Một hộ gia đình tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) bất ngờ nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6.2020 lên tới hơn 89,3 triệu đồng. Trong khi hộ khác tại Quảng Bình "sững sờ" với hóa đơn 58 triệu đồng... Nguyên nhân là do ghi sai số công tơ khiến tiền điện đội lên cao.

Hai hộ gia đình 'tá hỏa' vì bị tính nhầm tiền điện gần... 148 triệu đồng!

23/06/2020, 05:52

Một hộ gia đình tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) bất ngờ nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6.2020 lên tới hơn 89,3 triệu đồng. Trong khi hộ khác tại Quảng Bình "sững sờ" với hóa đơn 58 triệu đồng... Nguyên nhân là do ghi sai số công tơ khiến tiền điện đội lên cao.

Ghi sai số công tơ của nhân viên ngành điện đã khiến tiền điện của hai hộ gia đình bị đội lên gần 148 triệu đồng - Ảnh: Internet

Chiều 22.6, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã yêu cầu Điện lực Vân Đồn tạm thời đình chỉ công tác Trưởng Phòng Kinh doanh Điện lực Vân Đồn do liên quan đến hóa đơn tiền điện tháng 6.2020 tăng cao đột biến của một hộ dân trên địa bàn huyện.

Cụ thể, ngày 21.6 vừa qua, bà Đào Thị Gái - Mã khách hàng: PA03VDVD04924 (địa chỉ: Thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) kiến nghị lên Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc về sản lượng điện tiêu thụ tháng 6.2020 tăng cao đột biến, với số tiền lên tới gần 89,3 triệu đồng.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Điện lực Vân Đồn đã cử đoàn công tác đến phối hợp với gia đình bà Đào Thị Gái để tiến hành kiểm tra đồng hồ đo đếm điện năng bằng bằng checkmetter, kết quả công tơ hoạt động bình thường. Tại thời điểm kiểm tra, chỉ số trên mặt công tơ là 1.893 kWh; chỉ số cuối kỳ tháng 5.2020 là 1.649 kWh; sản lượng thực tế tính đến ngày 22.6.2020 là 244 kWh (sản lượng của 38 ngày).

Trong khi đó, kỳ hóa đơn tháng 6.2020 được quy định từ ngày 15.5/.2020 đến 15.6.2020 (31 ngày). Như vậy, tính theo phương pháp nội suy thì sản lượng thực tế sử dụng của gia đình bà Đào Thị Gái trong tháng 6.2020 là 200 kWh.

Qua kiểm tra, rà soát, Công ty Điện lực Quảng Ninh khẳng định đây là sai sót của Điện lực Vân Đồn trong quá trình kinh doanh, ra hóa đơn việc chốt chỉ số công tơ. Cụ thể: Công tơ đo đếm điện năng của gia đình bà Gái là công tơ điện tử đo xa, chốt chỉ số bằng thiết bị cầm tay HHU. Do thời tiết ngày 15.6.2020 có mưa giông, tín hiệu không đảm bảo, khiến cho việc cập nhật chỉ số và sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác.

Ngay sau khi xác định nguyên nhân sai sót, lãnh đạo Điện lực Vân Đồn và gia đình bà Đào Thị Gái đã thống nhất sản lượng điện năng tiêu thụ tháng 6.2020 là 200kWh, với số tiền điện là 368.335 đồng. Điện lực Vân Đồn đã thực hiện hủy hóa đơn cũ và lập hóa đơn mới để khách hàng thanh toán tiền điện đúng với sản lượng điện năng đã sử dụng trong tháng 6.2020.

Theo đó, Điện lực Vân Đồn đã nghiêm khắc kiểm điểm tập thể và các cá nhân có liên quan. Trong đó, tạm thời đình chỉ công tác Trưởng Phòng Kinh doanh Điện lực Vân Đồn và yêu cầu các Điện lực địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác ghi chỉ số công tơ để phát hiện kịp thời những công tơ có sản lượng điện tăng bất thường.

Một vụ việc tương tự khác cũng xảy ra tại Quảng Bình, một khách hàng tên Trần Việt Dũng (Quảng Bình) ngày 21.6 cho biết bị tính mức tiêu thụ điện trong tháng 6.2020 là 18.274 kWh. Tháng trước đó, gia đình tiêu thụ mức 248 kWh. Như vậy, lượng điện tiêu thụ tăng hơn 33 lần.

Từ đó, tiền điện tháng 6.2020 cũng bị tính nhầm lên mức 58,5 triệu đồng, trong khi tháng trước đó, gia đình trả số tiền điện là 489.000 đồng. Trước thông tin trên, đại diện Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC) cho biết đã yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Bình kiểm tra xác minh lại việc tiêu thụ điện của khách hàng Trần Việt Dũng.

Sau khi kiểm tra 12 tháng gần nhất, khách hàng này thường tiêu thụ ở mức 210-300 kWh/tháng. Số tiền điện dao động khoảng 460.000-700.000 đồng/tháng. Điện lực Quảng Bình thừa nhận sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ tháng vừa qua và sẽ phúc tra lại cho khách hàng. Sau rà soát, số tiền điện thực tế anh Dũng phải trả cho hóa đơn tháng 6 chỉ 554.090 đồng.

Chiều 22.6, Điện lực Quảng Bình đã họp kiểm điểm nhân viên ghi sai chỉ số trên với mức phạt nặng để đảm bảo tính răn đe. Sau sự việc của anh Dũng, đơn vị này đã rà soát lại tất cả khách hàng trên địa bàn quản lý có mức tiêu thụ vượt 30% so với tháng trước và hiện chưa phát hiện trường hợp nào bất thường.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai hộ gia đình 'tá hỏa' vì bị tính nhầm tiền điện gần... 148 triệu đồng!