Nhiều trang fanpage Facebook (Pages) có hàng triệu lượng người theo dõi bỗng dưng "biến mất" khiến người dùng lẫn giới quảng cáo "dậy sóng". Đang xảy ra chuyện gì?

Hàng loạt trang Facebook 'triệu likes' tại VN biến mất

Theo Tuổi trẻ | 20/03/2017, 05:41

Nhiều trang fanpage Facebook (Pages) có hàng triệu lượng người theo dõi bỗng dưng "biến mất" khiến người dùng lẫn giới quảng cáo "dậy sóng". Đang xảy ra chuyện gì?

"Đến tháng 1.2017, người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam đạt con số 46 triệu, chiếm hơn 45% dân số. Trong đó, 59% người dùng sử dụng Facebook mỗi ngày và 89% dùng qua thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet)".

Báo cáo We are Social 2017 - Nguồn: Hootsuite

Trong hai ngày cuối tuần qua (17 và 18.3), nhiều trang Facebook Pages có lượng người đăng ký theo dõi từ vài trăm ngàn đến vài triệu "likes" bỗng dưng lần lượt "biến mất".

Cụ thể, một số trang khá nổi tiếng với cộng đồng người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam như Foody.vn (hơn 3 triệu likes), Tiếng Anh là chuyện nhỏ (1,8 triệu likes), Truyện tranh nhảm nhí (986 ngàn likes), Ghiền Bóng đá, Góc Ẩm thực, Câu chuyện cuộc sống hay Welax... rơi vào tình trạng bị khoá khiến người dùng không thể truy cập.

Bên cạnh đó, không chỉ các trang Facebook mà còn có các kênh YouTube (YouTube channel) lớn tại Việt Nam cũng cùng chung "số phận" bị khoá.

Con số các Trang bị khoá vượt hơn 50 và tiếp tục tăng. Chỉ một số ít các trang đã được Facebook khôi phục lại hoạt động trong ngày 19.3.

Chuyện gì đã xảy ra?

Sự việc trên gây ra không ít hoang mang cho những người làm truyền thông mạng xã hội (social media/marketing), các nhà quảng cáo, lẫn thắc mắc từ cộng đồng người dùng.

Tuy nhiên, Facebook chưa bao giờ có công bố hay giải thích cụ thể khi khoá Trang nên lắm lúc khiến các chủ nhân hay công ty đứng sau trang doanh nghiệp đó thẫn thờ lẫn ấm ức.

Đa số những thảo luận cho rằng đây là đợt "dọn dẹp" của Facebook đối với những Trang (Pages/fanpage) vi phạm bản quyền nội dung số theo chính sách sử dụng của Facebook, như cách thức hầu hết các Trang đang làm là tải những nội dung của người khác hoặc nơi khác về rồi đăng tải lên lại trên Trang của mình (thuật ngữ gọi là "re-up" / "reup", viết tắt của từ "tải lên lại" - reupload), thay vì dẫn liên kết (link) nguồn trực tiếp.

Nội dung được "re-up" nhiều nhất là video và hình ảnh. Hoặc chia sẻ lậu các tài liệu dạng sách điện tử (ebook), hay phần mềm có bản quyền... nhằm thu hút người theo dõi Trang.

Cắt dán, dùng những nội dung có bản quyền lên trang Facebook của mình... là những phương thức thu lợi nhuận phổ biến hiện nay của nhiều nhóm tại Việt Nam, dù vi phạm chính sách của Facebook, Google/YouTube - Ảnh minh hoạ: Eff.org

Không chỉ vậy, một số Trang "chạy Like ảo" với hàng loạt các tài khoản ảo được tạo ra nhằm tăng số lượng theo dõi Trang, hay tương tác ảo với các bài đăng tải nhằm tạo giá trị quảng cáo.

Tuy nhiên, dạng "Like ảo" đã được Facebook "thanh trừng" vào nửa cuối năm 2016, khiến nhiều Trang lẫn tài khoản người nổi tiếng đông lượt theo dõi (KOL) thâm hụt một lượng lớn "fan" (người hâm mộ).

Bên cạnh đó, một yếu tố hiện đang được Facebook lẫn Google tập trung xử mạnh tay là "tin tức giả" (hay tin vịt). Sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được cho rằng có tác động lớn từ "tin tức giả", cả Google lẫn Facebook đều bị giới chức các nước cáo buộc không có những biện pháp quản lý tin tức giả, và trách nhiệm với những dạng tin này.

Theo ông Vũ Văn Hiển, đồng sáng lập công cụ tiếp thị mạng xã hội SocialOne, "Trong suốt hai năm vừa qua, Facebook đã có nhiều hoạt động cho các nhà quảng cáo tại Việt Nam, không ngừng cải thiện chất lượng thông tin, đơn cử nhất là giải quyết tin vịt trên Facebook (fake news), xóa bỏ các Pages vi phạm bản quyền – vấn đề nhức nhối với những bên tạo ra nội dung hoặc bán hàng nhái. Đã nhiều lần chúng tôi có thông tin về các Facebook Page lớn, nhiều triệu likes bị xóa bỏ thông qua hệ thống theo dõi của mình."

"Trong lần xóa bỏ hoặc hạn chế trong mấy ngày qua, theo tôi chỉ là một hành động trong chuỗi các hoạt động của Facebook để tạo ra môi trường thông tin lành mạnh hơn với người sử dụng và công bằng hơn với các bên sáng tạo nội dung trong tương lai.", ông Hiển nói.

Người dùng bị rơi vào "ma trận" tin tức giả mạo từ nhiều nguồn, khó lòng phân biệt, ảnh hưởng đến tiếp cận thông tin chính xác - Ảnh: CNN Money

Các quốc gia phản ứng tin tức giả

Việt Nam, Pháp, Đức và mới đây nhất là Anh nằm trong danh sách các quốc gia phản ứng trước tình trạng "tin tức giả" tràn lan trên mạng xã hội Facebook và Google, mà các công ty này không có động thái quản lý hay chịu trách nhiệm.

Một trong những phản ứng mạnh mẽ đang được chú ý là sự kiện công ty truyền thông quảng cáo Havas Group (Pháp) quyết định dừng tất cả quảng cáo của mình trên mạng quảng cáo của Google và YouTube tại thị trường Anh (UK).

Lý do là các khách hàng đăng ký quảng cáo với Havas như Hyundai Kia, O2... phàn nàn về việc quảng cáo của mình xuất hiện trong các clip mang nội dung "nhạy cảm" cả về chính trị.

Tài khoản quản trị vi phạm

Ở một góc khác, lý do Trang bị khoá có thể xuất phát từ chính cách sử dụng tài khoản quản trị (Admin).

Theo chia sẻ từ tài khoản Nguyễn Hồng Phúc, "mọi thứ gắn vô fanpage nếu vi phạm luật đều khiến fanpage liên luỵ", như trường hợp các tài khoản quản trị (admin) chạy quảng cáo lừa đảo, trễ thanh toán, vi phạm chính sách nội dung... thì không chỉ tài khoản cá nhân đó bị "cảnh cáo" mà cả Trang đang có tài khoản đó trong danh sách quản trị cũng ảnh hưởng như bị khoá.

Hiện Facebook chưa có bình luận hay thông cáo chính thức nào về vụ việc trên.

Thanh Trực - Tuổi Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt trang Facebook 'triệu likes' tại VN biến mất