“Khi tư vấn cho vay, họ nói lãi suất chưa đến 2%/tháng nên tui rất yên tâm. Không ngờ đến khi trả nợ thì tiền lãi, nợ gốc phải trả hàng tháng lên đến 1,2 triệu đồng/tháng, lúc đó tui biết mình đã bị lừa vì lãi suất 20%/tháng!”, ông Ng. kể.

Ham 'tín dụng cột đèn' sập bẫy cho vay nặng lãi

Một Thế Giới | 26/01/2016, 12:54

“Khi tư vấn cho vay, họ nói lãi suất chưa đến 2%/tháng nên tui rất yên tâm. Không ngờ đến khi trả nợ thì tiền lãi, nợ gốc phải trả hàng tháng lên đến 1,2 triệu đồng/tháng, lúc đó tui biết mình đã bị lừa vì lãi suất 20%/tháng!”, ông Ng. kể.

Ma trận “tín dụng cột đèn”
Đầu năm 2015, ông Trần Văn Ng. ở phường 3, TP.Mỹ Tho cần vay món tiền 10 triệu đồng đề trang trải việc nhà, nhưng không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Giữa lúc đang bối rối thì 1 người bạn mách bảo: “Ngoài các cột đèn dán đầy thông báo cho vay tiền không cần thế chấp tài sản gì hết, lãi suất thấp, sao không ra đó mà hỏi?”.
Như gặp được “cứu tinh”, ông Ng. xách xe chạy đi tìm… mấy cây “cột đèn tín dụng” và gọi vào số điện thoại của 1 tờ rơi cho vay vốn, mà ông cảm thấy phù hợp với mình nhất.
“Lúc tui gọi điện thoại vào số 0932… thì phía bên kia có người nhấc máy, xưng là người của 1 công ty hỗ trợ tài chính ở TP.HCM. Họ hỏi tui cần vay bao nhiêu, nhà ở đâu, họ sẽ cho người xuống tận nhà tư vấn, làm hợp đồng vay vốn. Nghe tui trình bày hoàn cảnh, họ nói tui có thể được cho vay, và hẹn ngày hôm sau sẽ có người xuống Mỹ Tho đến tận nhà tư vấn”, ông Ng. kể.
Đúng hẹn, 2 người nam nữ trẻ tuổi, ăn mặc bảnh bao tìm đến nhà ông Ng. Họ cho biết công ty hỗ trợ tài chính của họ chuyên giúp những người cần vay vốn nhưng không có điều kiện vay tiền ngân hàng, lãi suất cho vay của họ chỉ cao hơn lãi suất ngân hàng 1%/tháng.
Đôi thanh niên yêu cầu ông Ng. cho xem hộ khẩu gốc, giấy chứng minh nhân dân và hóa đơn tiền điện, tiền nước gần nhất. Xem xét xong các giấy tờ, đôi thanh niên tuyên bố ông Ng. đủ điều kiện vay tiền và yêu cầu ông đi photocoppy hộ khẩu, CMND, hóa đơn điện nước đưa cho họ mang về TP.HCM làm hợp đồng mà chẳng cần tìm hiểu xem ông Ng. làm nghề gì, khả năng trả nợ ra sao.
tin dung cot den 

Một bản hợp đồng mua hàng trả góp có sự hỗ trợ vay vốn của công ty Hỗ trợ tài chính

3 ngày sau, đôi thanh niên quay trở lại nhà ông Ng. đưa bản hợp đồng hỗ trợ tài chính để ông ký vào với số tiền được vay là 10 triệu đồng theo yêu cầu. Theo đó, mỗi tháng ông Ng. phải trả 1,2 triệu đồng, bao gồm cả tiền lãi và nợ gốc, trả trong vòng 10 tháng, có người đến tận nhà thu tiền.

“Lúc đó tui đang cần tiền nên cứ nhắm mắt vay đại, nghĩ số tiền phải trả 1,2 triệu đồng tháng cũng vừa sức mình, mà không nhẩm tính cụ thể. Nhưng sau khi trả hết nợ mới biết mình phải chịu lãi suất đến 20%/tháng cho số tiền 10 triệu đồng”, ông Ng. ngậm ngùi nói.

Thực ra, lãi suất mà ông Ng. phải trả còn cao hơn 20%. Bởi như sau 1 tháng, ngoài tiền lãi thì ông đã góp trả được 1 triệu đồng tiền vốn, tức vốn vay chỉ còn 9 triệu đồng. Nhưng tháng sau, ông vẫn phải trả lãi 200.000 đồng, tức vẫn tính trên số vốn vay ban đầu là 10 triệu đồng!

Cứ thế, vốn hằng tháng trả dần, thậm chí khi chỉ còn 1 triệu đồng tiền vốn, nhưng lãi vẫn tính 20% trên nợ ban đầu là 10 triệu đồng…

Ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trên các cột đèn đường, đèn tín hiệu giao thông, tường nhà dân... gần đây dán nhan nhản những tấm bảng ghi: “Vay vốn ngân hàng không cần thế chấp tài sản”, “Vay vốn tín chấp lãi suất thấp”, “Cho vay tiêu dùng lãi suất thấp không thế chấp tài sản”.

Kèm theo đó là các số điện thoại và những điều kiện cho vay hấp dẫn như: lương chỉ cần từ 3 triệu đồng/tháng, hoặc có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ 1 năm, hóa đơn tiền điện trên 300.000đ/tháng… Không ít người đã tin tưởng vào phương thức vay tiền quá đơn giản này để rồi rước họa vào thân vì sập bẫy, phải gồng mình trả nợ với lãi suất rất cao.

Thu lãi cắt cổ

Ngoài việc cho vay tiền mặt, thời gian qua ở TP.Mỹ Tho các công ty hỗ trợ tài chính còn có hình thức cho vay khác thông qua việc mua hàng trả góp, chủ yếu là máy tính bảng, điện thoại di động đắt tiền.

Dĩ nhiên là hình thức cho vay này cũng có lãi suất rất cao như vay tiền mặt, nhưng người vay tiền khó nhận biết, đến khi đã ký hợp đồng mua hàng thì sự đã rồi, đành bấm bụng trả vốn và tiển lãi, nếu không sẽ gặp muôn vàn rắc rối.

Năm 2015, ông Nguyễn V.H. ở xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho được 1 người bạn nhờ đứng tên mua trả góp chiếc điện thoại di động Samsung với giá 11 triệu đồng. Nể bạn, ông H. ra cửa hàng quen biết làm giấy tờ mua chiếc điện thoại và được nhân viên cửa hàng tư vấn: nếu thông qua 1 công ty hỗ trợ tài chính đang quảng cáo… đầy đường thì sẽ có lãi suất thấp hơn, chỉ cần có hộ khẩu, CMND rõ ràng, hóa đơn tiền điện, tiền nước và 1 người bảo lãnh.

Nghe vậy, ông H. đồng ý làm thủ tục mua máy. Lúc đó nhân viên yêu cầu phải trả trước 5 triệu đồng tiền mặt, số còn lại 6 triệu đồng sẽ được cho vay trả dần hằng tháng. Ông H. sơ ý, không nhìn kỹ hợp đồng…

Sau khi ký tên vào hợp đồng mang máy về, người bạn ông H. tá hỏa khi thấy số tiền còn phải trả hàng tháng là 900.000 đồng, trả trong vòng 12 tháng, tức tổng cộng chiếc máy điện thoại có giá lên tới 15,8 triệu đồng. Mang máy ra trả lại không được, người bạn của ông H. tuyên bố chỉ trả nợ gốc, không trả lãi.

Đến hạn trả nợ, công ty cho vay tiền mua hàng trả góp liên tục cho người tìm đến nhà ông H. đòi nợ vì ông là người ký tên mua hàng. Khi ông H. cho rằng mình chỉ mua dùm người khác, công ty này hăm dọa sẽ đến cơ quan ông H. công tác “làm việc” với lãnh đạo và sẽ cho “giang hồ” đến nhà đòi nợ và xử đẹp nếu ông H. không chịu trả tiền.

Quá lo sợ, ông H. phải thuyết phục người bạn để ông góp 1 phần tiền trả dứt điểm món nợ mua máy mới được yên thân. “Bây giờ tui cạch đến già, thề không bao giờ đụng vào chuyện mua hàng trà góp, dính líu tới mấy ông “tín dụng cột đèn” nữa”, ông H. ngậm ngùi nói.

Lỗi của người đi vay?

Ông Nguyễn Hữu Th., người từng làm chân rết của “tín dụng cột đèn” ở TP.Mỹ Tho, cho biết hầu hết các hình thức cho vay không thế chấp tài sản đều thông qua những “công ty mẹ” là công ty tài chính ở TP.HCM và có hệ thống giao dịch ở các tỉnh để thẩm tra điều kiện kinh tế của người vay tiền. Sở dĩ “tín dụng cột đèn” sống được là vì có rất nhiều người cần tiền, cần mua sắm máy móc nhưng lại không đủ điều kiện để vay vốn của ngân hàng.

“Hiện nay ngoài việc cho vay tiền, các công ty tài chính đều liên kết với các điểm buôn bán hàng tiêu dùng, cho vay mua từ chiếc điện thoại đến ti vi, tủ lạnh, xe gắn máy. Lãi suất của “tín dụng cột đèn” tuy có cao hơn lãi suất ngân hàng chút đỉnh nhưng chẳng thấm tháp gì so với “tín dụng đen”. Bây giờ anh ra ngoài vay tiền nóng, nếu quen biết dữ lắm thì ít nhất cũng 20%/tháng - bằng “tín dụng cột đèn”, còn không quen biết thì phải vay tiền với lãi suất 30 - 40%/tháng là chuyện thường”, ông Th. nói.

“Vậy nếu người vay không chịu trả nợ thì sao?”, chúng tôi hỏi. Ông Th. cười khà khà, cho biết: “Hộ khẩu, CMND, nhà cửa của người vay tiền sờ sờ ở đó, không trả nợ sao được? Họ có đủ mọi phương pháp để thu hồi nợ, thậm chí thuê cả dân xã hội đen đến nhà hù dọa hàng ngày, không trả cũng không xong, chẳng cần thưa gửi ra tòa gì hết!”.

Bà Nguyễn Thị Nĩ, Phó chánh Thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tiền Giang, cho biết hiện tại có 3 công ty tài chính đang hoạt động tại Tiền Giang với hơn 100 điểm giao dịch, mạnh nhất là Công ty TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng, tất cả đều có tư cách pháp nhân cho vay vốn.

Bà Nĩ thừa nhận mức lãi suất cho vay tiền, bán hàng trả góp của những công ty này có cao hơn lãi suất hiện hành của ngân hàng và các tổ chức tín dụng tại Tiền Giang, nhưng không vi phạm quy định của pháp luật.

“Sở dĩ nói lãi suất cao nhưng không vi phạm quy định của pháp luật là do mức lãi suất của những công ty này cho vay không vượt quá 150% mức quy định lãi suất cơ bản của Ngân hàng Việt Nam. Các trường hợp chịu lãi 20%/tháng thì… mới nghe!”, bà Nĩ nói. Và bà cho biết, sẽ kiểm tra lại.

Theo bà Nĩ, có lẽ do người dân ngại đến ngân hàng, cộng thêm món tiền vay không lớn, nên muốn vay nơi nào thủ tục đơn giản, có người đến tận nhà làm thủ tục, số tiển phải trả hàng tháng không nhiều.

Chính vì thế người dân chấp nhận vay tiền của “tín dụng cột đèn” mà không quan tâm đến các chi tiết trong hợp đồng cho vay. Đến khi cảm thấy số tiền phải trả có lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều lần mới giật mình, khiếu nại thì đã muộn.

“Theo tôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động và cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp với lãi suất của ngân hàng quy định. Người dân có thể đến những điểm giao dịch này để vay vốn sẽ không phải chịu lãi suất cao”, bà Nĩ khuyến cáo.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ham 'tín dụng cột đèn' sập bẫy cho vay nặng lãi