Trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật, nói rằng đó là "một tín hiệu rõ ràng" đối với Bắc Kinh.
Hạ viện Mỹ đã phê duyệt một dự luật để ủng hộ Tây Tạng và đảm bảo Dalai Lama được kế thừa suôn sẻ trong tương lai. Động thái này là bước đi mới nhất trong một loạt các dự luật của Mỹ nhằm thách thức chính sách củaTrung Quốc.
Dự luật Chính sách và Hỗ trợ cho Tây Tạng đã giành được sự tán đồng mạnh mẽ vào thứ ba với 392 phiếu thuận và chỉ 22 phiếu chống. Trong đó, quan điểm của Mỹ được thể hiện rõ trong việc lãnh tụ tôn giáo tại Tây Tạng phải được chính người dân Tây Tạng lựa chọn mà không có sự can thiệp từ Bắc Kinh. Dự luật cũng đặt ra các lệnh trừng phạt nếu Bắc Kinh can thiệp vào quá trình công nhận người kế vị Dalai Lama.
Trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật, nói rằng đó là "một tín hiệu rõ ràng" đối với Bắc Kinh. Dự luật lần này nối theo sau các nghị quyết của Hạ việc Mỹ trong việc ủng hộ phong trào dân chủ của Hồng Kông và Tân Cương.
Tuy nhiên, để Dự luật mới trở thành đạo luật thì vẫn cần sự thông qua của Thượng viện và được Nhà trắng phê chuẩn. Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng đệ trình một dự luật tương tự để bỏ phiếu tại Thượng viện. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ nhiều khả năng chưa bỏ phiếu về dự luật do đang tập trung vào phiên tòa xem xét bãi nhiệm Trump.
Thực ra, Mỹ đã có đạo luật về Tây Tạng từ 18 năm trước nhưng giờ thì Hạ viện kêu gọi một đạo luật mới.Dự luật hỗ trợ và chính sách Tây Tạng lần này về bản chất là một sửa đổi của Đạo luật Chính sách Tây Tạng năm 2002, được quy định theo nghĩa rộng là sự ủng hộ của chính phủ Mỹ cho người dân Tây Tạng.
Cụ thể, dự luật mới yêu cầu chính quyền Mỹ xem xét bất kỳ quan chức Trung Quốc nào là người đồng lõa trong việc chỉ định hoặc cài đặt một ứng cử viên được chính phủ phê chuẩn là lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, trái với ý nguyện của Dalai Lama hiện nay. Theo dự luật, các quan chức đó phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế và bị cấm vào Mỹ.Dự luật cũng cấm Bắc Kinh không được phép mở các cơ sở ngoại giao trên đất Mỹ cho đến khi Washington có thể thành lập một lãnh sự quán ở Lhasa.
Trong khi đó, Bắc Kinh gần đây đã vài lên tiếng phàn nàn việc Mỹ can thiệp vào Tây Tạng. Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Các vấn đề Tây Tạng hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Không nước ngoài nào được phép can thiệp. Chúng tôi đề nghị phía Mỹ công nhận đầy đủ bản chất nhạy cảm cao của các vấn đề liên quan đến Tây Tạng, ngừng thúc đẩy hành động liên quan và ngừng can thiệp vào các vấn đề đối nội của Trung Quốc với Tây Tạng như một vỏ bọc”.
A.T