Ngày 21.9, “Hành trình từ Trái Tim - Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng đã đến với học sinh và người dân vùng sông nước Hậu Giang.
Sáng 21.9, đoàn Hành trình từ trái tim đã đến với trường ĐH Võ Trường Toản, thư viện tỉnh Hậu Giang sau đó di chuyển bằng xuồng ghe để đến với thầy và trò trường tiểu học Trường Long Tây 3 và bà con vùng sông nước xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Cũng như tất cả các chương trình do Trung Nguyên Legend triển khai trên mọi miền đất nước trong nhiều năm qua, sứ mệnh của Hành trình từ trái tim là đến vùng sông nước Hậu Giang lần này là để tiếp tục tặng 5 đầu sách quý do Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ dày công chắt lọc gồm Nghĩ Giàu Làm Giàu, Khuyến Học, Quốc Gia Khởi Nghiệp, Đắc Nhân Tâm, Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách.
Xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A nằm ở phía tây tỉnh Hậu Giang, đây một trong những địa phương thuộc vùng sâu vùng xa khu vực miền Tây Nam Bộ. Kinh tế và thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nghề chăn nuôi trồng trọt nên cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả.
Bên cạnh đó, xã Trường Long Tây nằm ở khu vực có hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều con sông lớn, hàng năm khu vực này thường chịu ảnh hưởng bởi triều cường của hạ lưu sông Hậu nên hệ thống giao thông ở đây tương đối phức tạp. Để đến được với người dân xã Trường Long Tây, đoàn Hành trình từ trái tim phải di chuyển bằng ghe xuồng trên sông và kênh rạch.
Điểm đầu tiên đoàn Hành trình ghé tặng sách là trường tiểu học Trường Long Tây 3, một ngôi trường nhỏ bé nằm khiêm nhường bên dòng kênh nước đỏ ngầu phù sa miền sông Hậu. Bước chân vào trường, đoàn hành trình không khỏi chạnh lòng khi thấy trường còn rất đơn sơ, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học cho các em nhỏ thì thiếu thốn. Điều khiến cho hành trình ấm lòng đó là những gương mặt trẻ thơ, những ánh mắt rực sáng và nụ cười thân thiện của các em nhỏ vẫn hồn nhiên rạng ngời.
Thời điểm đoàn hành trình ghé thăm trường là ngày nghỉ cuối tuần, thế nhưng biết có buổi giao lưu, các em học sinh đã có mặt đông đủ. Nhiều em ở xa, đường xá khó đi được bố mẹ hoặc ông bà dẫn tới. Đa số các em học sinh ở đây là con nhà nông, thể trạng trông nhỏ bé so với tuổi nhưng em nào cũng nhanh nhẹn, hoạt bát tự tin trò chuyện với các cô chú trong đoàn hành trình.
Cô Nguyễn Thị Bé dẫn 2 cháu ngoại học lớp 1 và 3 tới trường đã chia sẻ với phóng viên: “Tôi nuôi 3 cháu vì bố mẹ chúng đi làm công nhân ở tận Biên Hoà, Đồng Nai. Vì nhà ở trong vùng sâu, phải lội ruộng mới ra đến đường nên hàng ngày tôi phải đích thân dẫn các cháu đi bộ tới trường. Sợ nhất là trời mưa dễ dàng trơn ngã bẩn hết quần áo sách vở của các cháu”.
Cô Bé cho biết, khó khăn nhất không phải là việc đưa đón các cháu đi học hay kinh tế eo hẹp mà thời gian cho việc đồng áng và làm mướn của cô chiếm gần hết cả ngày nên không có điều kiện chăm lo cho các cháu tốt hơn, việc giáo dục chăm lo cho các cháu nhỏ đều gần như giao phó hết cho nhà trường “Bù lại các cháu thích đi học và học tốt, chưa bao giờ bỏ 1 buổi học nào nên tôi rất vui và an tâm”, cô Bé nói.
Thầy Nguyễn Trung Em -Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường hiện nay có 8 lớp, 211 học sinh và khoảng 30 em thuộc hộ nghèo. Tuy đời sống vật chất còn khó khăn những rất hiếm có trường hợp các em bỏ học. Thời gian 5 năm trở lại đây xã được công nhận là vùng nông thôn mới thì đường bộ được mở nhiều hơn nên việc đến trường của các em có phần thuận lợi so với trước đó các em đi học phải phụ thuộc vào ghe xuồng.
Nhà trường cũng kết hơn hợp với chính quyền đoàn thể để vận động gần như tất cả các trẻ em trên địa bàn xã đều tới trường”.
Thầy Nguyễn Trung Em cho biết thêm, mỗi hộ trong xã chỉ sinh 2 con nên việc cho các cháu đi học cũng khá chu toàn, đầy đủ, bên cạnh đó nhà trường cũng hỗ trợ sách vở và vận động các em tặng sách cũ cho thư viện, hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn.
“Chương trình tặng sách cho các em học sinh của đoàn Hành trình từ trái tim rất bổ ích, thiết thực đối với các em vùng sâu vùng xa còn thiếu thốn. Đây là niềm vui chung cho tất cả thầy trò chúng tôi và những người làm giáo dục chứ không riêng gì các em nhỏ. Tôi tin rằng khi đọc xong các thầy cô trong trường sẽ truyền đạt các kiến thức lại cho các em 1 cách dễ hiểu hơn, từ đó các em rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân cũng như biết cách vươn lên trong cuộc sống” – thầy Em bộc bạch.
Rời trường tiểu học Trường Long Tây 3, Hành trình tiếp tục trong nắng gắt giữa trưa trên những chiếc ghe đến thăm và tặng sách các hộ nghèo trong xã Trường Long Tây.
Người dân địa phương đã không khỏi bất ngờ khi lần đầu tiên cho một đoàn đến thăm và tặng sách, những cuốn sách quý được trao tận tay người dân chân lấm tay bùn và con em của họ trong sự ngỡ ngàng và xúc động của người nhận.
Em Hạ Thị Trâm chia sẻ: “Em ở sâu trong xã và xung quanh là kênh rạch nên việc đi học rất bất tiện, em phải đi ghe 1 đoạn rồi lên bờ đi bộ tiếp khoảng chục km mới tới được trường. Đã nhiều lần em muốn bỏ học nhưng ba mẹ không đồng ý, ba mẹ nói muốn thoát nghèo chỉ còn cách phải học thôi. Hôm nay được đoàn tặng sách chắc hẳn ba mẹ em sẽ vui hơn cả em”.
Song song với việc trao sách quý vùng sâu xã Trường Long Tây, Hành trình từ trái tim cũng đã có buổi giao lưu thú vị với các em sinh viên ĐH Võ Trường Toản và thư viện tỉnh Hậu Giang. Tại đây, đoàn đã trao hàng ngàn cuốn sách quý và chia sẻ với sinh viên về vấn đề lập thân, lập nghiệp.
Kết thúc 1 ngày đầy ý nghĩa tại tỉnh Hậu Giang, đoàn Hành trình lại chia thành 2 đội toả đi Rạch Giávà Hà Tiên (Kiên Giang) cũng như những địa phương khác ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vớiquãng đường hơn 2.000 km trong suốt 17 ngày, đi qua 18 tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ. “Hành trình Từ Trái Tim” vùng sâu – vùng xa miền Đông và vùng sông rạch Đồng Bằng Sông Cửu Long là điểm tiếp nối của hành trình vùng núi cao và biển đảo đã thực hiện vào tháng 4 và tháng 6 năm 2019.
Tú Viên