Dù hội nghị chỉ diễn ra 2 ngày nhưng công tác chuẩn bị được tiến hành cả tháng. Hàng ngàn nhà báo đã có mặt ở Hà Nội cả tuần nay. Thông qua các hoạt động của hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ có dịp thưởng thức, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, ẩm thực Việt Nam cũng như tính cách của người Việt.

'Hậu' hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Thời cơ cho du lịch Việt Nam

27/02/2019, 16:00

Dù hội nghị chỉ diễn ra 2 ngày nhưng công tác chuẩn bị được tiến hành cả tháng. Hàng ngàn nhà báo đã có mặt ở Hà Nội cả tuần nay. Thông qua các hoạt động của hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ có dịp thưởng thức, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, ẩm thực Việt Nam cũng như tính cách của người Việt.

Dư luận thế giới đang hết sức quan tâm, theo dõi tiến trình Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (HNTĐMT lần 2) giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Hội nghị sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào ngày 27 – 28.2.2019. Đây là sự kiện chính trị quốc tế quan trọng, liên quan tới việc phi hạt nhân hóa giữa hai cường quốc bom nguyên tử về hòa bình thế giới.

Việc nguyên thủ hai quốc gia đối nghịch, đang nắm giữ vũ khí nguyên tử, cùng gặp nhau để tháo gỡ bất đồng, đã là dấu chỉ tích cực cho hòa bình khu vực và thế giới. Hội nghị không có nhiều lãnh đạo các quốc gia như APEC, nhưng ước tính có khoảng hơn 3.000 nhà báo quốc tế đến tường thuật, viết bài và đưa tin.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 1 tổ chức vào tháng 6.2018 tại đảo quốc Singapore, một trong bốn con rồng kinh tế của châu Á, từng sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Lần này, Việt Nam được gọi tên, chứ không phải quốc gia nào khác.

Có người bảo, do vị trí địa lý. Người khác nói do ý thức hệ tương đồng. Thật ra, đó là sự ổn định chính trị, an ninh và khả năng tổ chức hội nghị. Đây là sự lựa chọn, có cân nhắc và tính toán rất kỹ của nguyên thủ cả hai nước. Những sự kiện quốc tế khác, thường có sự tương đồng về nội dung và cả thành phần tham gia nên địa điểm được chọn sẽ là một trong các quốc gia thành viên. Việc chọn địa điểm hội nghị giữa các quốc gia đối nghịch sẽ phức tạp và khó khăn hơn. Không phải tự nhiên mà Việt Nam được chọn.

Sẽ có người thắc mắc “Sự kiện chính trị, đâu liên quan gì tới du lịch?”. Xin thưa, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, hầu như liên quan đến tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống. Từ giao thông, y tế, vệ sinh, hải quan, thực phẩm, thuế, tài chính cho đến giáo dục, văn hóa, tín ngưỡng… Chính trị hắt hơi là du lịch lãnh đủ. Việc Việt Nam được chọn tổ chức HNTĐMT lần 2 chính là thời cơ của nhiều ngành khác, đặc biệt là du lịch. Vậy thời cơ đó là gì?

Trước hết, việc tổ chức hội nghị HNTĐMT lần 2 đã khẳng định tình hình an ninh, chính trị ổn định của Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện quyết định cho kinh tế nói chung và du lịch nói riêng phát triển. Du khách không thể tự chuốc lấy phiền phức và nguy hiểm khi du lịch đến các quốc gia bất ổn về chính trị. Các nhà đầu tư cũng không ai dại gì bỏ vốn kinh doanh ở những nước mà thiếu sự ổn định, cả chính trị lẫn chính sách.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, cũng như khả năng tổ chức các sự kiện lớn của nước chủ nhà. Từ khách sạn, vận chuyển, các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hội nghị cho đến việc ăn ở, đi lại, thư giãn của mấy ngàn nhà báo. Việc đảm bảo an ninh tuyệt đối, hậu cần chất lượng và chu đáo cho hội nghị chính là sự cam kết và mời gọi các đối tác vào Việt Nam đầu tư, liên doanh, liên kết. Đây là thời cơ lớn cho loại hình du lịch MICE của Việt Nam tiếp cận và giới thiệu với các nước.

Dù hội nghị chỉ diễn ra 2 ngày nhưng công tác chuẩn bị được tiến hành cả tháng. Hàng ngàn nhà báo đã có mặt ở Hà Nội cả tuần nay. Thông qua các hoạt động của hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ có dịp thưởng thức, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, ẩm thực Việt Nam cũng như tính cách của người Việt. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia có dịp đón tiếp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jung-un, nguyên thủ một quốc gia khép kín với thế giới. Chủ tịch Kim Jung-un, nhân vật đầy bí ẩn và bất ngờ, lâu nay mọi người chỉ biết và phán xét qua thông tin báo chí và Internet.

Tiếp đến là sự tiếp đón và tiếp cận của người dân thủ đô trong những ngày chuẩn bị và diễn ra hội nghị. Chắc chắn không tránh khỏi khiếm khuyết hoặc sự cố từ một vài cá nhân nhưng bao trùm tất cả là sự thân thiện và hiếu khách của người Hà Nội. Bình thường, có lúc này lúc khác nhưng đây là dịp đại sự, là cơ hội để “sĩ phu Bắc Hà” và dân Tràng An xưa thể hiện sĩ diện quốc gia, chủ nhân của một đất nước vốn chịu nhiều thương đau do chiến tranh nên càng yêu chượng hòa bình.

Trong chương trình hội nghị, chắc chắn có việc thăm các di tích và danh thắng thủ đô “ngàn năm văn vật”. Các nhà báo sẽ tranh thủ tham quan và tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam ngoài chương trình nghị sự. Một công đôi việc, tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc. Đây là dịp quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với thế giới ít tốn kém mà lại rất hiệu quả.

Thiên hạ đang theo dõi tiến trình Hội nghị thượng đỉnh và sẽ quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn, nhất là những người lâu nay chưa nghe và ít biết về Việt Nam. Hình ảnh hai nguyên thủ quốc gia đặc biệt là Mỹ và Triều Tiên, cùng đoàn tháp tùng và nhà báo; mấy ngàn người giữa thủ đô Hà Nội hòa bình, cổ kính sẽ PR cho du lịch Việt Nam. Ngoài di tích, cảnh quan đường phố, con người và danh thắng còn có ẩm thực, khách sạn, văn hóa… Việt Nam. Vấn đề là tận dụng thời cơ thế nào và bằng những hành động thiết thực ra sao.

Với sự tập trung cao độ, dồn mọi nỗ lực cho sự kiện lịch sử, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chắc chắn sẽ thành công, không chỉ về công tác tổ chức mà còn rất nhiều hiệu ứng dây chuyền quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam.

Không chỉ tác động và kéo khách nước ngoài đến Việt Nam, HNTĐMT lần 2 cũng sẽ góp phần kích cầu nội địa. Người Việt cũng đang theo dõi từng diễn biến của tiến trình hội nghị. Sự quan tâm này thể hiện tấm lòng của người dân Việt với đất nước và với hòa bình thế giới. Kinh nghiệm là sau những chuyến công cán của các Tổng thống Mỹ và hội nghị APEC, du lịch Việt Nam đã có những chuyển động tích cực. Lần này, thời cơ còn lớn hơn.

Vấn đề quan trọng và cấp bách là du lịch Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng, biến thời cơ thành động lực cụ thể để tăng tốc. Rất cần những động thái tích cực tiếp theo chứ không thể cứ “Im lặng là vàng” và thụ động chờ sung rụng may rủi. Lượng khách sẽ tăng sau sự kiện nhưng bao nhiêu người sẽ quay lại, sẽ giới thiệu cho người thân, bạn bè và quảng bá cho Việt Nam. Làm sao mỗi du khách nước ngoài đến Việt Nam là một “đại sứ du lịch” cho đất nước.

Thời cơ cũng chỉ là thời cơ nếu Việt Nam không tiếp tục quyết liệt xử lý các vấn nạn xã hội liên quan như cướp giật, tai nạn giao thông, vệ sinh môi trường và thực phẩm, chặt chém và lừa đảo du khách… Quặng chỉ thành vàng nếu được sàng lọc và đưa vào nhà máy tinh chế. Thời cơ cũng vậy. Du lịch Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều thời cơ để tăng tốc.

Lần này, mong không lỗi hẹn. Viết và nói khen như vậy quá đủ rồi. Phải làm thôi và làm đến nơi đến chốn, nếu không muốn tiếp tục bị tụt hậu.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hậu' hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Thời cơ cho du lịch Việt Nam