông tin trên các ứng dụng đã tải xuống smartphone. Google cảm thấy đây là một “mối đe dọa” và sau đó đã thay đổi thỏa thuận của mình với AT&T và Samsung Electronics để cấm điều đó, Kenneth Dintze nói.

Google cho rằng họ đang cạnh tranh với một số trang trực tuyến khác, gồm cả Facebook và TikTok. Thế nhưng, Kenneth Dintze nói những trang đó không cung cấp dịch vụ “mua sắm tất cả trong một” cho những gì có trên internet giống Google.

Giai đoạn thử thách đầu tiên

Giai đoạn thử thách đầu tiên này sẽ đánh giá liệu Google có độc quyền bất hợp pháp thị trường tìm kiếm trực tuyến hay không. Thẩm phán Amit Mehta, người giám sát phiên tòa, dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào năm tới về việc liệu Google có vi phạm luật hay không.

Nếu thắng vụ kiện, Bộ Tư pháp Mỹ có thể tìm kiếm các biện pháp khắc phục ở giai đoạn thứ hai của phiên tòa nhằm tách hoạt động kinh doanh tìm kiếm của Alphabet (công ty mẹ Google) khỏi các sản phẩm khác, như Android và Google Maps. Nếu xảy ra, điều này sẽ đánh dấu sự chia tách bắt buộc lớn nhất với một công ty Mỹ sau trường hợp của AT&T vào năm 1984.

Google đã phải đối mặt với một số cuộc điều tra liên quan đến hành vi tương tự ở nước ngoài, gồm cả ba trường hợp ở EU, trong đó công ty phải trả hơn 8 tỉ euro (8,6 tỉ USD) tiền phạt vì lạm dụng quyền thống trị trên hệ điều hành di động, hoạt động kinh doanh tìm kiếm và hoạt động hiển thị quảng cáo.

Kenneth Dintze cho biết nhân chứng đầu tiên của chính phủ Mỹ tại phiên tòa sẽ là Hal Varian - nhà kinh tế trưởng của Google.

Kent Walker, Giám đốc pháp lý của Google, đã tham dự buổi phát biểu mở đầu phiên tòa, ngồi ở hàng ghế đầu phía sau các luật sư của công ty. Jonathan Kanter, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp về chống độc quyền, cũng thay mặt Bộ Tư pháp Mỹ tham dự phiên tòa.

Bài liên quan
Nhà nghiên cứu AI kỳ cựu nói lý do rời Google, chê bai OpenAI
Llion Jones từng đóng vai trò quan trọng tại Google, nơi ông đã làm việc gần 12 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
36 phút trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Google trả hơn 10 tỉ USD/năm cho Apple và nhiều hãng để duy trì độc quyền mảng tìm kiếm’