Cú "trảm" thày Giôm của HAGL có thể là cú sốc lớn nhất của V-League 2015 tính đến thời điểm này, nhưng nếu nhìn lại lịch sử giải đấu số 1 quốc gia kể từ ngày chuyên nghiệp, thì đây chẳng phải là lần đầu đội bóng phố núi "thay tướng giữa dòng" và cũng đã là lần thứ hai, thày nội được điều vào vai "đóng thế".

HA.GL và chiếc 'phao cứu sinh' thầy nội

Một Thế Giới | 18/08/2015, 07:06

Cú "trảm" thày Giôm của HAGL có thể là cú sốc lớn nhất của V-League 2015 tính đến thời điểm này, nhưng nếu nhìn lại lịch sử giải đấu số 1 quốc gia kể từ ngày chuyên nghiệp, thì đây chẳng phải là lần đầu đội bóng phố núi "thay tướng giữa dòng" và cũng đã là lần thứ hai, thày nội được điều vào vai "đóng thế".

Tính ra đến trước thời điểm "trảm tướng" tại V-League 2015, sau 12 năm chơi chuyên nghiệp, tổng cộng HAGL đã dùng 8 HLV trưởng ngoại quốc, trong đó có tới 5 HLV người Thái, 1 Hàn Quốc và 1 Pháp.

Ông thày nội duy nhất được bầu Đức tin dùng là một công thần, người đã gắn bó với bóng đá phố núi thuở hàn vi dưới cái tên Gia Lai - Huỳnh Văn Ảnh.

Và không chỉ chiếm số lượng áp đảo, thành công lẫn cả danh tiếng của HAGL tại V-League cũng gắn với các ngôi sao cùng những ông thày người Thái. 2 chức vô địch V-League 2003 và 2004 thuộc về HLV Arjhan Srong-ngamsub (HLV này còn dẫn dắt mùa giải 2006), rồi sau này là những cái tên lừng danh khác của bóng đá xứ chùa Vàng như: Cựu danh thủ Kiatisuk Senamuang (2006 và 2010); Dusit Chalermsan (2008, 2009 và 2011); Chatchai Paholpat (2006, 2007, 2009), Anant Amornkiat (2008).

Có đến, có đi, nhưng chuyện "thay tướng" trên phố núi trước đây chưa bao giờ là nóng. Với những ông thày Thái Lan đơn giản đó chỉ là "thế chỗ lẫn nhau", riêng bản hợp đồng với HLV Hàn Quốc Choi Yun-Gyum kéo dài nhất (2011-2014) bị coi là cuộc đầu tư thất bại của bầu Đức với chỉ vỏn vẹn tấm HCĐ V-League 2013.

Mọi con số thống kê kể trên đã chỉ ra vai trò mờ nhạt của thày nội với đội bóng phố núi mà ở đây không đơn thuần chỉ là chuyện chuyên môn mà còn là cả chuyện "vị thế” trong mắt ông chủ.

Trường hợp của ông thày nội duy nhất của HAGL, HLV Huỳnh Văn Ảnh, là minh chứng rõ nhất.

Được người dân phố núi phong biệt danh "Tam Lang" nhờ những chiến tích với bóng đá xứ Gia Lai - Kon Tum thời còn bao cấp, HLV Huỳnh Văn Ảnh lần đầu tiên nắm HAGL vào năm 2005 và đưa đội bóng đến vị trí thứ ba tại Champions League Đông Nam Á lần đầu tiên tổ chức. Nhưng cũng chính ở giải đấu đó, HAGL mắc vào nghi án bán độ khiến lực lượng sứt mẻ và chu kỳ tụt dốc chính thức bắt đầu khiến ông thày nội này phải sớm nói lời chia tay vì lý do chính - Không quản nổi quân!

Lần thứ 2, ông Ảnh ngồi lên ghế HLV trưởng xem ra cũng giống với thời điểm bây giờ. Đó là khi lượt đi V-League 2011 sắp khép lại, HAGL dưới sự dẫn dắt của cựu danh thủ Thái Dusit Chalermsan liên tiếp thất bại và chỉ trong 1 tuần, Dusit tới 2 lần xin từ chức. Bầu Đức trước đó đã từng rất nhiều lần bảo vệ ông thày người Thái với tuyên bố rất quen: "Tôi biết Dusit còn yếu, nhưng đã giao việc thì phải tin"!

Nhưng trước nguy cơ đội bóng rớt hạng, tuyên bố đã "có thêm" phần nữa: "Làm không được thì thay thế là tất yếu", HLV Huỳnh Văn Ảnh được cử làm... phao cứu sinh và mùa bóng năm đó, HAGL đã gượng dậy thành công ở lượt về với hạng 9 chung cuộc sau 8 trận thắng - 8 hòa và 10 thua.

Có một chi tiết khá thú vị là cũng ở lần "thay tướng" ấy, HLV Huỳnh Văn Ảnh đã đề xuất đưa HLV Nguyễn Quốc Tuấn (cựu thủ môn đội HAGL) lên làm trợ lý cho mình. Và 4 năm trôi qua, đến lượt chính ông Tuấn trở thành cái "phao cứu sinh" khi Guillaume Graechen bị sa thải. Chỉ có điều, 4 năm trước ông Ảnh có cả lượt về và đội bóng phố núi lúc ấy mới chỉ đứng hạng 11/14. Còn lúc này quá khó cho ông thày nội thứ hai của HAGL!

Vũ Minh (Thể thao & Văn hóa)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
HA.GL và chiếc 'phao cứu sinh' thầy nội