Thời điểm này, vải thiều Bắc Giang và vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.
Thị trường và chính sách

Hai vựa vải thiều lớn nhất nước sắp vào vụ thu hoạch

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung 16/05/2024 17:30

Thời điểm này, vải thiều Bắc Giang và vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.

Bắc Giang: Khai thác triệt để mọi kênh tiêu thụ

Thời điểm này, vải thiều Bắc Giang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Để quả vải thiều bảo đảm chất lượng đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, tỉnh Bắc Giang đã duy trì 178 mã số vùng trồng vải thiều đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, với diện tích 16.694,9ha. Tỉnh cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã số vùng trồng, với diện tích 1.029,7ha nâng tổng số vùng sản xuất lên 223 vùng trồng, với diện tích 17.724,6ha; sản lượng ước đạt trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu.

vai-thieu-1.png
Vải thiều Bắc Giang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, năm nay địa phương sẽ tăng cường xúc tiến tiêu thụ qua các kênh thương mại

Sở Công Thương Bắc Giang cho biết tỉnh đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều, với diện tích khoảng 17.198ha. Trong năm 2024, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay, dự báo sản lượng đạt 100.000 tấn, trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn.

Các kênh tiêu thụ vải thiều thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối các tỉnh phía bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...), ở các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn - TP.HCM, Dầu Giây - Đồng Nai, Hòa Cường - Đà Nẵng...), các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị (GO, Mega Market, Saigon Co.op, Hapro, Aeon...), các chợ truyền thống thông qua thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ... và trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon...); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube...

Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang cho biết đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài tổ chức hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại hai huyện trọng điểm Tân Yên, Lục Ngạn, tỉnh cũng sẽ thành lập các đoàn công tác khảo sát, tìm hiểu thị trường quốc tế; khảo sát thị trường các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, các chợ đầu mối phía nam; làm việc với một số tỉnh thành, hệ thống phân phối, chợ đầu mối...

Ông Phan Thế Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm 2024, Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán vải thiều. Theo kế hoạch, dự kiến ngày 23.5 tới, tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm năm 2024.

Dự kiến giá thu mua vải thiều Thanh Hà năm nay tăng cao

Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là tiêu chuẩn, là tiền đề cho vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương vươn xa ra thị trường thế giới.

vai-thieu-2.png

Hiện nay, Hải Dương duy trì 8.850ha trồng vải, trong đó có 2.750ha vải sớm và 6.100ha vải thiều chính vụ, cho sản lượng khoảng 55.000 - 60.000 tấn/năm. Do ảnh hưởng của thời tiết, dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh năm 2024 đạt từ 40.000 - 45.000 tấn, giá vải sẽ tăng so với mọi năm.

Năm 2024, huyện Thanh Hà có 3.282ha vải, trong đó vải sớm khoảng 1.900ha, còn lại là vải thiều chính vụ. Theo đánh giá sơ bộ, năm nay, sản lượng vải của huyện ước khoảng 20.000 - 22.000 tấn. Vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường lớn, chuộng hàng cao cấp như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia...

Trong đó, lượng cung ứng ra các tỉnh thành bình quân hằng năm khoảng 20.000 tấn; xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 15.000 tấn. Hiện nay, vải sớm của Thanh Hà đang được bán với mức giá khoảng 120.000 đồng/kg. Dự kiến giá thu mua xuất khẩu sẽ tăng cao.

Những năm gần đây, vải thiều Thanh Hà ngày càng khẳng định được giá trị, thương hiệu và là một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà hiện còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, UBND huyện Thanh Hà cho biết sẽ tập trung xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa chuyên nghiệp và hiệu quả, đẩy mạnh kết nối giao thương với các thị trường trong nước và quốc tế.

Cụ thể, địa phương sẽ ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc theo quy trình VietGap, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Cùng với việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, chuyên canh; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm..., tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Bài liên quan
Năm đầu tiên xuất vải thiều sang Trung Quốc qua ga Kép
Năm nay sẽ là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép (Lạng Giang, Bắc Giang) sang Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam - Ba Lan nhất trí xem xét sớm nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược
4 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Ba Lan, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai vựa vải thiều lớn nhất nước sắp vào vụ thu hoạch