Hôm 28.6, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với hơn 100 mục tiêu và cấm nhập khẩu vàng mới của Nga, gia tăng áp lực lên Nga sau cuộc tấn công Ukraine theo cam kết của G7 tuần này.

Mỹ cấm nhập khẩu vàng mới của Nga, trừng phạt mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng

Sơn Vân | 28/06/2022, 23:53

Hôm 28.6, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với hơn 100 mục tiêu và cấm nhập khẩu vàng mới của Nga, gia tăng áp lực lên Nga sau cuộc tấn công Ukraine theo cam kết của G7 tuần này.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã áp đặt các lệnh trừng phạt với 70 thực thể, nhiều trong số đó được cho là rất quan trọng với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, cũng như 29 người, trong nỗ lực cản trở khả năng phát triển và triển khai vũ khí cùng công nghệ của Nga được sử dụng trong tấn công Ukraine.

"Nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ làm suy giảm năng lực của Putin và tiếp tục cản trở cuộc chiến của ông ấy chống lại Ukraine, vốn đã bị cản trở bởi chuỗi cung ứng bị phá vỡ và thất bại về hậu cần", Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen cho biết.

Động thái hôm 28.6 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Rostec, tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ nhà nước của Nga. Bộ Tài chính Mỹ cho biết "ô quản lý của Rostec bao gồm hơn 800 tổ chức trên nhiều lĩnh vực" và tất cả tổ chức do Rostec sở hữu từ 50% trở lên, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều bị chặn.

Cũng bị trừng phạt là United Aircraft Corporation, nhà sản xuất máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi của Nga (những máy bay cũng được vận hành bởi các đồng minh của Mỹ, gồm cả một số thành viên NATO) và do Rostec sở hữu phần lớn. Bộ Tài chính Mỹ nói điều này nhằm mục đích "làm suy yếu khả năng của Nga trong việc tiếp tục không kích Ukraine".

Tupolev, nhà sản xuất máy bay ném bom chiến lược và máy bay vận tải Nga, cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Biện pháp mới cấm nhập khẩu vàng có xuất xứ từ Nga, ngoại trừ vàng được đặt bên ngoài nước này trước ngày 28.6.

Vàng là một tài sản quan trọng với ngân hàng trung ương Nga. Ngân hàng này đã phải đối mặt với những hạn chế trong việc tiếp cận một số tài sản của mình được giữ ở nước ngoài do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Nga sản xuất khoảng 10% lượng vàng được khai thác trên toàn cầu mỗi năm. Vàng hiện là mặt hàng xuất khẩu mang về nguồn thu lớn thứ hai cho Nga, chỉ sau năng lượng.

my-cam-nhap-khau-vang-nga.jpg
Một nhân viên trưng bày một thỏi vàng tại xưởng luyện vàng của nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Uralelektromed (JSC) ở thị trấn Verkhnyaya Pyshma, ngoại ô thành phố Yekaterinburg, Nga - Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28.6 cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt với 45 thực thể và 29 người, gồm cả các đơn vị quân đội Nga và cơ quan tình báo FSB. Hơn 500 sĩ quan quân đội Nga cùng các quan chức khác sẽ bị hạn chế thị thực.

Hôm 26.6, Vương quốc Anh cho biết 4 thành viên của G7 (nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới) gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga.

Trong tuyên bố phát hôm 26.6, một ngày trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G7 tại Đức, chính quyền Anh cho biết lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga của 4 nước nói trên sẽ sớm có hiệu lực.

Hiện chưa rõ 3 thành viên còn lại của G7 gồm Đức, Ý, và Pháp có cấm nhập khẩu vàng của Nga hay không.

Biện pháp của 4 nước G7 nói trên nhắm vào các loại vàng mới khai thác hoặc tinh chế của Nga. Vàng có nguồn gốc từ Nga đã được xuất khẩu trước đó sẽ không bị ảnh hưởng.

Nga xuất khẩu số vàng trị giá khoảng 15,45 tỉ USD trong năm ngoái. Trong thời gian qua, giới tài phiệt Nga đã mua vào vàng thỏi nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Nga.

"Biện pháp mà chúng tôi công bố ngày hôm 26.6 sẽ nhắm trực tiếp vào các tài phiệt Nga", Thủ tướng Anh - Boris Johnson tuyên bố.

Sau đó, Tổng thống Mỹ - Joe Biden cũng xác nhận điều này trên Twitter.

"Cùng nhau, G7 sắp thông báo rằng chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính đem về hàng chục tỉ USD cho Nga", ông Biden viết.

Anh tự tin có vai trò quan trọng trong thị trường giao dịch vàng toàn cầu, và cùng với Mỹ, Nhật Bản và Canada, biện pháp trừng phạt mới sẽ có sức ảnh hưởng rộng và ngăn vàng của Nga tiếp cận các thị trường quốc tế.

Trước đó, phương Tây đã tung ra hàng loạt trừng phạt với Nga, từ ngân hàng, công ty năng lượng, hãng hàng không, đến hàng tiêu dùng, công nghệ của nước này.

"Vàng, đứng sau năng lượng, là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Nga và là nguồn doanh thu đáng kể cho Nga", quan chức Mỹ giấu tên nhận định, cho rằng việc chặn nguồn xuất khẩu vàng của Nga sẽ càng cô lập nước này khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu.

Bài liên quan
Thị trường chủ lực Mỹ có phải là 'điểm sáng' cho con tôm Việt Nam?
Liệu thị trường chủ lực như Mỹ có phải là điểm sáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm không khi mặt hàng này dù có cơ hội so với đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn còn khó về giá cả, giữ thị phần, các rào cản thương mại, biến động thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ cấm nhập khẩu vàng mới của Nga, trừng phạt mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng