Ai cũng muốn được ca diễn dưới ánh đèn sân khấu chuyên nghiệp nhưng điều đó quá khó đối với số đông nghệ sĩ. Họ phải kiếm sống theo nhiều cách nhọc nhằn của nghề hát

Hẩm hiu đời nghệ sĩ đi hát... đám

Một Thế Giới | 16/09/2015, 07:00

Ai cũng muốn được ca diễn dưới ánh đèn sân khấu chuyên nghiệp nhưng điều đó quá khó đối với số đông nghệ sĩ. Họ phải kiếm sống theo nhiều cách nhọc nhằn của nghề hát

Hoạt động của sàn diễn sân khấu èo uột, nghệ sĩ tản mác khắp nơi làm đủ nghề để mưu sinh. Một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ sân khấu đã tìm thu nhập từ việc hát đám, hát chùa, hát miễu, hát hầu đồng để mưu sinh, khóc cười cho phận đời.

Không lo ế sô!

Đó là câu nói đùa nhưng lại là sự thật của các nghệ sĩ thường đi hát đám tang. Tuy nhiên, họ không gọi hát đám tang mà thay bằng “hát đám buồn”, để phân biệt với “hát đám vui” tức là đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, tân gia... Và khác với những nghệ sĩ “hát đám vui”, họ diễn tuồng những lúc về khuya, sàn diễn dựng trước quan tài, khán giả đông - vắng không thành vấn đề, thu nhập ổn định, lại còn được gia chủ đãi ăn, tặng thưởng và điều quan trọng hơn là chỉ một vai tuồng họ hát mải miết, vì ở đám buồn có ai bắt lỗi bao giờ.

Theo chân nghệ sĩ Cẩm Hiền, người cháu họ của danh cầm Văn Vỹ đi hát “phá hoàng”, tôi thắc mắc về cụm từ hát “phá hoàng”, khác gì với hát “đám buồn”? Cô giải thích: “Hát đám buồn nghệ sĩ trang phục bình thường ngồi hát kiểu sa-lông các bản cổ nhạc, tân cổ giao duyên, còn hát “phá hoàng” là diễn nguyên vở tuồng, nếu người mất là nam thì diễn vai vợ khóc thương chồng, anh chị em khóc thương người mất; còn người chết là nữ thì chồng khóc thương vợ, nếu người quá cố chưa thành gia thất thì cha mẹ khóc ly biệt con. Tất cả các vai đều mặc cổ trang, có vũ đạo, phun lửa, có cảnh người chết xuống Diêm phủ hoặc lên cõi Niết bàn...”.

Tôi thức trọn đêm với Cẩm Hiền xem cô và đồng nghiệp diễn, gợi trong tôi nhiều suy nghĩ về cái nghiệp hát “phá hoàng”. Tuồng tích được viết với những bài ca cổ, những bản cải lương với giọng điệu bi ai, sầu thương. Dàn nhạc cổ có đủ 5 nhạc cụ: cò, kìm, guitar, sến, bầu và lại có thêm trống quảng. Cẩm Hiền diễn vai cô vợ trẻ hay tin chồng qua đời, diễn xuất như một nữ tướng ngoài trận mạc, chạy gối, lưng giắt cờ lệnh, diễn xuất quanh quan tài. Thi thoảng có khán giả đến xem ném vào những chiếc quạt nhét trong đó là những tờ bạc 20.000 đồng, 50.000 đồng tựa như xem hát bội. Số tiền đó cộng lại sau mỗi đêm chia đều cho toàn ban, cả nhạc công lẫn nghệ sĩ biểu diễn. Bạn đồng nghiệp của Cẩm Hiền rất đông, họ đều là những thành viên xuất thân từ nhiều gánh hát, có người từng là đào kép chánh, người làm đồ hội, quân sĩ, nay quy tụ lại lập gánh hát “phá hoàng” để mưu sinh. Thu nhập toàn nhóm khoảng 3-5 triệu đồng/suất. Nếu gia chủ đặt thêm sô khóc tiễn biệt, nghĩa là diễn buổi sáng khi chuẩn bị động quan thì có thêm từ 3-4,5 triệu đồng/suất.

Trường Oanh, một nghệ sĩ trong gánh hát “phá hoàng”, cho biết thường những gánh hát “phá hoàng” liên kết với các trại hòm, có album hình ảnh nghệ sĩ kèm theo để giới thiệu cho gia chủ. Các trại hòm ăn phần trăm trên giá trị sô diễn, nên có khi gánh hát chỉ lãnh được từ 2-2,5 triệu đồng/sô nhưng bù lại được khán giả “boa”, chia đều mỗi tối mỗi người có thể kiếm thêm 500.000 đồng. Trang phục nghệ sĩ tự may theo vai diễn phân công nên đào kép chánh được thêm 100.000 đồng/suất cho tiền trang phục.

Nhìn vào diễn xuất của các nghệ sĩ hát “phá hoàng”, họ diễn thật sự cảm xúc, cứ như chính người thân đang nằm trong cỗ quan tài vậy. Họ khóc thương da diết, tạo thiện cảm với gia chủ đang chìm trong đau buồn vì mất người thân.

Hát “phá hoàng” mỗi tuồng kéo dài chỉ từ 30-45 phút, có nhóm “tăng cường” thêm nhân vật Phật Thích Ca hoặc Phật bà Quan Âm, có nhóm thêm nhân vật Tề Thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng để chọc cười khán giả. Hát “phá hoàng” có đầu tư về mặt dàn dựng, còn hát “đám buồn” hầu như chỉ xếp hàng đơn ca cổ. Tuy nhiên, không gò bó trong việc chỉ hát những bài ca cổ tiễn biệt, hát “đám buồn” còn biểu diễn tân nhạc với đủ các dòng nhạc. Hát “đám buồn” rất kỵ những người chuyển giới, đồng tính, rất ít khi họ nhận sô đụng nhau. “Tránh không phải do đố kỵ nhưng nghệ sĩ hát “đám buồn” khác với những anh chị chuyển giới, mượn đám tang để làm cuộc vui” - một nghệ sĩ hát “phá hoàng” cho biết.

Chia địa bàn để kiếm sống

Theo nghệ sĩ Cẩm Hiền, hát “đám buồn” được chuộng ở các đám tang vùng ven, còn hát “phá hoàng” thường được mời diễn ở các địa phương lân cận TP HCM như: Bến Tre, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh...

Tôi lân la tìm những nghệ sĩ hát “phá hoàng” để hỏi về cách thức tổ chức sô và huy động nghệ sĩ. Được biết hầu như họ có sô mỗi đêm, có khi đụng sô thì chia lịch diễn. Do vậy, mỗi gánh hát “phá hoàng” đều có từ 2-4 đào kép luân phiên. “Có khi mỗi đêm đụng lịch, từ Biên Hòa chạy qua Hóc Môn, phải xin gia chủ cho hát cách nhau 2 giờ để di chuyển. Thường thì không ngại việc hóa trang, cứ dựng tuồng sẵn rồi leo lên xe máy phóng đi trong đêm, đến nơi mặc phục trang vào là hát” - nghệ sĩ Bích Tuyền cho biết.

Hiện có đến 12 gánh hát “phá hoàng” đang hoạt động rộng khắp vùng ven TP HCM và các tỉnh lân cận. Mỗi ông bà bầu phụ trách 2 gánh, chia địa bàn để hoạt động. Điều tối kỵ là không gánh nào xâm phạm địa bàn của nhau. “Có khi đụng lịch không thể kham nổi, bầu Liên nhờ bầu Hoài đỡ giùm sô. Rồi khi có sô không thể kham nổi thì các bầu chia sẻ, hỗ trợ nhau. Tuyệt nhiên mỗi bên đều có tuồng tích khác nhau, không ăn cắp “bản quyền”. Bầu Hoài đắt sô nhất, phủ khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông” - nghệ sĩ Trúc Linh cho biết.

Nghệ sĩ gánh hát “phá hoàng” hầu như ngủ ngày, thức đêm. Buổi chiều có người còn nhận làm thêm các công việc bán giấy dò xổ số, bán thức ăn tại nhà hoặc bán mỹ phẩm để có thêm thu nhập. Ngày hội ngộ giữa các gánh hát “phá hoàng” và hát “đám buồn” chính là ngày Giỗ Tổ sân khấu. Họ tổ chức cúng heo quay như các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp và thường chọn một địa điểm gần nghĩa trang để sau khi cúng đến thắp hương, tưởng nhớ những “khán giả” khách hàng của họ.

Nghệ sĩ hát đám “phá hoàng” còn hay ở chỗ không chê bai, ganh ăn tức ở với đồng nghiệp. “Vì chúng tôi quan niệm hát ở đám tang chẳng ai xem đó là đỉnh cao nghệ thuật gì mà phải tranh với đua. Vì chén cơm manh áo, vì sàn diễn không còn đất sống, chúng tôi phải làm nghề này để kiếm sống đó thôi” - nghệ sĩ Kiều Minh chua chát nói.

Theo Thanh Hiệp/ Người Lao động


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hẩm hiu đời nghệ sĩ đi hát... đám