Lãi suất điều hành hạ nhiệt sẽ là động lực giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay từ các ngân hàng. Từ đó tín dụng được kích cầu thì triển vọng nền kinh tế sẽ tích cực hơn.
Lãi suất hạ nhiệt, kích cầu tín dụng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã điều chỉnh giảm 1% đối với một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đây cũng là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết hạ lãi suất điều hành lần này không bao gồm hạ lãi suất huy động. Lãi suất huy động không thay đổi thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất cho vay, trong khi lãi suất cho vay cao mới đang là vấn đề của nền kinh tế.
Theo ông Hiếu, hai lãi suất quan trọng là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất qua đêm giảm, đây là mức giảm khá mạnh từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất điều hành mới chỉ tác động trên hệ thống liên ngân hàng, lãi suất điều hành không phải lãi suất thương mại. Để lãi suất liên ngân hàng tác động lên thị trường thì cần có thời gian.
"Lãi suất cao, tuy một mặt phục vụ cho kiểm soát lạm phát nhưng mặt khác đánh mạnh vào nền kinh tế, khiến nhiều thị trường rơi vào khó khăn. Do đó, động thái giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ nền kinh tế thời gian tới. Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Hiếu nói.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước khá thận trọng với vấn đề lạm phát. Nếu lạm phát giảm trong tháng 3 thì mới kỳ vọng rằng lãi suất có xu hướng giảm. Tuy nhiên, mức giảm nhanh hay chậm phụ thuộc vào quan điểm của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí, nếu thận trọng vẫn cần đợi tín hiệu rõ ràng từ việc dừng tăng lãi suất của Fed thì vào tháng 5, Việt Nam có thể mới chuyển hướng sang hạ lãi suất.
Trên thực tế, lãi suất thực của Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, giới phân tích kinh tế - tài chính cũng đưa ra đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Khi lãi suất hạ nhiệt, triển vọng nền kinh tế sẽ tích cực hơn, không chỉ với ngành bất động sản và với các ngành khác. Lúc đó sẽ kích cầu tín dụng.
Đối với người dân và doanh nghiệp, khi lãi suất giảm, họ sẽ ưu tiên phân bổ vốn nhàn rỗi vào tiền gửi và tiết kiệm, doanh nghiệp khó huy động vốn cho đầu tư phát triển. Người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và lãi suất hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư khác trên thị trường vốn.
Vì vậy, không giảm lãi suất sẽ là vấn đề thách thức vô cùng lớn cho thị trường vốn và cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cũng như những cân đối lớn cho các năm tiếp theo. Với điều kiện tỷ giá như hiện nay, giới chuyên gia nhận định lãi suất huy động của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 7 - 8% là phù hợp.
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đồng loạt giảm
Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ngày 15.3 đồng loạt giảm. Cụ thể, Kiên Long Bank là ngân hàng có biểu lãi suất niêm yết cao nhất thị trường thời gian qua thì đến nay cũng đã hạ nhiệt. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của ngân hàng này giảm từ 9,3%/năm xuống 8,9%/năm. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động tiền gửi tại ngân hàng này cũng giảm từ 8,8%/năm xuống còn 8,4%/năm.
Lãi suất mới của ngân hàng SCB cũng cho thấy, ở kỳ hạn tiền gửi 24 tháng giảm từ 8,95%/năm xuống 8,6%/năm. Trong khi đó, có nhiều ngân hàng nhỏ cũng áp dụng mức lãi suất 8,8 - 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như: BacA Bank, Kienlongbank, Saigonbank... Riêng HDBank và VPBank áp dụng lãi suất ở mức 8,8%/năm cho kỳ hạn này. Còn ACB áp dụng mức lãi suất 8,6%, SHB (8,5%), MSB (8,4%)...
Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có lãi suất huy động 12 tháng thấp nhất thị trường, áp dụng dưới mức 7,2%/năm. Như vậy, nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước đã giảm 0,2 điểm % so với mức niêm yết trước đó là 7,4%/năm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định số 313 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng.
Theo đó, từ ngày 15.3, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.