Hàng loạt các công ty công nghệ Mỹ đang ấp ủ kế hoạch thuộc địa hóa, khai thác mỏ trên không gian, và một trong những điểm nhiều người muốn khai thác nhất là Mặt Trăng.

Hàng loạt công ty Mỹ chạy đua để thuộc địa hóa Mặt Trăng

25/07/2017, 06:07

Hàng loạt các công ty công nghệ Mỹ đang ấp ủ kế hoạch thuộc địa hóa, khai thác mỏ trên không gian, và một trong những điểm nhiều người muốn khai thác nhất là Mặt Trăng.

Hình ảnh đồ họa tàu thăm dò của Moon ExPress

Điều này nghe có vẻ điên rồ, tốn kém và vô vọng, nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ không nghĩ vậy. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cho phép một số công ty lớn tại nước này khởi động chương trình thuộc địa hóa không gian của mình.

Cho dù bạn có thích hay không thì hàng loạt nhà đầu tư mạo hiểm sẽ cố gắng thuộc địa hóa Mặt Trăng, điều này tất nhiên hoàn toàn tốt đối với giấc mơ chinh phục vũ trụ của chúng ta.

Cơn sốt "vàng" ngoài vũ trụ

Nếu cách đây 2 thế kỷ chúng ta có cơn sốt vàng ở miền tây nước Mỹ, thì nay nhiều nhà công nghiệp tin rằng tương lai của các ngành công nghiệp là ở trong vũ trụ. Mặt Trăng là một mục tiêu đặc biệt dễ chinh phục, gần trái đất và con người đã từng đặt chân lên nhiều lần.

Chỉ tính riêng Mặt Trăng có hàng loạt kim loại quý, đồng vị hiếm và những vật chất tự nhiên khác không tồn tại trên Trái đất. Tất cả chúng biến Chị Hằng trở thành một mỏ vàng thật sự đối với nhân loại.

Trong hàng loạt thứ chúng ta có thể khai thác trên Mặt Trăng thì Helium-3 là một nguyên tố có giá không tưởng, ước tính là khoảng 40.000 USD/ounce (28,34 g). Giá trị không tưởng của nguyên tố này là do chỉ cần 40 tấn Helium-3, chúng ta đã có thể tạo ra năng lượng đủ cho nước Mỹ sử dụng thoải mái trong 1 năm.

Tuy nhiên, không phải kho báu trên Mặt Trăng chỉ là những loại nguyên tố "bá đạo" như Helium-3 mà còn hàng loạt kim loại quý khác như vàng, bạch kim, titan...

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Google đã dành 30 triệu USD để tạo ra giải thưởng Lunar X Prize nhằm thách thức các kỹ sư trên toàn thế giới tìm cách khai thác Mặt Trăng với chi phí thấp. Nói cách khác, ai có thể tiếp cận Mặt Trăng không chỉ có thể kiếm hàng núi tiền từ tài nguyên trên đó mà còn được giải thưởng tiền mặt.

Hàng loạt công ty đang muốn khai thác vũ trụ

Tin hay không thì hàng loạt các công ty tư nhân hiện đang xúc tiến kế hoạch thuộc địa hóa Mặt Trăng bằng tiền túi của họ. Hồi cuối năm 2016, công ty Moon Express được xem là nhà đầu tư khai thác mỏ đầu tiên trên Mặt Trăng đã được cấp giấy phép để thực hiện sứ mệnh mặt trăng của họ.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ cấp phép cho một công ty tư nhân thực hiện sứ mệnh phóng tên lửa vượt khỏi quỹ đạo của Trái Đất.

"Hành trình chinh phục Mặt Trăng không phải là dễ, nhưng nó có nhiều lợi nhuận tiềm năng", Naveen Jain, nhà đồng sáng lập và chủ tịch của Moon Express tuyên bố.

Moon Express là công ty đầu tiên được Google trao giải Lunar X Prize với giá trị là 1 triệu USD. Công ty này hy vọng sẽ có thêm tiền vào tháng 11 tới đây khi họ thực hiện kế hoạch đổ bộ lên Mặt Trăng của mình.

Để kiếm được giải nhất của Lunar X Prize, trị giá 20 triệu USD công ty này cần phóng một tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, cho một robot di chuyển 500 m trên bề mặt của Chị Hằng và truyền hình ảnh đó về Trái Đất an toàn.

Moon Express không phải là công ty duy nhất muốn có giải thưởng này. Deep Space Industries (DSI) và Planetary Resources cũng đang tham gia vào cuộc đua này.

Dù hai công ty DSI và Planetary Resources không chỉ tập trung vào kế hoạch khai thác Mặt Trăng, nhưng số tiền mà Google treo thưởng là đủ hấp dẫn đối với họ để theo đuổi cuộc đua. Cả hai công ty này đang tìm cách khai thác tài nguyên từ các tiểu hành tinh bay gần Trái Đất. Planetary Resources hy vọng có thể khai thác các tiểu hành tinh từ năm 2020, chủ yếu là khai thác nước và bạch kim.

Kế hoạch khai thác tiểu hành tinh của DSI

Tương tự, DSI hy vọng sẽ có thể dùng tàu thăm dò Prospector-1 để khảo sát một tiểu hành tinh và định giá trị có thể khai thác từ vật thể không gian này. Công ty này cũng hy vọng có thể sớm tạo ra "máy khai thác" nhằm khai thác các tiểu hành tinh vốn chứa đầy nước và kim loại. Sau khi khai thác sạch tài nguyên trên tiểu hành tinh, "máy khai thác" sẽ dùng nước có trong tiểu hành tinh tạo thành nhiên liệu tên lửa đưa cỗ máy quay về trái đất.

Lợi ích đạt được

Khi tư nhân nhảy vào cuộc đua chinh phục không gian, nhiều tiến bộ khoa học đã được thúc đẩy trong thời gian qua.

Ví dụ, việc du lịch vào không gian hiện đang ngày càng rẻ hơn. Cụ thể nếu cách đây không lâu chi phí để đưa hàng, người vào không gian là rất lớn thì nay chỉ còn khoảng 10.000 USD/pound (453g) nhờ có sự đầu tư của nhiều công ty tư nhân như SpaceX, United Launch Alliance, và Orbital ATK.

SpaceX hiện đang mơ rằng họ có thể cắt giảm kinh phí đưa hàng hóa và người lên vũ trụ nhiều hơn nữa, xuống mức chỉ 1.000 USD/pound trong vài năm tới. Điều này có nghĩa là chi phí để một người có thể du lịch vào không gian rút xuống chỉ còn hơn 100.000 USD mà thôi.

"NASA chế tạo tên lửa với giá trên trời trong bao nhiêu năm. Thay vào đó Elon Musk chế tạo một tên lửa có thể tái sử dụng. NASA không làm điều này... Elon đã tạo một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp chế tạo tên lửa khi giảm chi phí của một tên lửa từ 200 triệu USD xuống chỉ còn 70 triệu USD. Tôi biết có vài người đang chế tạo tên lửa chỉ tốn khoảng 1 triệu USD. Và biết đâu sau này sẽ có tên lửa chỉ có vài chục ngàn USD", ông Jain nói.

Jain rõ là không phóng đại. Moon Express đang hợp tác với Rocket Lab, một công ty chế tạo tên lửa điện tử. Tên lửa của Moon Express sẽ dùng động cơ của Rocket Lab trong cả hai tầng đẩy. Đây là một động cơ được in 3D và được tạo ra từ hợp chất carbon, nhẹ hơn động cơ thường.

Trong thực tế, công nghệ hiện nay phải mất vài tháng để chế tạo một động cơ tên lửa, còn động cơ của Rocket Lab chỉ tốn 3 ngày để in và lắp ráp.

"Công việc của NASA không phải là tạo ra sự đổi mới công nghệ. Công việc của họ là tạo ra nền tảng khoa học và nền tảng nghiên cứu. Còn đổi mới công nghệ là công việc của các doanh nhân, những người sẽ phải thương mại hóa, cắt giảm chi phí và nuôi sống cộng đồng doanh nghiệp phụ trợ", ông Jain cho hay.

Ái Vi

Bài liên quan
Mỹ ngăn các công ty cung cấp linh kiện vũ khí, sợ bị chuyển tới Nga
Hãng Reuters dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Matthew Axelrod cho biết Mỹ yêu cầu các công ty nước này ngừng cung cấp hàng hóa cho hơn 600 thực thể nước ngoài vì lo ngại hàng bị chuyển đến Nga để phục vụ chiến tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt công ty Mỹ chạy đua để thuộc địa hóa Mặt Trăng