Theo MIT Technology Review, sau 40 năm, các chuyên gia của công ty Hà Lan NRG lại bắt đầu thử nghiệm quá trình phân hạch hạt nhân bằng cách sử dụng các muối thori.
Thử nghiệm tương tự từng được Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ ở Oak Ridgethực hiện trong những năm 1970. Được biết thori là một nguyên tố hóa học có ký hiệu Th và số hiệu nguyên tử 90 trong bảng tuần hoàn. Thori là một trong 3 kim loại phóng xạ xuất hiện trong tự nhiên với số lượng lớn ở dạng nguyên thủy hai nguyên tố còn lại là Bismuth (Bi) và Uranium (U).
Thori có một số lợi thế hơn urani, vốn đang được sử dụng trong hầu hết các lò phản ứng hạt nhân hiện đại.
Thori được coi là an toàn hơn và lò phản ứng muối nóng chảy đơn giản trong thiết kế, bền hơn và cho phép thay thế các thanh nhiên liệu mà không phải ngừng lại các lò phản ứng. Tuy nhiên, những người hoài nghi tin rằng chi phí tương đối thấp hơn của uranium làm cho việc dùng muối thori không có lãi.
Để xác minh điều này, các nhà khoa học NRG đang thử nghiệm một số phương án thiết kế lò phản ứng muối thori lỏng ở một quy mô giới hạn. Thí nghiệm Salient-1 sử dụng một hỗn hợp của florua thori và lithium fluoride trong một lò phản ứng neutron nhanh, về mặt lý thuyết, có thể tiêu thụ nhiên liệu hạt nhân phế thải xuất hiện trong phản ứng phân hạch uranium thông thường. Sander de Groot, phát ngôn viên của NRG chia sẻ rằng "Đây là một công nghệ nhiều hứa hẹn cho sản xuất năng lượng trên quy mô lớn. Chúng tôi muốn là người đầu tiên khi thực hiện bước nhảy vọt".
Mối quan tâm đến các lò phản ứng dùng muối thori nóng chảy đã tăng lên gần đây. Trong khi các nhà máy điện hạt nhân dùng uranium đã qua thời kỳ hoàng kim, một số công ty sáng tạo mới được thành lập đang khám phá các khả năng khôi phục lò phản ứng dùng muối thori nóng chảy. Đặc biệt, Trung Quốc kỳ vọng nhiều vào những lò phản ứng kiểu này với kế hoạch kết nối nhà máy điện đầu tiên như vậy vào lưới điện quốc gia trong 15 năm tới.
Trong khi đó, các nhà khoa học tại Stanford, Mỹ, đã phát hiện ra một phương pháp mới để khai thác urani, với số lượng lớn chứa trong đại dương. Cho đến nay, người ta tin rằng khai thác uranium ở đại dương không mang lại kinh tế, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng không phải là như vậy.
Vũ Trung Hương