UBND TP Hà Nội yêu cầu 100% các nguồn tin về tội phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được giải quyết; 100% người phát hiện, tố giác được bảo vệ, không bị trả thù, trù dập.
UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, UBND thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên. Trong đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước. Kiện toàn tổ chức; nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, thực hiện minh bạch, trách nhiệm giải trình và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước. Phát huy vai trò của xã hội trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.
Thông qua các nhiệm vụ, giải pháp trên góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
UBND thành phố cũng xác định rõ, kế hoạch là căn cứ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các cơ quan của thành phố có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, chất lượng trong tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh qua việc giám sát, kiểm tra, thanh tra và thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.
UBND thành phố còn yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm tính chính xác khách quan, kịp thời, khả thi của các kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra; bảo đảm các kết luận, kiến nghị, quyết định từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc; kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, tại kế hoạch số 157/KH-UBND về thực hiện chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Hoạt động thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm ở các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, như: Quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đầu tư mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên khoáng sản...
Kịp thời chỉ đạo thực hiện tiến hành thanh tra đột xuất, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, liên quan đến hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách, phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát, kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản, các quy định liên quan đến các cấp, các ngành và lĩnh vực, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, góp phần phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, như: Đất đai, đầu tư xây dựng, đấu thầu, thu chi ngân sách, quản lý sử dụng tài sản công...
Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phải được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ thành phố tới cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt, sát sao.
100% các nguồn tin về tội phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tiếp nhận, xử lý, giải quyết; 100% người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được bảo vệ, không bị trả thù, trù dập.
Đề cao và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhân dân trong việc tiếp nhận thông tin, phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc tiếp nhận thông tin về phát hiện, xử lý tham nhũng; động viên nhân dân tích cực tham gia phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng để kịp thời xem xét, giải quyết theo quy định.