Khi xảy ra tranh chấp trong vay tiêu dùng trả góp, người tiêu dùng, thậm chí là người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin để giục đóng tiền nợ và dùng những từ ngữ "chợ búa", giang hồ.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) mới phát đi thông báo cho biết, thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp về dịch vụ cho vay tiêu dùng trả góp là một trong những nội dung khiếu nại được Cục này tiếp nhận nhiều nhất.
Theo đó, các tranh chấp phát sinh từ giai đoạn tư vấn thông tin trước khi ký kết hợp đồng, khi nhiều nhân viên tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đơn cử như việc mời chào ký hợp đồng với lãi suất thấp, có thể thanh lý hợp đồng bất kỳ thời điểm nào, thủ tục thanh lý đơn giản… trong khi thực tế đây đều là những nội dung xảy ra tranh chấp khi thực hiện hợp đồng.
Không những vậy, nhân viên tư vấn không chủ động cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng tham khảo trước khi ký và lưu giữ sau khi ký. Một số phản ánh của người tiêu dùng cho thấy khi ký kết, nhân viên thường giải thích qua loa nội dung hợp đồng sau đó nhanh chóng đề nghị người tiêu dùng ký. Khi ký xong nhân viên giải thích hợp đồng sẽ được gửi qua địa chỉ bưu điện cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, một số người tiêu dùng cho rằng khi ký kết có để ý đến nội dung mức lãi suất nhưng trên hợp đồng khi đó để khoảng trống. Chỉ khi được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký kết, người tiêu dùng mới phát hiện thấy thông tin về mức lãi suất, thường từ 6-6.5%/tháng, thay vì từ 1-2%/tháng như tư vấn ban đầu.
Đến khi xảy ra tranh chấp, việc liên hệ và phản ánh tới công ty cung cấp dịch vụ rất khó khăn và tốn kém. Việc kéo dài thời gian giải quyết như vậy sẽ phát sinh thời gian, qua đó, làm tăng số tiền phạt mà người tiêu dùng phải nộp cho công ty trong một số vụ việc.
Đáng chú ý, khi xảy ra tranh chấp trong vay tiêu dùng trả góp, người tiêu dùng, thậm chí là người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin từ 6 giờ sáng tới 9-10 giờ tối để giục đóng tiền nợ. Rất nhiều cuộc gọi điện bao gồm cả việc đe dọa, sử dụng từ ngữ "chợ búa", giang hồ để thách thức người tiêu dùng.
Trước thực trạng của dịch vụ tín dụng tiêu dùng như vậy, ngay từ giữa năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phát đi nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông nhằm hướng dẫn và cảnh báo người tiêu dùng lưu ý khi tham gia các hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số vụ việc người tiêu dùng khiếu nại trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao. Nghiêm trọng hơn, số lượng công ty tài chính bị khiếu nại cũng đang có xu hướng mở rộng.
“Tâm lý của người đi vay thường chỉ chú trọng vào việc được vay nên thường bỏ qua hoặc không chú ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp và được cung cấp các hợp đồng đã ký kết thì người vay mới nhận thức được các yếu tố ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Khi đó, rất khó có thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng vì hợp đồng đã được ký kết, hiệu lực thi hành đã được áp dụng”, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.
Nhằm cảnh báo người tiêu dùng trước tình trạng trên, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người dân nên cân nhắc trước khi tham gia vay tiêu dùng trả góp. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý, chỉ khi thật sự cần thiết thì mới vay tiêu dùng vì lãi suất của các khoản vay tiêu dùng trả góp là rất cao.
Trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiền, trách nhiệm của người tiêu dùng phải làm rõ những nội dung trong hợp đồng nhằm đảm bảo đã hiểu rõ hợp đồng, tránh các trường hợp nhầm lẫn, bị tư vấn thông tin chưa đầy đủ, chính xác. Một khi người tiêu dùng đã ký hợp đồng thì các điều khoản, điều kiện quy định tại hợp đồng sẽ có giá trị ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng.
Phan Diệu