- Vớ vẩn, làm gì có đứa bé nào mà cứ biểu tìm? - Tôi với bà bới kỹ lại xem. - Không. Nãy giờ tôi đã bươi nát chỗ này. Chỉ toàn rác với rác. - Có mà. Tôi nghe tiếng nó cười. Rõ ràng là tai tôi nghe nó cười ở ngoài này.

Hài nhi mà họ đi tìm

Một Thế Giới | 22/12/2013, 16:05

- Vớ vẩn, làm gì có đứa bé nào mà cứ biểu tìm? - Tôi với bà bới kỹ lại xem. - Không. Nãy giờ tôi đã bươi nát chỗ này. Chỉ toàn rác với rác. - Có mà. Tôi nghe tiếng nó cười. Rõ ràng là tai tôi nghe nó cười ở ngoài này.


- Vậy chắc chuột gặm hay chó tha rồi. Mẹ nó, lũ súc sinh cứ nghe mùi thịt là mò tới, không trừ thịt người. 

- Vậy thì vô lý lắm. Bị tha đi ăn thịt, hay bị kiến rỉa thì nó sẽ khóc thét lên. Sao tôi nghe nó cười sặc sặc…

- Cười? Ông giỡn mặt hả? Một đứa nhỏ tự nhiên nổi lên cười giữa đêm lạnh teo thế này?

- Tôi chẳng biết nữa. Bà làm ơn đừng bỏ cuộc… Hay là có khi nó bị rác phủ lên rồi?

- Nếu vậy thì nó cũng tiêu đời rồi. Rác ngập mặt làm sao thở nổi. Mà này, tôi hỏi, tại sao khi nghe nó cười, ông không mở cửa ngay ra xem thế nào?

- Tôi... nghe nó cười cứ nghĩ chắc không có gì nguy hiểm. Nếu nghe nó khóc thì đã khác.

- Đó, thấy chưa, tại sao cứ phải nghe tiếng khóc mới động cựa? Đợi cho nó ngủm củ tỏi rồi mới cắn rứt lương tâm.

- Tại tôi cứ nghĩ để nó nằm yên đó, thế nào cũng có người phát hiện, bế về nuôi. Nên tôi mới cố nán thêm một lúc. Cho tới khi đoàn xe rác đêm trở về, đổ rác ầm ầm, rồi tiếng cười ngưng luôn thì tôi mới giật mình nghĩ chắc toi đứa bé rồi. Trời ơi… nếu biết vầy thì tôi đâu có chần chừ để nó bị vùi dưới núi rác tổ bố kia.

- Thiệt giỏi tưởng tượng. Cha nội ơi, ai có việc đó. Đời phân công rồi. Việc của ông là ăn lương để bảo vệ tòa nhà này. Việc của tôi là hốt rác. Còn việc cứu thằng nhỏ là của các nhà từ thiện hay những kẻ dư tiền bạc.

- Thì biết vậy. Nhưng tôi cứ trằn trọc không ngủ được. Cứ nghe tiếng cười vọng vào trong nhà. Bà có hiểu không. Một tòa nhà cao tầng thênh thang không một bóng người, chỉ có gió ù ù và tiếng cười của nó.

- Ông mắc bịnh nặng rồi. Nửa đời tôi sống với rác, chẳng thấy đứa con nít nào cười quá ba mươi giây trong núi rác thúi hoắc này. Mà cái chuyện quăng con vào đống rác xưa rồi. Giờ người ta quăng trước cửa chùa, nhà thờ, trung tâm từ thiện, trại trẻ mồ côi… Người ta cũng chọn nơi vứt con để giảm nhẹ sự dày vò, để cục nợ của mình vẫn được người khác đưa tay đón nhận, vẫn được sống… Việc gì người ta phải vứt con vào đống rác cho mang tội?

- Nghĩ như bà thì cũng phải. Nhưng biết đâu mẹ đứa nhỏ lại nghĩ ở đây có hai người, là tui với bà sẽ ra tay cứu nó.

- Thôi đi ông, đem bỏ con bãi rác là hạng cùi bắp rồi. Nó chỉ muốn đứa bé đi đời nhà ma cho rảnh nợ. Chẳng tính toán gì như ông nghĩ đâu.

- Nhưng dù vậy, nếu tôi nhanh tay một chút trước khi đoàn xe chở rác về thì chắc mạng đứa nhỏ đã khác. Bà biết đó, nó cũng là một mạng người.

- Ờ, thì một mạng người. Mà ông tưởng mạng người ở xứ này quý lắm sao? Nói thật, nếu ông cứ dày vò than thở rồi lên huyết áp, rồi tai biến, chết bất đắc kỳ tử, thì thằng chủ tòa nhà sẽ bồi thường cho vợ con ông được bao nhiêu không?

- Làm sao tôi biết được.

- Ngang giá một con bê thui thôi. Dù ông đã sống gần hết đời rồi. Còn đứa nhỏ thì giá chắc cỡ con gà thả vườn là cùng.

- Nhưng cái chính là tôi với bà đều biết giá trị của một mạng người nó lớn thế nào. 

- Lạy cha nội. Đói rã họng còn giảng đạo đức. Mà này, sao tôi càng an ủi thì ông càng đày đọa tâm trí vậy? Ông muốn gì đây?

- Muốn bà phụ với tôi lần nữa, xới đống rác này lên… Biết đâu... 

- Ông không thấy tôi bươi cả buổi rồi hả. Giờ phải để tôi đi mót ve chai kiếm tiền nuôi con chứ. Cứ cù nhầy vầy là sao?

- Nhưng lỡ đứa nhỏ đang nằm dưới lớp rác sâu hơn, đang thoi thóp chờ được cứu thì sao…

- Đúng là thằng cha mắc dịch. Ngày nay là ngày gì mà xúi quẩy cho tôi quá vậy hả trời…

* Ghi chú của một người đọc:

Câu chuyện trên có những chi tiết vô lý:

- Người đàn ông đang bảo vệ một tòa nhà lớn chưa có người người vào ở trong khi người đàn bà thì kiếm sống trên một bãi rác lớn. Một tòa nhà to sẽ không thể quy hoạch xây dựng bên cạnh một bãi rác khổng lồ.

- Một đứa bé bị ném vào đống rác làm sao lại có sức cười thành tiếng trong đêm đông lạnh giá? Lẽ ra nó phải khóc mới hợp lý chứ?

Vậy thì có thể, điều người đàn bà ở bãi rác nói là chính xác: ông già bảo vệ này bị mắc chứng hoang tưởng.

Và người viết ra câu chuyện này cũng là một kẻ hoang đường. Y cố tình kéo những không gian tương phản lại gần nhau trong một nội dung có màu thương tâm, cốt để kiếm nước mắt người đọc, nhưng chắc là bất thành.

Nếu có người đọc nào coi trang viết như ảnh chụp của đời sống, thì đời sống mà tay nhà văn kia chứng kiến hẳn ngập tràn những điều phi lý.

* Nhưng truyện ngắn ấy đã có cái kết khác:

Người đàn bà (vốn dễ tin) đã bị người đàn ông (rất thành khẩn) thuyết phục.

Trong đêm lạnh như những đêm đông trong Kinh Thánh, họ cùng nhau hì hục bới tung đống rác thêm lần nữa. Khi sắp đến hồi tuyệt vọng, thì ông già bảo vệ giật thót cả người khi tay quờ phải một túi ni lông buộc kín; trong có vật gì đó mềm nhũn, giống hình hài con người. Ông ta nhảy sang một bên, la thất thanh: “Nó... Nó đây rồi”. “Vậy chắc nó tiêu rồi?” – Người đàn bà thở dồn, hỏi. Rồi sau một khắc lấy lại bình tĩnh, họ chụm đầu, bốn bàn tay run rẩy mở ra…

Dưới ánh đèn vàng cao áp hắt ra từ góc bãi rác, họ thấy…

Từ cái lỗ rách trên túi ni lông, một bàn tay bé xíu xòe mở.

Những ngón tay nhỏ nhắn dính đầy bợn rác, vẩn lên màu bầm đỏ như máu.

Mớ tóc bê bết bẩn phủ che gương mặt trầy xước của một trẻ sơ sinh.

Nhưng thật lạ lùng chưa, đôi môi xinh của nó vẫn nở nụ cười…

Hai người đùm thằng bé trong bọc ni lông rồi bế đến dưới cột đèn để nhìn cho rõ hơn.

Một búp bê hình Chúa Hài Đồng bằng cao su mềm, có nút nhấn âm thanh tự động. Họ nhìn nhau. Cả hai người gặp nhau ở cùng một ánh mắt: “Búp bê hài nhi” này chưa cũ, sao người ta lại vứt đi? Mà lại vứt đúng vào đêm Giáng Sinh?”.

Nhưng đó không phải là câu hỏi lớn nhất, vì mối bận tâm lớn nhất đã được họ giải quyết bằng câu trả lời hợp lý:

Nó, đứa bé ấy, đã “bật cười” vì bị chạm mạch điều khiển khi cọ xát với vật cứng trong đống rác. Nó đã cười cho đến khi hai viên pin lắp bên trong hết điện thì mới ngưng hẳn.  

Người nào đó đã chơi thật ác… Vào đúng đêm Giáng Sinh…

Lẩn trong tiếng gió rít lạnh, văng vẳng một hồi chuông Thánh lễ Hừng Đông.

Sài Gòn, 2012
Trò chuyện với tác giả
Tiết chế cần thiết cả trong đời sống và viết lách
Hai nhi ma ho di tim
Tác giả: Nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên
Truyện ngắn này của Nguyễn Vĩnh Nguyên có một chút “đánh đố”.

Người đọc cảm nhận có gì đó phi lý, “gượng ép” trong nội dung chuyện. Cho đến khi đoạn kết được lật ra.

Có lẽ câu hỏi tiếp sẽ là: Ai đã ném búp bê Chúa hài đồng, và vào đúng dịp Giáng Sinh?

Thế nhưng dầu vậy, “Chúa” vẫn cười từ trong đống rác…

* Là một nhà báo, anh chịu những ảnh hưởng nào từ chuyện thời sự - xã hội trên sáng tác của mình?

- Hiểu biết về thời sự-xã hội sẽ làm giàu có kho tàng chất liệu cho văn chương, tạo nên sự phong phú, đa diện về con người - xã hội của người cầm bút. Nhưng chắc chắn, để những chất liệu ấy “đi” vào sáng tác, cần cả một quá trình dài để “tiêu hóa” hiện thực. Người viết văn không đi lòng vòng ngoài đường nghe ngóng, ghi chép đời sống hay bày tỏ quan điểm về thời sự, mà chọn cách “đóng cửa” trong hành trình đơn độc của sự đọc, chiêm nghiệm và tưởng tượng. Nói cách khác, anh ta “đi lại”, khảo sát, đối thoại, thiết lập một cuộc gặp gỡ khác, thật thường xuyên với đời sống nội tâm của mình, nắm bắt những chuyển động trong thế giới đó.

Cá nhân tôi chưa bao giờ có ý định hay tham vọng phản ánh hiện thực hoặc mượn sáng tác để bình luận các vấn đề thời sự- xã hội. Việc đó, những nhà văn nệ thực đã làm quá nhiều và có thể đã làm rất tốt hơn tôi.

* Những cái lợi và bất lợi của một nhà báo viết văn?

- Đó là rất dễ có nguy cơ rơi vào một hoặc cả hai trường hợp: làm văn trong báo hoặc làm báo trong văn.

* Đối với anh, nội dung và kỹ thuật của truyện ngắn tương tác với nhau thế nào?

- Tôi chưa bao giờ tách rời hai yếu tố đó khi viết. Tôi nghĩ mỗi tác phẩm đều là một tổng thể hài hòa, theo một cách nào đó.

* Truyện ngắn Hài nhi mà họ đi tìm có vẻ rất “kỹ thuật”. Anh đã lấy cảm xúc từ đâu để “dựng” nó?

- Như một trò chơi, tôi đã viết nó trong ba quãng thời gian, cách nhau vài tháng. Cấu trúc truyện: khởi đầu là cuộc đối thoại giữa hai người lao động vô danh băn khoăn về tiếng cười trẻ thơ có thể đã bị vùi lấp dưới bãi rác đêm Giáng sinh. Tiếp đó, đặt mình trong vai trò độc giả để phân tích cái phi lý của “hiện thực” trong văn bản. Và cuối cùng, là công bố kết quả “câu chuyện” đã bị bỏ dở ban đầu.

Văn bản được “dựng” lên như một bộ khung mở ra nhiều khả năng nhất có thể, mời người đọc cùng can dự, đồng sáng tạo.

* Anh đánh giá mạng xã hội hiện nay thế nào? Bản thân anh đã sử dụng nó ra sao?

- Tôi không dám đánh giá vì sợ phải... gánh đá. Nói đùa thế thôi. Thực ra, đó là một phương thức truyền thông đầy tính dân chủ đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho thói bầy đàn, là cạm bẫy cho sự tha hóa bản sắc cá nhân. Đó là một phòng triển lãm cá nhân mà mỗi người vừa ở vai trò nhân vật vừa đóng vai khách thưởng lãm.

Tôi có thử dùng một thời gian ngắn rồi sau đó xóa tài khoản vì thấy không hứng thú nữa, mất quá nhiều thời gian và sự tập trung. Có vẻ khắc kỷ, nhưng ngày tôi càng nhận ra tiết chế là thứ rất cần thiết cả trong đời sống cả và ở việc viết lách.

* Anh hy vọng gì ở văn học Việt Nam?

- Tôi chưa từng hy vọng gì ngoài sự chủ động kiểm soát bản thân.

* Anh đang viết gì thời gian này?

- Tôi đang tiếp tục series tản văn, tiểu luận về đồ vật trong đời sống người Việt hiện đại. Và, vẫn theo đuổi truyện ngắn. Cũng có một cuốn tiểu thuyết, mà như những lần trước, nó có thể sẽ bị delete ở trang thứ 70.

Nhưng, thường xuyên nhất là tôi viết báo kiếm sống…

Ngô Thị Kim Cúc


Tác giả - Tác phẩm

Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979, quê Ninh Thuận; tốt nghiệp ngành Ngữ văn Sư phạm, Đại học Đà Lạt năm 2001.

Hiện anh đang làm báo tại Sài Gòn.

Nguyễn Vĩnh Nguyên đã xuất bản 6 tập truyện ngắn, hai tập tản văn và một tập truyện dài.

Các tập truyện tiêu biểu: Năm mười mười lăm hai mươi (2005), Khu vườn lưu lạc (2008), Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (2011).

Tản văn: Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác (2012)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hài nhi mà họ đi tìm