Năm học 2019-2020, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội có khoảng 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS, con số này đã giảm khoảng 4.000 học sinh so với năm 2018. Tuy nhiên, với sự thay đổi cách thức thi, kỳ thi vào lớp 10 năm nay sẽ không vì thế mà hạ nhiệt.

Hà Nội: Học sinh căng thẳng khi phải thi 4 môn để lên lớp 10

Hải Yến | 03/03/2019, 06:22

Năm học 2019-2020, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội có khoảng 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS, con số này đã giảm khoảng 4.000 học sinh so với năm 2018. Tuy nhiên, với sự thay đổi cách thức thi, kỳ thi vào lớp 10 năm nay sẽ không vì thế mà hạ nhiệt.

Mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019, đối với hệ công lập không chuyên sẽ có nhiều thay đổi quan trọng. Đáng chú ý, số lượng môn thi sẽ tăng từ 2 môn lên 4 môn, trong điểm xét tuyển bỏ thành phần điểm học bạ.

Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho hay: Hiện tại trong chương trình giáo dục THCS vẫn đòi hỏi các em học sinh phải học đều khoảng 14 bộ môn. Học sinh chỉ thi 4/14 bộ môn thì không phải là nhiều và cũng không quá tải.

Đối với nội dung đề thi, Sở yêu cầu phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình của Bộ GD-ĐT đã ban hành từ năm 2008 đến nay. Các câu hỏi được sắp xếp với các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu; một số ít thuộc vận dụng cấp độ thấp. Những nội dung này hoàn toàn theo chuẩn chương trình, SGK hiện tại. Học sinh không phải quá vất vả mà chỉ cần nắm vững kiến thức trong SGK là có thể làm tốt được bài. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định, dù thay đổi cách thi tuyển nhưng kế hoạch dạy và học ở các nhà trường không có gì thay đổi.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Mạnh Hùng có con đang theo học Trường THCS Cầu Giấy cho biết: "Các năm trước chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn, giờ các con lại thi tới 4 môn nên việc học căng thẳng hơn nhiều. Đành rằng là tránh việc các con học tủ, học lệch, nhưng việc tăng gấp đôi số môn thi sẽ khiến các học sinh thấy việc thi cử là gánh nặng vì vốn dĩ thi vào lớp 10 được coi là kỳ thi căng thẳng hơn cả kỳ thi đại học vì chỉ có 60% học sinh được vào các trường công lập, còn lại là học dân lập nên tỷ lệ chọi lại càng nâng cao hơn".

Đồng ý với ý kiến trên, ông Đặng Quốc Thống - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho rằng: "Các em chỉ cần thi 3 môn như: Toán - Văn - Ngoại ngữ là đủ kiến thức cơ bản để các em lên cấp 3. Việc định hướng nghềkhông nên ép buộc từ cấp THCS, sẽ khiến các học sinh sợ hãi khi học" - ông Thống đưa quan điểm.

Theo Sở GD-ĐT cho biết việc chọn phương án4 bài thi nhưng có 1 bài thi chưa công bố là nhằm chủ ý học sinh học đều tất cả các môn còn lại, tránh học lệch như hiện nay học sinh chỉ tập trung ôn Văn, Toán để đối phó kỳ thi. Theo phương án được duyệt, bài thi thứ 4 sẽ thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ 4 sẽ do Sở GD-ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3.2019. Thời gian làm bài đối với các bài thi Toán, Ngữ văn là 120 phút, thời gian làm bài đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/ bài thi.

Tuy nhiên, khi trả lời về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội lại cho rằng việc Sở GD-ĐT đưa ra thi 4 môn là hết sức bình thường vì theo ông có học thì phải có thi, quan trọng nhất là cách ra đề của Sở GD-ĐT. "Giờ điều quan trọng nhất là Sở GD-ĐT sớm công bố đề thi minh họa để các em học sinh còn biết mà ôn tập sớm, tránh gây hoang mang. Đề thi cầntheo hướng rèn kỹ năng, trí tuệ là chính chứ không phải ra đề thi theo hướng học máy móc, thuộc lòng".

Theo kế hoạch dự kiến, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3.6, sớm hơn 1 tuần so với năm học trước. Việc đẩy sớm thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT nhằm tạo khoảng cách phù hợp về thời gian giữa kỳ thi này với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tạo thuận lợi cho các trường và đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Về đăng ký dự tuyển, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên của các trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây.

Ngoài ra, học sinh có thể dự tuyển tại các trường THPT ngoài công lập hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp bằng phương thức xét tuyển.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Học sinh căng thẳng khi phải thi 4 môn để lên lớp 10