Tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa - Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) đã chụp ảnh vực Valles Marineris dài gấp gần 10 lần và sâu hơn gấp 3 lần hẻm núi Grand Canyon ở Mỹ.

Hẻm núi lớn nhất hệ Mặt trời, dài gấp 10 lần Grand Canyon

Long Hải | 06/01/2021, 12:20

Tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa - Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) đã chụp ảnh vực Valles Marineris dài gấp gần 10 lần và sâu hơn gấp 3 lần hẻm núi Grand Canyon ở Mỹ.

hem-nui.jpg
Một phần hẻm núi Valles Marineris trong ảnh chụp cận cảnh từ camera HiRISE - Ảnh: NASA/UA

Valles Marineris là hệ thống hẻm núi khổng lồ trải dài 4.000 km dọc theo xích đạo sao Hỏa, chiếm gần 1/4 chu vi hành tinh đỏ. Theo nghiên cứu của Đại học Arizona (UA) tại Tucson, vết nứt trong nền đáy của sao Hỏa dài gấp gần 10 lần và sâu hơn gấp 3 lần Grand Canyon. Điều này khiến nó trở thành hẻm núi lớn và bí ẩn nhất hệ Mặt trời.

Các nhà khoa học UA đã sử dụng camera có độ phân giải cực cao gọi là HiRISE trên tàu MRO để chụp cận cảnh những đặc điểm kỳ lạ nhất của hành tinh đỏ kể từ năm 2006. Mặc dù thu được một số hình ảnh ấn tượng về Valles Marineris, như bức ảnh được đăng lên trang web HiRISE vào ngày 26.12.2020, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về cách tổ hợp hẻm núi khổng lồ này hình thành.

hem-nui2.jpg
ESA cho biết phần lớn hẻm núi có thể đã nứt từ hàng tỉ năm trước khi một nhóm siêu núi lửa gần đó lần đầu tiên nhô lên khỏi bề mặt sao Hỏa - Ảnh: NASA/UA

Không giống như hẻm núi Grand Canyon trên Trái đất, Valles Marineris có lẽ không do dòng nước chảy xiết mài mòn trong hàng tỉ năm tạo thành. Sao Hỏa quá nóng và khô để có thể tồn tại một con sông đủ lớn để cắt xuyên qua lớp vỏ như vậy. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết có bằng chứng cho thấy dòng nước có thể đã đào sâu thêm một số đường rãnh của hẻm núi cách đây hàng trăm triệu năm.

Theo ESA, phần lớn hẻm núi có thể đã nứt từ hàng tỉ năm trước khi một nhóm siêu núi lửa gần đó (được gọi là vùng Tharsis) lần đầu tiên nhô lên khỏi bề mặt sao Hỏa. Khi magma nóng chảy bên dưới những siêu núi lửa này (bao gồm cả Olympus Mons, núi lửa lớn nhất trong hệ Mặt trời), lớp vỏ của hành tinh dễ dàng bị kéo căng, xé toạc và cuối cùng sụp đổ thành các rãnh và thung lũng tạo nên Valles Marineris ngày nay.

Bằng chứng cho thấy rằng các vụ lở đất sau đó, dòng chảy magma và thậm chí một số con sông cổ đại có lẽ đã góp phần khiến hẻm núi xói mòn trong những năm tiếp theo. Nhóm nghiên cứu nói rằng việc phân tích sâu hơn những bức ảnh có độ phân giải cao thế này sẽ giúp giải đáp về nguồn gốc của hẻm núi lớn nhất hệ Mặt trời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hẻm núi lớn nhất hệ Mặt trời, dài gấp 10 lần Grand Canyon