Naver Corp, hãng internet lớn nhất Hàn Quốc, đang xem xét các lựa chọn để nắm giữ cổ phần của mình trong LY Corp (nhà điều hành Line - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Nhật Bản) sau áp lực từ Tokyo.
Thế giới số

Hãng internet lớn nhất Hàn Quốc xem xét tương lai của ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Nhật

Sơn Vân 03/05/2024 18:25

Naver Corp, hãng internet lớn nhất Hàn Quốc, đang xem xét các lựa chọn để nắm giữ cổ phần của mình trong LY Corp (nhà điều hành Line - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Nhật Bản) sau áp lực từ Tokyo.

Choi Soo-yeon, Giám đốc điều hành Naver Corp, hôm 3.5 nói công ty vẫn chưa xác định lập trường với cổ phần của mình trong LY Corp. Bà Choi Soo-yeon nói chỉ thị hành chính từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản yêu cầu Naver giảm tỷ lệ sở hữu trong LY Corp là “khá bất thường”.

Naver Corp và SoftBank Corp (chi nhánh viễn thông của SoftBank Group Corp ở Nhật Bản) cùng sở hữu LY Corp.

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét kỹ hơn liên doanh này sau vụ rò rỉ an ninh mạng với dịch vụ đám mây của Naver Corp vào năm 2023. Dịch vụ này giúp quản lý thông tin người dùng cho ứng dụng nhắn tin Line cực kỳ phổ biến do LY Corp vận hành.

Chỉ thị của chính phủ Nhật Bản cho thấy họ đang tìm kiếm một cổ đông rõ ràng duy nhất kiểm soát LY Corp, để đảm bảo các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn, so với quan hệ đối tác 50-50 hiện tại.

Choi Soo-yeon nói: “Vấn đề không phải là liệu chúng tôi có tuân thủ chỉ thị đó hay không. Điều quan trọng là chúng tôi phải đưa ra quyết định và xem xét lại kế hoạch kinh doanh trung đến dài hạn”.

Naver đã phát triển và ra mắt Line (ứng dụng giống WhatsApp) thông qua công ty con ở Nhật Bản sau trận động đất tại nước này vào năm 2011. Line đã trở thành ứng dụng nhắn tin hàng đầu ở Nhật Bản với 224 triệu người dùng trên toàn cầu tính đến tháng 1.2024.

LY Corp được sở hữu phần lớn bởi A Holdings, một liên doanh 50-50 giữa Naver Corp và SoftBank Corp. Hoạt động kinh doanh của LY Corp còn bao gồm cả Yahoo! Nhật Bản, cổng thông tin web phổ biến nhất đất nước này. Choi Soo-yeon cho biết chính phủ Hàn Quốc đang tham vấn chặt chẽ với Naver để đáp lại chỉ thị từ chính phủ Nhật Bản.

hang-internet-lon-nhat-han-quoc-xem-xet-tuong-lai-ung-dung-nhan-tin-pho-bien-nhat-nhat.jpg
Naver Corp đang xem xét các lựa chọn để nắm giữ cổ phần của mình trong LY Corp, nhà điều hành ứng dụng Line, sau áp lực từ Nhật Bản - Ảnh: Internet

Hồi tháng 3.2021, chính phủ Nhật Bản trừng điều tra Line sau khi ứng dụng này cho phép các kỹ sư Trung Quốc tại một chi nhánh tại thành phố Thượng Hải truy cập dữ liệu người dùng Nhật mà không thông báo cho họ.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh chính phủ Nhật và các đảng phái chính trị gia tăng lo ngại về việc lộ thông tin ở nước ngoài.

Các kỹ thuật viên tại một công ty Trung Quốc liên kết với nhà cung cấp ứng dụng trò chuyện Line từng có quyền truy cập thông tin cá nhân của người dùng ở Nhật Bản.

Line Corp đã tiết lộ không đầy đủ về quyền truy cập dữ liệu người nước ngoài trong chính sách quyền riêng tư của mình. Công ty đã báo cáo vụ việc với Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân Nhật Bản và chấm dứt quyền truy cập dữ liệu của chi nhánh Trung Quốc.

Theo quy định về quyền riêng tư của Nhật Bản, các công ty phải thông báo cho người dùng khi dữ liệu cá nhân của họ được gửi ra nước ngoài.

Người phát ngôn của Line cho hay: “Chưa có bất kỳ điều gì vi phạm ranh giới pháp lý hoặc quy định. Chúng tôi tiếp tục đáp ứng các luật và quy định ở tất cả khu vực pháp lý, gồm cả Nhật Bản”.

Trong tuyên bố được đăng sau đó trên trang web của mình, Line đã xin lỗi nếu đã gây ra bất kỳ mối lo ngại nào và không giải thích đầy đủ các chính sách liên quan đến quản lý dữ liệu cho người dùng.

Thực hiện bảo trì hệ thống cho Line, 4 kỹ sư tại một công ty ở Trung Quốc đã được phép truy cập vào các máy chủ ở Nhật Bản từ năm 2018 chứa tên, số điện thoại và địa chỉ email của người dùng.

Các báo cáo được đưa ra khi Nhật Bản thắt chặt luật lệ và quy định xung quanh việc sử dụng, lưu trữ dữ liệu cá nhân do các công ty internet nắm giữ.

Người phát ngôn công ty cho biết Line đã chặn quyền truy cập vào dữ liệu người dùng tại chi nhánh Trung Quốc.

Tin nhắn được gửi qua Line chỉ có thể được đọc bởi người gửi và người nhận vì ứng dụng mã hóa nội dung từ đầu đến cuối.

Từ năm 2021, Line đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt và khám bệnh từ xa.

Naver và Intel hợp tác phát triển hệ sinh thái chip AI tại Hàn Quốc

Giữa tháng 4 vừa qua, Naver Cloud Corp (chi nhánh điện toán đám mây của Naver Corp) thông báo sẽ hợp tác với Intel (Mỹ) để tạo ra một hệ sinh thái chip trí tuệ nhân tạo (AI) ở Hàn Quốc.

Theo Naver Cloud, hai công ty đã đồng ý cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên chip AI của Intel có tên Gaudi. Mục tiêu là giúp các công ty khởi nghiệp và trường đại học tại Hàn Quốc thực hiện các dự án nghiên cứu AI và phát triển nhiều phần mềm khác nhau.

Hai bên cũng sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu chung có tên Naver CloudㆍIntelㆍCo-Lab (NICL), nơi Naver Cloud Copr sẽ cộng tác với các công ty khởi nghiệp và phòng thí nghiệm của trường đại học.

Dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, NICL sẽ có sự tham gia của các nhóm từ khoảng 20 trường đại học và công ty khởi nghiệp, gồm cả các tổ chức có uy tín như Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc và Đại học Quốc gia Seoul.

Naver Cloud Corp cũng có kế hoạch thử nghiệm chip AI Gaudi 2 của Intel và hợp tác với công ty chip Mỹ để phát triển hệ thống đám mây phục vụ mục đích thương mại.

Họ cho biết sự hợp tác với Intel nhằm mục đích mở rộng hệ sinh thái tập trung vào HyperClova X (mô hình ngôn ngữ lớn của Naver Corp) với việc sử dụng chip AI của Intel.

Kim Yu-won, Giám đốc điều hành Naver Cloud Corp, nói: “Không có nhiều công ty trên thế giới phát triển và vận hành một mô hình ngôn ngữ lớn tự thân như Naver Cloud Corp”.

Giải thích lý do công ty cố gắng xây dựng một hệ sinh thái chip AI tại Hàn Quốc, Kim Yu-won nói rằng Naver Corp đã cung cấp các tùy chọn thay thế cho công cụ tìm kiếm, đám mây và AI tạo sinh trên thị trường do những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu thống trị những năm qua. Chính sự đa dạng đó là một trong những giá trị cốt lõi mà Naver Corp tìm kiếm.

Hồi tháng 8.2023, Naver Corp ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn HyperClova X để cạnh tranh với GPT của OpenAI ở Hàn Quốc.

HyperClova X cung cấp chatbot AI Clova X tương tự ChatGPT và công cụ tìm kiếm dựa trên AI là Cue giống Microsoft Bing. Công ty internet lớn nhất Hàn Quốc cho biết HyperClova X có thể cải thiện trải nghiệm tìm kiếm cũng như tiếp thị và mua sắm cho các nhà quảng cáo và người dùng.

Nako Sung, người đứng đầu Công nghệ và AI siêu quy mô tại Naver Cloud Corp, nói đơn vị này đã phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn đa phương thức có khả năng phân tích và tạo ra văn bản, hình ảnh, video và âm thanh.

Naver Corp cho biết Clova X có thể tăng năng suất làm việc bằng cách tóm tắt tài liệu và dịch ngôn ngữ. Người dùng cũng có thể sử dụng Clova X để soạn thảo email và bài đăng trên blog. Trong khi dịch vụ Cue được tích hợp vào công cụ tìm kiếm của Naver.

Kim Yuwon, Giám đốc điều hành Naver Cloud Corp, nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh CNBC: “Về mặt năng suất, việc sử dụng các công cụ này sẽ tiết kiệm từ 10% đến 50% thời gian”.

Sự bùng nổ AI do ChatGPT dẫn đầu đã tạo ra các “bản sao” trên thế giới như Google Bard, Llama của Meta, Tongyi Qianwen của Alibaba và Ernie Bot của Baidu. “ChatGPT là một đối thủ cạnh tranh rất đáng gờm. Có một sự thật là chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để theo kịp các phiên bản khác nhau của ChatGPT”, Kim Yuwon nói.

Choi Soo-yeon, Giám đốc điều hành Naver Corp, cho rằng: “Trong kỷ nguyên của AI, cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra để giành được sự lựa chọn của các đối tác dịch vụ và kinh doanh”.

Dù đi sau những công ty dẫn đầu như OpenAI, Naver đang tìm cách khai thác các thị trường ngách mà các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ và Trung Quốc chưa giải quyết được.

“Chúng tôi đã cố gắng cải thiện chatbot với khả năng hiểu và phản hồi yêu cầu của người dùng. Trình độ thông thạo tiếng Hàn là lợi thế cạnh tranh của HyperClova X, nhưng chúng tôi đã cố gắng cải thiện nhiều khả năng ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh để phù hợp với trình độ của các đối thủ cạnh tranh toàn cầu”, Kim Yuwon nói.

Ngoài ra, Naver Corp còn phát triển các ứng dụng AI bản địa hóa cho các quốc gia có sự nhạy cảm về chính trị ở Trung Đông cũng như các nước và khu vực ít nói tiếng Anh, chẳng hạn Nhật Bản và Đông Nam Á.

Bài liên quan
Google ngầm chỉ trích Apple về vấn đề nhắn tin giữa iPhone và Android, khán giả hưởng ứng
Google dành một chút thời gian trong buổi thuyết trình hàng năm tại hội nghị I/O dành cho các nhà phát triển của mình để gọi tên Apple và đám đông rất hào hứng vì điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
2 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng internet lớn nhất Hàn Quốc xem xét tương lai của ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Nhật