Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện các hình thức lừa đảo như giả mạo Fanpage ban tổ chức chương trình giải trí, đăng tải thông tin sai lệch... để chiếm đoạt tài sản người dùng.
Sự kiện

Hàng loạt Fanpage giả mạo các chương trình giải trí trên mạng xã hội

Nhật Anh 04/11/2024 13:03

Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện các hình thức lừa đảo như giả mạo Fanpage ban tổ chức chương trình giải trí, đăng tải thông tin sai lệch... để chiếm đoạt tài sản người dùng.

Theo thông tin từ Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC (Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT), thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện các thủ đoạn giả mạo ban tổ chức chương trình giải trí, đăng tải thông tin sai lệch nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Cụ thể, chiều 31.10, Ban tổ chức giải chạy Nha Trang Night Run Sanvinest - Báo Khánh Hòa 2024 phát đi thông báo về việc xuất hiện tài khoản Facebook giả mạo Ban tổ chức đăng tải thông tin sai lệch, giả mạo giải chạy nhằm lừa đảo vận động viên.

Theo đó, tại Fanpage giả mạo này đã cung cấp số tài khoản: 9486786839, được mở tại Ngân hàng Techcombank, chủ tài khoản là Công ty TNHH COAREST chỉ mới thành lập ngày 16.10.2024 do Hồng Thu Hà làm đại diện pháp luật. Công ty TNHH COAREST có ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn đồ dùng chính cho gia đình.

3_fb487b80cd.jpg
Cục ATTT cảnh báo về hàng loạt Fanpage giả mạo các chương trình giải trí trên mạng xã hội - Ảnh: NCSC

Cơ quan chức năng cho biết đây không phải lần đầu tiên xuất hiện các Fanpage giả mạo chương trình Nha Trang Night Run Sanvinest và khiến không ít nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến uy tín hình ảnh của chương trình.

Theo NCSC, thủ đoạn chung của bọn chúng là tạo lập các Fanpage giả mạo giống y hệt giao diện của Fanpage chính thống. Tại đây, chúng đăng tải những thông tin sai lệch về các chương trình, đính kèm với các hình ảnh được thiết kế tinh vi hoặc sao chép từ Fanpage chính thức, khiến nhiều người dùng dễ dàng tin tưởng.

Khi nạn nhân đã sập bẫy, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán các khoản tiền như: Phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác. Sau khi nạn nhân chuyển tiền theo yêu cầu, chúng sẽ chặn mọi liên lạc để chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Trước thủ đoạn lừa đảo nói trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Thực hiện xác minh tính minh bạch của thông tin thông qua việc chủ động tìm hiểu trên các trang chính thống. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào; không truy cập vào các đường dẫn lạ và tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.

1_cac35e7e31.jpg
Xuất hiện trường hợp mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng - Ảnh: NCSC

Mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam

Theo NCSC, mới đây Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng.

Theo điều tra, Cục Đăng kiểm cho biết thời gian vừa qua, tài khoản ngân hàng của cơ quan này nhận được các khoản tiền từ 10.000 - 23.000 đồng được chuyển khoản từ các tài khoản cá nhân. Hầu hết không ghi rõ nội dung chuyển tiền.

Sau khi điều tra, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định hiện nay đang xuất hiện nhóm người gọi điện cho chủ phương tiện thông báo rằng kể từ ngày 1.10.2024, Cục Đăng kiểm sẽ thay đổi mẫu tem kiểm định và đề nghị chủ phương tiện muốn được đổi tem mới thì thanh toán khoản tiền là 10.000 đồng/tem cùng tiền cước vận chuyển là 23.000 đồng về tài khoản của Cục.

Ngoài ra, nhóm này cũng hướng dẫn chủ phương tiện truy cập vào một đường link giả mạo Cục Đăng kiểm Việt Nam để khai báo thông tin cá nhân phục vụ cho việc đổi tem. Khi chủ phương tiện truy cập vào đường dẫn giả mạo đó thì sẽ có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm quyền điều khiển thiết bị nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân khi nhận được những cuộc gọi hoặc tin nhắn từ người lạ nên tuyệt đối đề cao cảnh giác. Thực hiện xác minh danh tính thông qua các trang chính thống; không nghe và làm theo hướng dẫn của người lạ, đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản không rõ danh tính…

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Bài liên quan
Cảnh giác trước thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
Theo NCSC, lợi dụng công nghệ, kẻ lừa đảo đã dùng app ngân hàng giả, tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt Fanpage giả mạo các chương trình giải trí trên mạng xã hội