Bộ NN-PTNT Việt Nam cùng Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đang có những hoạt động trao đổi và thực tập ứng phó thiên tai tại Huế, Việt Nam.
Hoạt động nói trên thuộc khuôn khổ Sáng kiến hạ nguồn sông Mêkông (LMI DREE), diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên – Huế trong 4 ngày, bắt đầu từ 5.12.
Đây là một hoạt động thường niên liên quốc gia do Hạm đội Thái Bình Dương hỗ trợ với mục tiêu tăng cường sự phối hợp đồng bộ trong khu vực giữa chính phủ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Mỹtrên các lĩnh vực kết nối, giáo dục, an ninh năng lượng, môi trường, tài nguyên nước, an ninh lương thực, nông nghiệp và y tế. Trọng tâm của hoạt động năm nay là ứng phó với lũ lụt ở khu vực hạ lưu sông Mêkông.
Tiến sỹ Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN phát biểu tại lễ khai mạc hoạt động trao đổi và thực tập ứng phó thiên tai trong khuôn khổ LMI DREE tại Huế
Trong khuôn khổ đợt hoạt động nói trên, Tiến sỹ Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT đánh giá: "Hoạt động năm nay rất phù hợp và có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các trận lũ lịch sử gần đây đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Huế và các tỉnh miền Trung Việt Nam”.
Đầu tháng 11.2017, cơn bão Damrey đã gây sạt lở đất, cướp đi sinh mạng của 123 người và phá hủy hàng ngàn ngôi nhà cùng những công trình hạ tầng quan trọng ở miền Trung. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1 tỉ đô la.
Phó Đại sứ Mỹtại Việt Nam, bà Caryn R. McClelland cũng cho hay: “Hoạt động LMI DREE có vai trò hết sức quan trọng bởi thiên tai không chịu giới hạn trong bất kỳ đường biên giới hoặc hệ thống luật pháp nào do con người định ra. Chúng ta cũng nhận thấy các quốc gia láng giềng phải chung tay để cùng giải quyết những vấn đề khu vực”.
Hoạt động thực tậphỗ trợ nhân đạo/cứu trợ thiên tainói trên quy tụ hơn 100 chuyên gia về quản lý rủi ro thiên tai từ rất nhiều cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế khác nhau. Các hoạt động chính bao gồm các bài trình bày chuyên môn, làm việc theo nhóm, khảo sát thực địa và thực hành dựa trên bài tập tình huống.
Mỗi nhóm làm việc sẽ tập trung vào một vấn đề trong ứng phó với lũ lụt, các thành viên sẽ phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy truyền thông và chia sẻ thông tin. Khi làm việc theo nhóm, các đại biểu sẽ tham gia các phiên thảo luận về các chủ đề cụ thể cũng như các hoạt động tương tác nhằm khuyến khích sự phối hợp.
Khi khảo sát thực địa, các đại biểu sẽ đến thăm đập ngăn mặn gần cửa sông Hương, Thành phố Huế. Tiếp sau chuyến đi là buổi thực hành với một bài tập tình huống, trong đó đại diện của các quốc gia thành viên sẽ cùng nhau xây dựng một giải pháp mang tính khu vực để ứng phó với một tình huống thiên tai chung.
Phó Đại sứ MỹCaryn R. McClelland phát biểu tại lễ khai mạc hoạt động trao đổi và thực tập ứng phó thiên tai trong khuôn khổ LMI DREE tại Huế
Theo bà McClelland: “Hoạt động LMI DREE tạo điều kiện củng cố quan hệ hợp tác ở cả cấp chính phủ và cá nhân. Hợp tác ngay từ thời điểm này sẽ giúp việc phối hợp trở nên dễ dàng hơn khi thiên tai thực sự xảy ra. Tôi tin tưởng rằng các phiên thảo luận và thực hành bài tập tình huống sẽ giúp thiết lập những mối liên hệ có tầm quan trọng sống còn cũng như những quy trình cần thiết để đảm bảo tính mạng con người trong những lần thiên tai khó tránh khỏi ở tương lai”.
Được khởi động từ tháng 7.2009, LMI DREE là một nỗ lực liên quốc gia nhằm xây dựng năng lực cho các nước và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới hiệu quả để xử lý những thách thức chung của khu vực.
Năm 2011, Việt Nam tổ chức hội thảo Quản lý thảm họa hạ nguồn sông Mêkông. Hội thảo đầu tiên này diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh đã giúp đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp và phối hợp hoạt động trong khuôn khổ LMI DREE. Hội thảo giờ đã trở thành hoạt động thường niên và được 6 nước thành viên luân phiên tổ chức.
Nhật Lam