Cuộc chiến tại Ukraine khiến gần một nửa dân số 40 triệu người của nước này phải rời bỏ nhà cửa, gây nên cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế kỷ 21. Chiến tranh đang kéo dài có khả năng định hình lại châu Âu.

Hàng triệu người Ukraine có thể không trở về nhà

Cẩm Bình | 01/04/2023, 13:35

Cuộc chiến tại Ukraine khiến gần một nửa dân số 40 triệu người của nước này phải rời bỏ nhà cửa, gây nên cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế kỷ 21. Chiến tranh đang kéo dài có khả năng định hình lại châu Âu.

Trải nghiệm của Yura Skobolev đến từ vùng Kherson phản ánh tình thế mà nhiều gia đình Ukraine đang đối mặt. Ông cùng vợ con chấp nhận sống trong cảnh bị chiếm đóng suốt 8 tháng nhưng cuối cùng vẫn phải đi tị nạn vì sau khi quân đội Ukraine tái chiếm Kherson, quân Nga tiến hành pháo kích từ bên kia sông Dnipro.

“Lúc gọi về cho hàng xóm, tôi nghe được cả tiếng bò và gà kêu. Hàng xóm nói rằng mọi thứ đều ổn, thế mà 5 phút sau họ bảo: “Cho tôi 1 phút xuống hầm. Chúng lại pháo kích chúng ta”, Skobolev cho biết.

Không biết đi đâu tiếp theo, gia đình Skobolev hiện sống trong một ngôi nhà tạm ở Odesa. Họ nằm trong số hàng triệu người Ukraine tị nạn lâm vào cảnh tương tự. Khoảng 8 triệu người đang ở quốc gia châu Âu khác, dưới 6 triệu người còn lưu lại Ukraine - thuê căn hộ, ở với người thân hoặc tìm đến tổ chức nhân đạo. Gần 3 triệu người khác sang Nga.

Chưa đến 1/4 số người tị nạn từ thời gian đầu cuộc chiến nổ ra có thể về nhà mặc dù nhiều người muốn quay về. Đến nay đã có hơn 5 triệu người quay về các thành phố Kyiv, Lviv, Odesa, cũng như vài khu vực tiền tuyến cũ như Mykolaiv và Kharkiv.

“Nếu cuộc chiến tại Ukraine giống các cuộc xung đột trước mà chúng tôi nghiên cứu, đại đa số người Ukraine tị nạn sẽ không quay về”, theo nhà nghiên cứu Shelly Culbertson (tổ chức RAND Corporation).

haukr00.jpg
Đoàn người Ukraine đi qua Ba Lan - Ảnh: Getty Images

Yulia cùng chồng và 2 con gái lên một chuyến tàu hỏa đông đúc rời khỏi Kharkiv vào đầu tháng 3.2022 sau nhiều đêm ở tầng hầm tránh không kích. Thiết quân luật cấm tất cả đàn ông khỏe mạnh ở độ tuổi nhập ngũ rời khỏi đất nước, nhưng chồng của bà mắc bệnh tiểu đường nên cả gia đình có thể đi sang Ba Lan. Cuối cùng họ lưu lại Đức - nơi người chồng được điều trị y tế theo cách mà Ukraine thời bình cũng không thể cung cấp được. Vì vậy cho dù Kharkiv không còn bị tấn công thì họ cũng không quay về nữa.

Tài xế taxi Vladimir đến từ một thị trấn biên giới ở vùng Donbas, miền đông Ukraine bị thương nặng bởi pháo kích. Trong 3 tháng trước khi được sơ tán đến một trung tâm phục hồi chức năng tại miền trung Ukraine, ông phải dùng rượu vodka như thuốc giảm đau. Giờ đây ông đang xin trợ cấp tàn tật 50 USD/tháng và hy vọng ở lại trung tâm dài hạn.

“Trong từng trường hợp cụ thể, các yếu tố khác nhau dẫn đến hệ quả khác nhau. Nhưng ở các cuộc xung đột ở Bosnia và Herzegovina, Iraq, Afghanistan, Kosovo, Syria, tỷ lệ người tị nạn quay về nhà sau 10 năm từ khi chiến tranh nổ ra chỉ vào khoảng 30%”, nhà nghiên cứu Culbertson cho biết.

Số lượng người Ukraine không về nhà nữa phụ thuộc nhiều yếu tố gồm mức độ thiệt hại của cơ sở hạ tầng dân sự, năng lực tái thiết của nhà nước, khả năng có được sinh kế trong cộng đồng mới của người tị nạn, căng thẳng chính trị và sắc tộc do chiến tranh gây ra.

Tuy nhiên, tất cả yếu tố nên trên đều phụ thuộc vào một điều cực kỳ quan trọng: cuộc chiến kéo dài bao lâu.

Theo nhà nghiên cứu Culbertson: “Từ những gì chúng tôi từng chứng kiến, nếu xung đột kéo dài 6 năm hoặc lâu hơn thì tỷ lệ người tị nạn quay về rất thấp. Với mức độ tàn phá mà chúng tôi thấy được tại miền đông Ukraine, ngay cả khi chiến tranh chấm dứt vào ngày mai ở một số vùng nhất định thì vẫn cần thêm vài năm để loại bỏ bom mìn, khôi phục điện nước, xây dựng lại nhà ở và phục hồi kinh tế địa phương. Về nhà sẽ không phải lựa chọn của nhiều người Ukraine”.

Nhà nghiên cứu Culbertson khuyến nghị cả người tị nạn lẫn quốc gia đón nhận họ nên chuẩn bị cho tương lai người Ukraine trở thành một phần của châu Âu mãi mãi.

Vài nước đã bắt đầu hành động bằng cách cấp cho người tị nạn Ukraine trợ cấp hàng tháng, cấp quyền làm việc, cho con cái người tị nạn vào học trường công, đảm bảo dịch vụ y tế, kéo dài thời hạn lưu trú hợp pháp lên đến 3 năm.

Bài liên quan
Nga đánh chặn tên lửa triệu đô Mỹ viện trợ cho Ukraine
Hãng tin TASS ngày 17.4 dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga thông báo các hệ thống phòng không nước này vừa thành công đẩy lùi một đợt không kích quy mô lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
2 giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng triệu người Ukraine có thể không trở về nhà