Oppo, nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc, đột ngột đóng cửa Zeku (công ty con thiết kế chip của mình) khiến nhiều nhân viên sốc.

Nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc bất ngờ đóng đơn vị thiết kế chip, nhân viên sốc

Sơn Vân | 12/05/2023, 17:30

Oppo, nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc, đột ngột đóng cửa Zeku (công ty con thiết kế chip của mình) khiến nhiều nhân viên sốc.

Đây xem như lời cảnh báo cho các doanh nghiệp Trung Quốc cố theo đuổi nỗ lực tự cung cấp chất bán dẫn của chính phủ.

Oppo đã công bố đóng cửa Zeku hôm 12.5 với tuyên bố ngắn gọn, gọi đó là một “quyết định khó khăn”, đổ lỗi cho “những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu và thị trường smartphone”.

Theo đó, Oppo trở thành một trong những hãng công nghệ lớn đầu tiên của Trung Quốc rút lui khỏi lĩnh vực chip bởi sự cảnh giác với việc thắt chặt hạn chế xuất khẩu của Mỹ, sau làn sóng đầu tư mạnh những năm qua.

Tin tức trên gây bất ngờ cho các nhân viên Zeku vì họ chỉ nhận được thông báo chưa đầy một ngày trước. Một nhân viên Zeku giấu tên tiết lộ với trang SCMP rằng anh và các đồng nghiệp hôm 11.5 được thông báo không cần đến văn phòng vào ngày hôm nay. “Tôi thậm chí không thể quay lại văn phòng để lấy máy tính xách tay”, nhân viên này cho hay.

Oppo từ chối bình luận ngoài tuyên bố hôm 12.5.

Chỉ hai tuần trước, Zeku vẫn đăng quảng cáo tìm kiếm nhân viên mới. Các tin tuyển dụng bao gồm hàng tá vị trí như kỹ sư kiến trúc chip, xác minh chip và lập trình viên phần mềm tại các địa điểm ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô và Tây An, theo kênh tuyển dụng chính thức của Zeku trên WeChat.

Trong quý 1/2023, Oppo là hãng smartphone đứng đầu về doanh số tại Trung Quốc và xếp thứ tư về doanh số bán hàng toàn cầu. Song khi thị trường smartphone suy giảm, doanh số của Oppo đã bị ảnh hưởng, giảm 22% vào năm ngoái xuống còn 103 triệu chiếc, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu IDC.

IDC cho biết Oppo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các thương hiệu lớn trong suốt năm 2022.

Oppo thành lập Zeku vào năm 2019 để thiết kế những chip có thể được sử dụng trong thiết bị của mình. Động thái này tương tự như những gì Huawei đã thực hiện với công ty con HiSilicon. Các nhà sản xuất smartphone khác của Trung Quốc, gồm cả Xiaomi, cũng thành lập liên doanh sản xuất chip riêng.

Zeku hoạt động theo dây chuyền tương tự như bộ phận Silicon nội bộ của Apple, nơi phát triển bộ xử lý chính trong iPhone, iPad và máy tính Mac. Zeku được giao nhiệm vụ thiết kế bộ xử lý ứng dụng, modem và các giải pháp kết nối khác như Wi-Fi và Bluetooth. Công ty có các địa điểm ở Thượng Hải, Tây An, Bắc Kinh và Thành Đô. Đơn vị của Zeku ở Thượng Hải có gần 200 bằng sáng chế, nhiều trong số đó liên quan đến chất bán dẫn, theo Tianyancha, nền tảng theo dõi đăng ký kinh doanh và nhãn hiệu của các công ty.

Trang web Zeku mô tả công ty này là nhà cung cấp hệ thống bán dẫn tiên tiến nhất có văn phòng tại thành phố San Diego, Palo Alto ở bang California (Mỹ) và Yokohama (Nhật Bản). Theo trang SCMP, Zeku có gần 3.000 nhân viên sau nhiều năm tuyển dụng ráo riết dù công ty không tiết lộ số lượng cụ thể.

Việc đóng cửa Zeku diễn ra trong bối cảnh khó khăn với các công ty thiết kế chip ở Trung Quốc, nơi việc mua chip bị cản trở do các hạn chế xuất khẩu leo thang của Mỹ nhắm vào chất bán dẫn tiên tiến.

Trong số 3.243 công ty thiết kế chip ở Trung Quốc vào năm ngoái, chỉ 566 hãng có doanh thu trên 100 triệu nhân dân tệ (14,4 triệu USD), theo Wei Shaojun, lãnh đạo bộ phận thiết kế mạch tích hợp tại Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA).

Dưới các lệnh trừng phạt hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, việc tìm kiếm nhà sản xuất cho các công ty thiết kế chip tại Trung Quốc đang trở nên ngày càng khó khăn.

TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan, đã ngừng nhận đơn đặt hàng của HiSilicon sau khi Mỹ trừng phạt Huawei. Mỹ không nhắm mục tiêu cụ thể vào Oppo, nhưng các bản cập nhật với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ vào tháng 10.2022 cấm bán sang Trung Quốc bất kỳ chip hoặc thiết bị sản xuất chip đủ tiên tiến nào mà không có sự chấp thuận rõ ràng.

nha-san-xuat-smartphone-lon-nhat-trung-quoc-bat-ngo-dong-don-vi-thiet-ke-chip.jpg
Nhiều nhân viên sốc khi Opp đột ngột đóng cửa Zeku, đơn vị thiết kế chip của mình - Ảnh: Shutterstock

Tháng 12.2021, Oppo đã công bố bộ xử lý hình ảnh nội bộ đầu tiên của mình có tên MariSilicon X, do Zeku phát triển, được tích hợp vào dòng smartphone Find X.

Cuối năm 2022, Oppo giới thiệu chip nội bộ thứ hai tập trung vào việc nâng cao hiệu suất âm thanh Bluetooth.

Oppo chưa bao giờ tiết lộ số tiền họ đã đầu tư vào Zeku trước khi đóng cửa.

Apple, Oppo tranh vị trí số 1 tại thị trường smartphone đang thu hẹp của Trung Quốc

Apple và Oppo là hai hãng smartphone đứng đầu về doanh số trong quý 1/2023 tại Trung Quốc, thị trường vẫn đang bị thu hẹp sau một năm gián đoạn kinh tế.

Theo số liệu từ IDC, Oppo (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) đứng đầu về doanh số smartphone trong quý 1/2023 với 19,6%, tiếp theo là Apple.

Trong khi hai hãng nghiên cứu Counterpoint Research, Canalys tính toán số liệu bán hàng và số smartphone được vận chuyển của các công ty để đi đến kết luận rằng Apple giành được vị trí dẫn đầu tại Trung Quốc quý 1/2023 dù chỉ hơn đối thủ đôi chút.

Apple từng giành vị trí dẫn đầu ở Trung Quốc trong quý 4/2022 sau khi phát hành dòng iPhone 14 và 14 Pro. Counterpoint Research cho biết Apple chiếm gần 24% doanh số smartphone của Trung Quốc trong quý 4/2022 và là nhà cung cấp smarphone hàng đầu ở nước này. Hơn nữa, Apple lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp smarphone lớn thứ hai ở Trung Quốc trong năm (2022). Công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ bị sụt giảm doanh số smartphone so với năm 2021, nhưng nhỏ hơn so với các đối thủ Trung Quốc như Vivo, Oppo và Xiaomi.

Thị trường smartphone Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm ở mức hai con số trong phần lớn năm 2022, trước hết là doanh số smartphone Android giảm mạnh, chẳng hạn các sản phẩm của Oppo, sau đó ảnh hưởng đến cả iPhone.

Theo Canalys, lượng smartphone vận chuyển vào lãnh thổ Trung Quốc giảm 11% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua

IDC cho biết việc giảm giá mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max đã giúp cho tăng trưởng doanh số của Apple vào tháng 2, song việc giới thiệu mẫu iPhone 14 màu vàng hồi đầu tháng 3 không tạo được sự phấn khích lớn. Apple giới thiệu tùy chọn màu sắc này với hy vọng thu hút người tiêu dùng quan tâm đến thiết bị đắt tiền, với giá bán tối thiểu 5.999 nhân dân tệ (tương đương 866 USD) tại Trung Quốc.

Theo IDC, Oppo đã bán được nhiều smartphone cao cấp hơn dự kiến trong quý 1/2023. Công ty Trung Quốc nhận được sự thúc đẩy từ việc thương hiệu phụ OnePlus quay trở lại thị trường nội địa, cùng sự đón nhận tích cực với smartphone có thể gập.

Samsung Electronics, công ty hàng đầu thế giới về smartphopne và điện thoại có thể gập, chỉ có một sự hiện diện nhỏ ở Trung Quốc. Tại đây, hầu hết nhà sản xuất điện thoại địa phương hiện có ít nhất một mẫu smartphone có thể gập được bán.

Không có nhà cung cấp nào trong số 5 hãng smartphone Trung Quốc lớn nhất ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý 1/2023. Vivo, Honor Mobile và Xiaomi đều có sự sụt giảm đáng kể về doanh số smartphone trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng smartphone giảm 13,8% tại Trung Quốc vào năm 2022. Thị trường smartphone toàn cầu cũng bị tổn thương do suy thoái kinh tế bởi lạm phát và lãi suất gia tăng.

Nhà phân tích Lucas Zhong của hãng Canalys cho biết: “Đại dịch đã ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng trong trung và dài hạn, khi họ có xu hướng chi tiêu cho những nhu yếu phẩm và tiết kiệm một số tiền nhất định. Các nhà cung cấp cần đưa ra những sản phẩm thuyết phục để kích thích người dùng nâng cấp smartphone”.

Bài liên quan
Xiaomi, Oppo, Vivo cho chuyển dữ liệu giữa các smartphone trong cuộc chiến chống Apple
Ba hãng smartphone nội địa hàng đầu Trung Quốc là Oppo, Vivo và Xiaomi đã đạt được thỏa thuận cho phép người dùng chuyển dữ liệu giữa các thiết bị mang thương hiệu của họ. Đây là liên minh có thể thách thức sự phổ biến của Apple tại quốc gia này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc bất ngờ đóng đơn vị thiết kế chip, nhân viên sốc