Để giải quyết bài toán kẹt xe ở khu vực cảng Cát Lái, TP.HCM đã và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông. Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, trong khi các dự án chưa hoàn thành nên hiện tại ùn tắc vẫn căng thẳng.

Hàng loạt dự án 'giải cứu' ùn ứ giao thông tại cửa ngõ phía đông TPHCM

Phan Diệu | 23/08/2016, 15:03

Để giải quyết bài toán kẹt xe ở khu vực cảng Cát Lái, TP.HCM đã và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông. Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, trong khi các dự án chưa hoàn thành nên hiện tại ùn tắc vẫn căng thẳng.

Cảng Cát Lái (quận 2, TP.HCM) được xem là một trong những cảng lớn nhất tại Việt Nam. Số liệu từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy lượng container ra vào cảng này chiếm tới gần 50% lượng hàng hóa ra vào hệ thống cảng biển trong cả nước.

Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe ở khu vực này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các trục đường như Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Vành đai phía Đông (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy)… thường xuyên rơi vào cảnh ùn ứ giao thông và quá tải.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do mặt đường nhỏ, hẹp trong khi lượng xe container tập trung về cảng Cát Lái ngày càng tăng cao.

Theo số liệu của UBND quận 2, trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có trên 5 triệu lượt phương tiện ra vào cảng Cát Lái. Riêng xe container, xe tải chở hàng chiếm gần 3,2 triệu lượt. Trung bình mỗi ngày có trên 17.000 xe/ngày đêm ra vào cảng. Những ngày cuối tuần, có trên 19.000 xe/ngày đêm và ngày cao điểm có trên 21.000 xe/ngày đêm, vượt quá khả năng của các tuyến đường và nút giao thông dẫn vào cảng, chưa tính các loại xe ô tô khác lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định mà không vào cảng Cát Lái. Trong khi đó, khả năng thông hành của đường Nguyễn Thị Định chỉ đáp ứng tối đa 16.000 xe/ngày đêm.

Số liệu của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, cảng Cát Lái đã giao nhận một phần hàng hóa của các cảng khác như Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), Cái Mép (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) dẫn đến lượng xe hằng ngày tăng khoảng 10,35% so với năm 2015. Dự kiến 6 tháng còn lại của năm 2016, tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng Cát Lái sẽ tăng 9,2% so với 6 tháng cuối năm 2015.

Đáng chú ý, theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực dự kiến thông qua cảng Cát Lái khoảng 36 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, thế nhưng chỉ tính đến năm 2015 đã lên đến 49 triệu tấn/năm. Chưa kể, hiện nay thủ tục vào Cảng Cát Lái đang tốn nhiều thời gian (trung bình mỗi xe mất 5 – 10 phút) cũng là nguyên nhân gây ra ùn tắc.

Bên cạnh tình trạng kẹt xe, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình tai nạn giao thông tại các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái cũng diễn biến hết sức phức tạp, tăng cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.

Để giải quyết bài toán kẹt xe ở khu vực cảng Cát Lái, TP.HCM đã và đang thực hiện nhiều dự án giao thông.

Cụ thể, thành phố sẽ tiến hành xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái kết nối với đường Vành đai 2 để giảm áp lực cho đường Nguyễn Thị Định và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nút giao khác mức tại vòng xoay Mỹ Thủy, nâng cấp đường Vành đai phía Đông (đoạn từ Vòng xoay Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc) với quy mô 3 làn xe dành cho ô tô, 1 làn xe 2 bánh. Đồng thời, nghiên cứu phương án kết nối đường A khu công nghiệp Cát Lái ra Vành đai 2, tránh phải đi qua vòng xoay Mỹ Thủy.

Thành phố cũng hoàn thành xây dựng nâng cấp cầu sắt Bình Lợi trong quý 3/2017 để khai thông tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, giảm áp lực vận chuyển hàng hóa đường bộ từ Tây Ninh, Bình Dương về cảng Cát Lái.

Ngoài ra, một số dự án khác cũng sẽ được xúc tiến như nâng cấp đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9), xây đoạn tuyến nối từ cầu Rạch Chiếc trên Vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái), mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến đường vào Khu công nghiệp Cát Lái), xây cầu Cát Lái kết nối với tỉnh Đồng Nai.

Mặc dù vậy, do nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng, trong khi các dự án lớn chưa hoàn thành nên hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục phổ biến câu chuyện về ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong quý 2.2024, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt dự án 'giải cứu' ùn ứ giao thông tại cửa ngõ phía đông TPHCM